Bệnh nhân ghép gan bất đồng nhóm máu cùng bà nội (người hiến tạng) sau cuộc phẫu thuật. Ảnh: bệnh viện cung cấp |
Làm chủ công nghệ ghép gan tương đương các nước tiên tiến trên thế giới
Phát biểu tại Hội thảo Thành tựu 200 ca ghép gan tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, chiều 24/11, PGS.TS. Lê Hữu Song cho biết, kỹ thuật ghép gan tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 đã hoàn thiện tương đương các nước tiên tiến trên thế giới, Việt Nam đã có thể làm chủ hoàn toàn được công nghệ ghép gan.
Do đó, bệnh nhân - đặc biệt là bệnh nhân ung thư gan và bệnh nặng của xơ gan, không cần phải đi ra nước ngoài điều trị mà có thể điều trị trong nước, với chi phí rẻ hơn nhiều và chất lượng tương đương.
Thiếu tướng, PGS. TS. Lê Hữu Song, Giám đốc Bệnh viện Trung ương Quân đội 108. Ảnh: Anh Thư |
Theo chia sẻ tại hội thảo, tỷ lệ bệnh nhân xơ gan, ung thư gan ở Việt Nam thuộc dạng cao nhất thế giới, ở mức 15% - 20%, có những nghiên cứu là 25%. Sau khi nhiễm viêm gan, tỷ lệ chuyển thành xơ gan và ung thư gan là rất cao. Vì vậy, việc phát triển các kỹ thuật để điều trị cho những bệnh nhân bị bệnh gan, xơ gan, ung thư gan là nhu cầu bức thiết.
Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 đang tập trung vào 3 mô tạng chủ yếu đó là gan, thận và tế bào gốc, cũng như phát triển kỹ thuật điều trị tế bào và liệu pháp tế bào.
Hiện nay, 9 trung tâm ghép gan trên cả nước đã thực hiện ghép gan cho hơn 500 bệnh nhân. Riêng Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 thực hiện thành công hơn 200 ca ghép trở thành trung tâm ghép gan lớn nhất toàn quốc, đồng thời cũng là đơn vị ghép gan từ người cho sống nhiều nhất cả nước (198 ca).
Ca ghép gan đầu tiên tại bệnh viện được thực hiện vào tháng 10/2017. Đó là ca ghép gan cùng huyết thống từ người cho sống - con trai hiến gan ghép cho mẹ. Nối tiếp thành công của ca ghép trên, bệnh viện đã tổ chức thực hiện ghép gan thường quy hàng tuần với mức trung bình mỗi tuần 1 - 2 ca, tần suất thực hiện các ghép gan cũng tăng lên đáng kể, có tuần bệnh viện thực hiện 5 ca ghép gan, có ngày 2 ca ghép.
Theo chia sẻ với báo chí, hiện nay, tỷ lệ sống còn của bệnh nhân ghép gan sau 5 năm là khoảng 70%. Sau khi phẫu thuật, bệnh nhân hoàn toàn có khả năng hồi phục và lao động như bình thường.
Tuy nhiên, cần theo dõi và tái khám thường xuyên sau khi phẫu thuật để kiểm tra tình hình thải ghép của cơ quan và tầm soát tỷ lệ mắc ung thư gan hoặc tái mắc xơ gan. Bệnh nhân cũng cần dùng thuốc kháng virus viêm gan B, C và sử dụng thuốc chống thải ghép lâu dài.
Lần đầu thực hiện ghép tạng bất đồng nhóm máu cho người bệnh trưởng thành
Ngày 30/10 vừa qua, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 đã thực hiện thành công ca ghép gan bất đồng nhóm máu từ người cho sống. Đây là ca phẫu thuật đánh dấu mốc 200 ca ghép gan thành công và là thành tựu ấn tượng trong lĩnh vực ghép tạng Việt Nam.
Bệnh nhân nữ 15 tuổi, quê ở Quảng Bình, cách đây 6 năm, bệnh nhân phát hiện xơ gan không rõ căn nguyên. Gần đây, bệnh nhân đi khám, phát hiện có khối u gan đã được chẩn đoán là ung thư biểu mô tế bào gan trên nền xơ gan nên đã được nút mạch gan chuẩn bị cho ghép gan.
PGS.TS. Lê Văn Thành, Viện trưởng Viện Phẫu thuật tiêu hóa, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 cho biết, với trường hợp của bệnh nhân này, phẫu thuật cắt u không khả thi vì chức năng gan kém do xơ gan, lách to. Vậy ghép gan là phương án tốt nhất dành cho bệnh nhân.
Điểm đặc biệt của ca ghép này là ghép gan bất đồng nhóm máu ABO với người hiến là bà nội. Theo PGS.TS. Lê Văn Thành, đối với việc ghép tạng bất đồng nhóm máu, về quá trình, kỹ thuật ghép không có gì khác biệt. Nhưng bệnh nhân cần được điều trị, theo dõi trước và sau phẫu thuật kỹ càng hơn để định lượng hiệu giá kháng thể của bệnh nhân.
PGS.TS. Lê Văn Thành cũng khẳng định, tuy cần theo dõi sát sao hơn, nhưng hiện nay đã có những loại thuốc điều chỉnh ức chế miễn dịch và có thể điều trị cho bệnh nhân bất đồng nhóm máu. Vì vậy, kết quả sống sau 5 năm của bệnh nhân ghép tạng tương đương với nhóm bệnh nhân cùng nhóm máu.
PGS.TS. Lê Văn Thành, Viện trưởng Viện Phẫu thuật tiêu hóa, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108. Ảnh: Anh Thư |
Sau quá trình chuẩn bị trước ghép tích cực, kíp ghép gan tiến hành phẫu thuật nội soi lấy mảnh gan ghép phải từ người cho sống để tiến hành ghép gan cho nữ bệnh nhân. Sau 8 giờ đồng hồ, ca ghép gan được thực hiện thành công. Bệnh nhân được rút ống nội khí quản ngay tại phòng mổ.
Sau 1 tuần ghép, sức khỏe của người hiến và người nhận đều ổn định. Người hiến được ra viện sau 1 tuần ghép. Còn sức khỏe của người nhận phục hồi tốt, chức năng gan ghép hoạt động bình thường, vận động nhanh nhẹn.
Tại Việt Nam, ghép tạng từ nguồn cho bất đồng nhóm máu ABO đã được thực hiện trên bệnh nhân ghép thận và trên nhóm ghép gan ở trẻ em, tuy nhiên hiện chưa được thực hiện trong ghép gan ở người trưởng thành do hệ thống miễn dịch của người lớn phức tạp hơn ở trẻ em.
Với việc lượng bệnh nhân ghép gan ngày càng tăng, nguồn gan hiến hạn chế, việc triển khai ghép gan bất đồng nhóm máu giúp tăng cơ hội sống cho người cần được ghép gan.
Đồng bộ cơ sở hạ tầng ghép mô, bộ phận cơ thể người
Hiện nay, mỗi năm Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 thực hiện từ 40 - 50 ca ghép gan, trong những năm tới phấn đấu đạt 100 - 150 ca/mỗi năm. Chi phí ghép gan tại Việt Nam thấp hơn rất nhiều so với các nước khác nên rất có ý nghĩa đối với bệnh nhân ung thư gan và suy gan mạn tính giai đoạn cuối ở trong nước.
Trong thời gian tới, bệnh viện tiếp tục triển khai ghép gan cấp cứu, thực hiện thường quy kỹ thuật lấy mảnh ghép gan từ người hiến sống bằng phẫu thuật nội soi. Thực hiện cắt toàn bộ gan người nhận bằng kỹ thuật nội soi tiến tới triển khai kỹ thuật ghép gan bằng phẫu thuật nội soi và đẩy mạnh ghép bất đồng nhóm máu để tăng nguồn hiến gan…
Mục tiêu của bệnh viện phát triển ghép mô bộ phận cơ thể người đến năm 2025 là hoàn thiện cơ sở hạ tầng ghép mô, bộ phận cơ thể người đồng bộ, tập trung nghiên cứu, ứng dụng các kỹ thuật ghép mô, bộ phận cơ thể người tiên tiến hiện đại, phấn đấu trở thành trung tâm ghép mô, bộ phận cơ thể người ngang tầm với các quốc gia có nền y học tiên tiến trong khu vực và trên thế giới.