Đại tá, TS. Bác sĩ Ngô Vi Hải, Chủ nhiệm Khoa Phẫu thuật lồng ngực, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108. Ảnh: Anh Thư |
Chiều 13/11, Khoa Phẫu thuật lồng ngực B4, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 tổ chức Hội thảo khoa học: "Cập nhật những tiến bộ trong phẫu thuật điều trị ung thư phổi". Các chuyên gia hàng đầu về phẫu thuật lồng ngực của Nhật Bản đã có những chia sẻ về kiến thức mới, trao đổi kinh nghiệm trong phẫu thuật điều trị căn bệnh hiểm nghèo này.
Những kỹ thuật được chia sẻ tại hội thảo bao gồm phẫu thuật cắt phổi bằng dao robot Da Vinci XI với 1 phẫu thuật viên; phẫu thuật và tái tạo carina (chạc ba khí phế quản); nghiên cứu ADAURA phẫu thuật cắt phân thùy phổi robot hỗ trợ và những thay đổi quan trọng trong hóa trị chu phẫu để thực hiện ca mổ thật tốt...
Giáo sư Hisashi Iwata, Đại học Gifu. Ảnh: Anh Thư |
Theo Giáo sư Hisashi Iwata, Đại học Gifu (Nhật Bản), phẫu thuật với sự hỗ trợ của robot không phải là kỹ thuật hoàn toàn mới trên thế giới. Tuy nhiên, thời gian đầu, do công nghệ chưa đủ phát triển, sẽ cần 2 phẫu thuật viên cho một ca mổ. Người mổ chính ngồi ở hệ thống điều khiển các cánh tay robot, thực hiện các thao tác phẫu thuật, còn người phụ thì ở cạnh bệnh nhân, thực hiện các động tác vén phổi, thay dụng cụ… Phương pháp này cần sự phối hợp ăn ý và nhuần nhuyễn, do đó thường gây áp lực tâm lý lớn lên các phẫu thuật viên.
Để khắc phục những khó khăn này, theo sự phát triển của hệ thống Da Vinci, công nghệ robot hỗ trợ phẫu thuật hiện đã ngày càng phát triển hoàn thiện hơn, từ hệ thống 3 tay, tới hệ thống 4 tay SI và hiện tại là hệ thống 4 tay XI tối tân.
Theo giới thiệu của Giáo sư Iwata, robot phẫu thuật 4 tay XI là hệ thống robot hỗ trợ mới đang được áp dụng tại Nhật Bản, giúp khả năng kiểm soát của phẫu thuật viên tăng lên rất nhiều và cho phép chỉ cần 1 phẫu thuật viên tham gia ca phẫu thuật.
Phẫu thuật viên sẽ ngồi bên máy quan sát và thao tác phẫu thuật thông qua robot phẫu thuật 4 tay trên người bệnh. Với khả năng kiểm soát cao, phẫu thuật viên có thể thực hiện hoàn toàn các công đoạn thông qua cánh tay robot, từ các thao tác nhỏ cho tới việc đặt stapler.
Đây là một xu hướng mới đang được ứng dụng trong điều trị, sẽ hỗ trợ các bác sĩ phẫu thuật rất nhiều, giúp việc phẫu thuật được chính xác, dễ dàng và triệt để hơn, nhất là với những ca phẫu thuật vét hạch, mổ phổi.
Thiếu tướng, GS.TS. Lâm Khánh, Phó giám đốc Bệnh viện Trung ương Quân đội 108. Ảnh: Anh Thư |
Thiếu tướng, GS. TS. Lâm Khánh, Phó giám đốc Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 đánh giá, những kỹ thuật được chia sẻ tại hội thảo đều là những kỹ thuật rất mới, đặc biệt là kỹ thuật sử dụng robot trong phẫu thuật.
Hiện nay, Nhật Bản có khoảng 400 robot ứng dụng trong hầu hết các lĩnh vực điều trị như tiết niệu, ngoại tiêu hóa, phẫu thuật phổi, phẫu thuật cột sống… Còn tại Việt Nam số lượng robot còn rất ít, chỉ đếm trên đầu ngón tay. Do đó Giáo sư Lâm Khánh cho rằng việc chuyển giao kỹ thuật từ nước ngoài về Việt Nam là rất cần thiết.
Theo Đại tá, TS. Bác sĩ Ngô Vi Hải, Chủ nhiệm Khoa Phẫu thuật lồng ngực, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, kỹ thuật phẫu thuật hỗ trợ robot được các giáo sư Nhật Bản chia sẻ là một xu hướng mới trong phẫu thuật điều trị ung thư phổi, nhất là với những trường hợp ở giai đoạn sớm thì có thể mổ cắt thùy hoặc cắt phân thùy với sự hỗ trợ robot.
Kỹ thuật này cho phép người bác sĩ dễ dàng hơn trong thao tác và đánh giá tổn thương nhờ vào hỗ trợ của hệ thống camera 3D và hệ thống cánh tay robot có thể vận động linh hoạt như ngón tay người. Đây là một kỹ thuật có thể hỗ trợ bác sĩ thao tác dễ dàng hơn.
Tuy nhiên, giá thành của công nghệ này vẫn còn cao, chi phí đầu tư một dàn robot này hiện tại có thể lên đến vài triệu USD, cùng với đó, chi phí vật tư tiêu hao cho mỗi ca mổ cũng bị đẩy lên cao, điều này khiến chi phí mổ bằng robot vẫn còn tương đối cao so với mức chi trả trung bình của người bệnh.
Giáo sư Yukio Sato, Đại học Y Tsukuba. Ảnh: Anh Thư |
Ngoài ra, theo bác sĩ Ngô Vi Hải, trong hoạt động hợp tác quốc tế, bệnh viện vẫn có sự trao đổi thường xuyên với đối tác Nhật Bản, bên cạnh việc chia sẻ thông tin qua các buổi hội thảo, bệnh viện có chương trình cử đội ngũ bác sĩ trẻ sang nước bạn để tham quan, kiến tập, học hỏi kinh nghiệm.
Tại hội thảo, Giáo sư Yukio Sato, Đại học Y Tsukuba, cũng cho biết Nhật Bản đang có quỹ tài trợ cho bác sĩ trẻ của Việt Nam sang tham quan, học hỏi các kinh nghiệm, kỹ thuật của nước bạn. Thậm chí, một số trường đại học cũng có những khóa học trung, dài hạn nhằm đào tạo chuyên sâu hơn cho các bác sĩ trẻ.
Ung thư phổi là nguyên nhân gây tử vong nhiều nhất trong số các bệnh ung thư trên toàn cầu
Theo thống kê về dịch tễ bệnh ung thư toàn cầu của Globocan (trực thuộc WHO) năm 2020, tình hình mắc và tử vong do ung thư trên toàn thế giới đều có xu hướng tăng. Trong đó, ung thư phổi đứng thứ 2 về tỉ lệ mắc mới và là nguyên nhân gây tử vong nhiều nhất trong số các bệnh ung thư trên toàn cầu.
Tại Việt Nam, mỗi năm ghi nhận 26.262 ca mắc mới ung thư phổi và 23.797 ca tử vong vì căn bệnh này. Thuốc lá là nguyên nhân chính, chiếm trên 90% gây ra bệnh ung thư phổi và trên 30% gây ra các loại ung thư khác.
Mỗi năm, Việt Nam ghi nhận hơn 182.000 ca mắc mới ung thư, trên 122.000 trường hợp tử vong. Hiện có khoảng 354.000 người đang sống chung với bệnh ung thư.