Bộ trưởng NN&PTNT Lê Minh Hoan tại Hội nghị. Ảnh: Lê Hồng Nhung - Mekong ASEAN |
Cần sự chung tay của nhiều bên để phòng, chống kháng kháng sinh
Tháng 9 vừa qua, Phó Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược quốc gia về phòng, chống kháng thuốc tại Việt Nam giai đoạn 2023 – 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Chiến lược nêu rõ mục tiêu là làm chậm sự tiến triển kháng thuốc và ngăn chặn, kiểm soát sự tiến triển kháng thuốc, ngăn chặn, kiểm soát lây lan của các vi sinh vật kháng thuốc, bệnh truyền nhiễm. Bảo đảm sự sẵn có các thuốc kháng vi sinh vật và sử dụng thuốc kháng sinh vật hợp lý để điều trị hiệu quả các bệnh truyền nhiễm ở người và động vật.
Theo báo cáo của Viện nghiên cứu Chăn nuôi Quốc tế (ILRI) trích dẫn theo 2 nghiên cứu gần đây tại Việt Nam công bố tại Hội nghị chuyên đề về phối hợp đa ngành trong phòng, chống kháng thuốc từ chính sách đến hành động, diễn ra trong 2 ngày từ 5-6/12 do Bộ NN&PTNT phối hợp tổ chức, có 42,2 tấn và 981,3 tấn kháng sinh được sử dụng trong chăn nuôi gà và lợn mỗi năm tại Việt Nam. Trong đó, có 55% trường hợp dùng khi vật nuôi có các triệu chứng hoặc biểu hiện bất thường, 25% khi thay đổi thời tiết và 27% khi vật nuôi trang trại nhà hàng xóm bị bệnh.
Trước thực tế này, tại hội nghị, Bộ trưởng NN&PTNT Lê Minh Hoan nêu rõ, kháng kháng sinh đang là vấn đề lớn của toàn cầu vì nguy cơ gây ảnh hưởng sức khỏe con người và động vật, gây mất an toàn thực phẩm. Tình trạng kháng kháng sinh ngày càng gia tăng và chưa có dấu hiệu dừng lại, do đó cần được cảnh báo ở mức độ rất quan ngại ở cấp quốc gia và thế giới.
Ảnh: Lê Hồng Nhung - Mekong ASEAN "Hiện nay, Bộ NN&PTNT và Bộ Y tế đều xác định công tác phòng, chống kháng kháng sinh là nhiệm vụ ưu tiên. Tuy nhiên để công tác phòng, chống mang lại hiệu quả thì còn cần sự chung tay của các bộ ngành, bao gồm Bộ NN&PTNT, Bộ Y tế, Bộ Tài nguyên & Môi trường, Bộ Công Thương, đặc biệt là nguồn lực từ tổ chức quốc tế và khối tư nhân trong, ngoài nước".
Trong lĩnh vực y tế, PGS TS Lương Ngọc Khuê - Phó Chủ tịch Hội đồng Y khoa quốc gia, Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) cho biết, đến năm 2050, ước tính có thể có tới 10 triệu ca tử vong mỗi năm trên thế giới nếu xu hướng kháng thuốc tiếp tục diễn ra.
“Việc sử dụng sai hoặc lạm dụng thuốc là nguyên nhân chính dẫn đến kháng thuốc. Tìm được một kháng sinh đã khó, việc giữ và bảo vệ còn khó hơn. Nếu hôm nay chúng ta không hành động thì ngày mai người bệnh sẽ rất khó khăn để có thuốc chữa”, ông Khuê nhận định.
Theo PGS TS Lương Ngọc Khuê, hiện Bộ Y tế đã thành lập Ban chỉ đạo Quốc gia về phòng chống kháng kháng sinh giai đoạn 2020 – 2025 để thực hiện Chiến lược quốc gia về phòng, chống kháng thuốc tại Việt Nam giai đoạn 2023 – 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Bộ NN&PTNT tập trung thực hiện các biện pháp hạn chế lạm dụng kháng sinh
Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, các quy định về pháp luật được quy định kháng sinh trong chăn nuôi thú y đã được Bộ triển khai từ rất sớm. Trong đó, không cho phép dùng kháng sinh với mục đích kích thích sinh trưởng trong chăn nuôi kể từ ngày 1/1/2018 và đang trong lộ trình giảm sử dụng kháng sinh để phòng bệnh cho vật nuôi và cấm hoàn toàn việc sử dụng điều trị với mục đích phòng bệnh trong chăn nuôi.
Từ năm 2026 trở đi, kháng sinh chỉ dùng để điều trị dự phòng, điều trị khi vật nuôi được chẩn đoán mắc bệnh và phải theo đơn thuốc của người được phép kê đơn thuốc thú y.
Bộ NN&PTNT thời gian qua đã ban hành nhiều quy định pháp luật liên quan đến việc dùng thuốc kháng sinh. Ảnh: Lê Hồng Nhung - Mekong ASEAN |
Bộ đã ban hành thông tư quy định về hướng dẫn thuốc thú y, tài liệu hướng dẫn các kê đơn thuốc thú y trong điều trị bệnh động vật để hướng tới sử dụng kháng sinh đúng cách, có trách nhiệm trong chăn nuôi thú y. Từ đó kiểm soát tốt việc sử dụng kháng sinh trong chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản.
“Chúng tôi kêu gọi sự tham gia tích cực từ chính quyền các cấp, các tổ chức ban ngành trong việc truyền thông, nâng cao nhận thức người dân, để từ đó người chăn nuôi có trách nhiệm trong sử dụng kháng sinh. Đồng thời kêu gọi người nuôi trồng thủy sản, sản xuất thức ăn, thuốc thú y... cũng cần có trách nhiệm trong vấn đề này”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh.
Là cơ quan thuộc Bộ NN&PTNT, Cục trưởng Cục Thú y Nguyễn Văn Long cho biết, thời gian qua Cục đã triển khai nhiều hoạt động nhằm tuyên truyền đến người chăn nuôi hiểu rõ hơn về tác hại của việc lạm dụng thuốc kháng sinh, trong đó ngoài các chỉ đạo về mặt lý thuyết và quy định, Cục còn phối hợp thực hiện cùng địa phương trong vấn đề này.
Cục Thú y đóng vai trò chịu trách nhiệm chính trong việc rà soát, cập nhật, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến quản lý kháng sinh và kháng kháng sinh; thiết lập hệ thống các phòng thử nghiệm kháng sinh trong lĩnh vực nông nghiệp; đào tạo nguồn nhân lực có thể tiếp cận được với các kỹ thuật thử nghiệm kháng kháng sinh của quốc tế…
Trong vấn đề dữ liệu, ông Long cho biết, Cục đã có cơ sở dữ liệu về nhập khẩu nguyên liệu kháng sinh, tất cả nguyên liệu sử dụng kháng sinh cũng đều được kiểm soát kỹ.
Ảnh: Lê Hồng Nhung - Mekong ASEAN “Gần 10 năm qua, ngành thú y kiểm soát rất kỹ vấn đề nguyên liệu sử dụng kháng sinh, vào bao nhiêu, dùng hết bao nhiêu và còn lại bao nhiêu. Ngành thú y cũng yêu cầu rõ ràng trong việc nhập nguyên liệu, cung cấp cho đối tác nào”.
Dù vậy, Cục trưởng Nguyễn Văn Long cũng cho rằng đang thiếu sự tích hợp cơ sở dữ liệu giữa các bên khi thông tin ở Việt Nam còn manh mún, chưa có tính tổng thể. Do đó, cần phải có chiến lược, đề án cụ thể, cần có sự phối hợp triển khai thực hiện trong việc xây dựng cơ sở dữ liệu.