Ông Ngô Khắc Lễ, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA) cho rằng, không cần thiết phải đặt thêm các điều kiện riêng biệt cho doanh nghiệp vận chuyển thuốc. Ảnh: VCCI |
Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Lê Việt Dũng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) cho hay, sau gần 7 năm thực hiện, một số quy định của Luật Dược số 105/2016/QH13 đã không còn phù hợp yêu cầu quản lý, tạo ra một số vướng mắc, gây khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh dược, ảnh hưởng đến việc bảo đảm cung ứng thuốc, nhất là trong điều kiện cấp bách như phòng, chống dịch bệnh, đặc biệt trong giai đoạn phòng, chống dịch Covid-19 vừa qua.
Vì vậy, việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược để phù hợp với chủ trương, chính sách, đường lối của Đảng, Nhà nước; giải quyết những vấn đề vướng mắc phát sinh trong thực tiễn cũng như phù hợp đồng bộ, thống nhất với hệ thống luật mới là rất cần thiết.
Cần cân nhắc tính hợp lý của quy định về vận chuyển thuốc
Tại hội thảo, ông Nguyễn Thế Tin, Chủ tịch Hội Dược học Việt Nam (VPA), chỉ ra rằng Dự thảo Luật Dược đã xây dựng nội dung về một số loại hình kinh doanh mới phát sinh trong quá trình hoạt động của ngành dược như kinh doanh dịch vụ vận chuyển thuốc, nguyên liệu làm thuốc; dịch vụ nghiên cứu phát triển...
Đây là những nội dung chưa được Luật Dược quy định, điều chỉnh, do đó, cần xây dựng hành lang pháp lý đối với các loại hình hoạt động kinh doanh trên.
Trong bản tham luận của mình, ông Nguyễn Thế Tin nêu ra 3 điểm nghẽn cần lưu ý và làm rõ hơn, trong đó, chú trọng vào vấn đề về dịch vụ vận chuyển thuốc.
Dự thảo đã bổ sung dịch vụ này là dịch vụ kinh doanh dược có điều kiện, theo đó, vận chuyển thuốc được đánh giá trong dự thảo là một khâu quan trọng trong quá trình phân phối thuốc và là nhân tố ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng thuốc.
Tuy nhiên, trong Thông tư 03/2018/TT-BYT được Bộ Y tế công bố năm 2018 đã quy định các phương tiện vận chuyển thuốc có thể là xe tải, bán tải, xe buýt, mini buýt, xe hơi, rơ mooc, máy bay, tàu hỏa chở hàng, tàu thủy và các phương tiện khác dùng để vận chuyển thuốc.
Do đó, ông Tin đặt câu hỏi rằng trong thực tiễn, thuốc có thể được vận chuyển bằng cả máy bay, tàu hỏa, thuyền…, vậy các phương tiện đó có nằm trong phạm vi điều chỉnh của dịch vụ vận chuyển thuốc hay thuốc chỉ vận chuyển bằng ô tô, xe máy?
Ngoài ra, ông Tin kiến nghị, xét về tính hợp lý, để đạt được mục tiêu bảo đảm cung ứng thuốc nhanh chóng, an toàn, chỉ cần các đơn vị cung cấp dịch vụ vận chuyển hiện nay đáp ứng GDP mà không cần thêm điều kiện kinh doanh, thì nên đặt ra tiêu chuẩn kỹ thuật cho việc vận chuyển mặt hàng đặc biệt là thuốc - do có những điều kiện bảo quản riêng, chứ không đặt ra loại hình kinh doanh mới.
Ông Nguyễn Thế Tin, Chủ tịch Hội Dược học Việt Nam (VPA), chỉ ra rằng Dự thảo Luật Dược cho rằng nên đặt ra tiêu chuẩn kỹ thuật cho việc vận chuyển thuốc - do có những điều kiện bảo quản riêng, chứ không đặt ra loại hình kinh doanh mới. |
Cũng bàn về vấn đề vận chuyển thuốc, nhưng ông Ngô Khắc Lễ, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA) cho rằng, không cần thiết phải đặt thêm các điều kiện riêng biệt cho doanh nghiệp vận chuyển thuốc như: đơn vị vận chuyển thuốc cần phải có ít nhất một nhân viên có chứng chỉ về dược; hay doanh nghiệp cần sở hữu các thiết bị bảo quản thuốc riêng biệt…
Theo ông Lễ, quy định này gây nên khó khăn cho các doanh nghiệp vận chuyển thuốc bởi hai lý do. Thứ nhất là có rất nhiều doanh nghiệp vận chuyển quy mô nhỏ, lượng nhân viên ít, nguồn vốn thấp, khó đáp ứng các yêu cầu cao về cả nhân sự và hạ tầng. Ngoài ra, không phải loại thuốc nào cũng cần có cách bảo quản riêng biệt, rất nhiều loại thuốc hoàn toàn có thể vận chuyển trong điều kiện bình thường.
Về hạ tầng thiết bị, ông Lễ cho rằng hiện nay, doanh nghiệp thường hoạt động theo chuỗi cung ứng, doanh nghiệp vận chuyển hoàn toàn có thể thuê từ các doanh nghiệp cung ứng dịch vụ và không cần sở hữu các thiết bị bảo quản riêng biệt. Do đó, việc yêu cầu doanh nghiệp phải sở hữu các thiết bị sẽ gây áp lực lên nguồn vốn của doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, theo ông Ngô Khắc Lễ, đối với việc vận chuyển thuốc, các doanh nghiệp sẽ phải có sự trao đổi, thảo luận, lựa chọn và quy định rõ ràng những điều kiện cần thiết trong hợp đồng vận chuyển nhằm đảm bảo chất lượng thuốc. Do đó, việc đưa các quy định kể trên vào trong Dự thảo Luật Dược sẽ gây nên những khó khăn cho doanh nghiệp.
Khó khăn trong kê khai đầy đủ giá thuốc
Bên cạnh vấn đề kể trên, một trong những kiến nghị được doanh nghiệp quan tâm nhiều tại hội thảo là về hồ sơ đăng ký thuốc. Theo chia sẻ tại hội thảo, thực tiễn hiện nay có nhiều hồ sơ đăng ký thuốc được nộp chưa thực sự xuất phát từ nhu cầu thực tiễn nên sau khi được cấp Giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc đã không tham gia vào quá trình sản xuất, lưu thông phân phối.
Việc doanh nghiệp nộp nhiều hồ sơ đăng ký thuốc không dựa trên nhu cầu thực tiễn làm tăng nguy cơ tồn đọng hồ sơ, lãng phí nguồn lực xã hội, khó khăn cho công tác quản lý kiểm soát được số lượng thuốc đang thực sự lưu thông trên thị trường để nắm được năng lực sản xuất, cung ứng thuốc, hỗ trợ cho công tác hoạch định, dự báo…
Hội thảo nhằm đón nhận những ý kiến của các chuyên gia, doanh nghiệp để hoàn thiện dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược. Ảnh: VCCI |
Ngoài ra, các đại biểu cũng nêu vấn đề về những bất cập phát sinh đối với quy định về quản lý giá thuốc và cho rằng cần có quy định đáp ứng thực tiễn.
Hiện, trên thị trường có trên 25.000 sản phẩm thuốc được cấp phép lưu hành, trong đó nhiều thuốc có cùng thành phần hoạt chất, nồng độ/hàm lượng, dạng bào chế, đường dùng, đã lưu hành nhiều năm, đã tạo mặt bằng giá trên thị trường và có tính cạnh tranh cao hoặc nhiều thuốc có giá kê khai rất thấp (ví dụ thuốc dưới 100, 200 đồng/viên), thuốc hỗ trợ điều trị (ví dụ các thuốc vitamin, thuốc bổ).
Vì vậy, các chuyên gia, doanh nghiệp cho rằng, việc yêu cầu kê khai giá tất cả các loại thuốc trước khi lưu hành trên thị trường như quy định tại Luật Dược hiện hành là không cần thiết, chỉ nên quy định đối với một số nhóm thuốc, danh mục thuốc để tập trung trong công tác quản lý. Các nhóm thuốc còn lại để thị trường điều tiết theo quy luật cung cầu, phù hợp với các quy định của Luật giá.