Ông Emin Turan, Chủ tịch Pharma Group. |
Đây là quan điểm được Pharma Group thể hiện tại Hội thảo Y dược chủ đề “Triển khai Nghị Quyết 29: Tiếp cận mới trong phát triển ngành y dược” ngày 20/7. Hội thảo nhằm tạo cơ hội tìm ra hướng đi mới cho sự phát triển của ngành, cũng như kết nối cơ hội hợp tác giữa các doanh nghiệp.
Khoảng 200 đại biểu đến từ các Bộ ngành, tổ chức quốc tế, cộng đồng doanh nghiệp trong nước và quốc tế đã tham gia thảo luận về các phương thức tiếp cận mới và động lực tăng trưởng mới trong phát triển ngành y dược.
Theo báo cáo mới nhất của Công ty kiểm toán KPMG về “Đánh giá các tác động kinh tế và xã hội của ngành dược phẩm phát minh đối với Việt Nam”, dược phẩm phát minh ước tính đã đóng góp 1,16 tỷ USD vào GDP năm 2021, và dự kiến có tốc độ tăng trưởng hằng năm lên đến 10% trong thời gian tới.
Con số này bao gồm 350 triệu USD giá trị được tạo ra trực tiếp và 410 triệu USD đóng góp gián tiếp thông qua các giao dịch giữa các doanh nghiệp với nhau, như chi tiêu cho nguyên liệu thô, hoạt động hậu cần, bán hàng và tiếp thị. Khoảng 400 triệu USD còn lại được ghi nhận thông qua các chi tiêu của người lao động trong ngành này.
Tại hội thảo do Báo Đầu tư tổ chức, Thứ trưởng bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Nguyễn Thị Bích Ngọc cho biết, ngành dược có hàm lượng khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo cao đồng thời có tính lan tỏa cao - là một trong các lĩnh vực cần được ưu tiên thu hút đầu tư, phát triển, theo mục tiêu đề ra tại Nghị quyết 29.
Thứ trưởng dẫn chứng số liệu cho thấy thị trường chăm sóc sức khỏe của Việt Nam đang ghi nhận mức tăng trưởng nhanh chóng và đã đạt hơn 20 tỷ USD, chiếm 6% GDP (năm 2022), dự báo sẽ tăng đến 23,3 tỷ USD vào năm 2025 và 33,8 tỷ USD vào năm 2030.
Thị trường dược phẩm Việt Nam đang trên đà tăng trưởng mạnh với tổng giá trị từ 3,4 tỷ USD năm 2015 lên đến gần 7 tỷ USD năm 2022, với tăng trưởng kép là 10,6%, sản xuất trong nước chiếm khoảng 45% tổng giá trị tiền thuốc điều trị. Dự báo đến năm 2030, tổng giá trị thị trường thuốc của Việt Nam sẽ lên đến trên 13 tỷ USD. Tiền thuốc bình quân đầu người năm 2022 đạt khoảng 75 USD.
Tính đến nay, Việt Nam đã có 228 nhà máy sản xuất dược phẩm đạt tiêu chuẩn GMP-WHO, trong đó có 7 nhà máy sản xuất vaccine, 7 nhà máy đóng gói thứ cấp vaccine, 77 nhà máy có sản xuất thuốc dược liệu.
Để thu hút đầu tư trong lĩnh vực sản xuất dược phẩm, Luật Dược năm 2016 có quy định chính sách Nhà nước về ưu đãi đầu tư sản xuất thuốc, nguyên liệu làm thuốc, thuốc thiết yếu, thuốc phòng, chống bệnh xã hội, vaccine, sinh phẩm, thuốc dược liệu, thuốc cổ truyền, thuốc hiếm; ưu đãi nghiên cứu khoa học về công nghệ bào chế, công nghệ sinh học để sản xuất các loại thuốc mới.
"Mặc dù đã ban hành nhiều cơ chế ưu đãi để thu hút đầu tư vào lĩnh vực dược phẩm nhưng cho đến nay, kết quả vẫn chưa đạt được như mong muốn. Đó là phát triển ngành dược theo hướng phát triển sản phẩm dược mới, thuốc biệt dược và thuốc phát minh, đồng thời đẩy mạnh chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực sản xuất dược".
Bà Ngọc cũng gợi mở một số ý kiến trao đổi, trước tiên là làm thế nào để Việt Nam có thể nâng cao năng lực cạnh tranh trong chuỗi cung ứng dược phẩm và dịch vụ y tế, bao gồm cả các cơ chế đấu thầu, cấp phép và quản lý, giám sát.
Kế đó là vấn đề về các cơ chế khuyến khích đầu tư, chuyển giao công nghệ hiện nay đã đủ cạnh tranh, hấp dẫn chưa? Và các tác động của thuế tối thiểu toàn cầu (bắt đầu từ ngày 1/1/2024) tới chính sách ưu đãi của Việt Nam và định hướng chính sách của Việt Nam thời gian tới.
Hiện Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng có ý tưởng về phát triển các cụm, khu công nghiệp chuyên biệt cho ngành dược để thu hút đầu tư phát triển. Hướng tới phát triển ngành sản xuất dược và đưa Việt Nam trở thành hub của khu vực về sản xuất dược phẩm.
Cụ thể hơn, ông Emin Turan, Chủ tịch Pharma Group kiến nghị, chương trình thực hiện Nghị quyết cần tập trung cải cách thể chế, xây dựng mục tiêu cụ thể là rút ngắn thời gian tiếp cận thuốc mới của người dân, đưa ra cơ chế tài chính y tế linh hoạt, đảm bảo hài hòa lợi ích của các bên.
Đồng thời, việc phát triển ngành dược phải dựa trên nền tảng khoa học, với lộ trình kiến tạo một hệ sinh thái phát triển lành mạnh dựa trên cạnh tranh, đổi mới sáng tạo, hội nhập sâu và rộng nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành dược Việt Nam trong khu vực và thế giới.
"Để tạo ra đột phá trong phát triển ngành y dược, đồng thời tạo giá trị lan tỏa và động lực phát triển cho các ngành khác, hiện thực hóa những định hướng đề ra trong Nghị quyết 29/NQ-TW cần có cách tiếp cận mới, xác định rõ các ưu tiên về chính sách nhằm đạt được các mục tiêu dài hạn".
Ông Enim Turan nhận định, so với các nước trong khu vực, Việt Nam có 3 điểm chính để thu hút đầu tư trong ngành dược phẩm. Trước hết Việt Nam có sự ổn định về chính trị và hạ tầng xã hội; là điểm sáng trong khu vực về phát triển kinh tế, có thị trường nội địa tiềm năng và đang phát triển.
Đồng thời, có sự chủ động hội nhập sâu và rộng khi tham gia trên 17 hiệp định thương mại trong đó có những hiệp định thương mại thế hệ mới như EVFTA, UKVFTA, CPTPP…
Để hỗ trợ Việt Nam xây dựng ngành dược phát triển mạnh mẽ, ông Enim Turan kiến nghị cần có khung khổ pháp lý, chính sách minh bạch, ổn định, có tính kiến tạo, hỗ trợ doanh nghiệp trong các chính sách, nhằm thu hút nhà đầu tư mới và giữ chân nhà đầu tư hiện hữu. Đồng thời, cần nghiên cứu, phân tích, tháo gỡ các điểm nghẽn trong chính sách. Xây dựng mô hình liên kết đa bên giữa các chủ thể nhằm phát triển ngành dược tập trung vào đổi mới sáng tạo.
Ngoài ra, cần thành lập Ban chỉ đạo quốc gia về đổi mới sáng tạo, với thành phần bao gồm đầy đủ đại diện chính phủ, giới học thuật và cộng đồng doanh nghiệp; có thí điểm các ngành cụ thể được xác định là ngành ưu tiên tại Nghị quyết 29/NQ-TW. Từ đó, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh ổn định để thu hút nhà đầu tư.