Ảnh minh họa, Chương trình mục tiêu quốc gia đã từng bước làm thay đổi diện mạo vùng dân tộc thiểu số. Ảnh: Mekong ASEAN |
“Có rất nhiều bà con vùng cao chưa từng được khám sức khỏe hay thực hiện các biện pháp y tế bao giờ” - đó là ghi nhận của GS. TS. Lâm Khánh, Phó Giám đốc Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, sau chương trình tổ chức đưa đội ngũ bác sĩ đi lên vùng cao khám bệnh cho bà con dân tộc thiểu số tại Lào Cai.
Cuối tháng 10 vừa qua, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 đã tổ chức đoàn công tác tới khám bệnh, cấp thuốc miễn phí, tặng quà và giao lưu văn nghệ với bà con huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai.
Tại chương trình, đoàn công tác tổ chức khám bệnh, tư vấn sức khỏe, cấp thuốc miễn phí cho gần 3.500 người là đối tượng chính sách, người mắc bệnh, người cao tuổi, hộ nghèo, hộ cận nghèo, học sinh tại 3 xã Trịnh Tường, Cốc Mỳ, Nậm Chạc. Đoàn công tác cũng phối hợp với y tế địa phương tổ chức tuyên truyền vệ sinh môi trường sống, phòng, chống dịch bệnh cho nhân dân tại các địa bàn.
GS. TS. Lâm Khánh chia sẻ, đây là chương trình công tác hàng năm của bệnh viện, nhằm đưa dịch vụ y tế tới với bà con ở những vùng sâu, vùng xa, biên giới, những nơi liên quan đến an ninh quốc gia mà người dân không có điều kiện tiếp cận đầy đủ với dịch vụ y tế.
Bên cạnh việc đưa dịch vụ y tế mang tính sàng lọc, tổng quát đến với bà con vùng sâu vùng xa, các y bác sĩ đã cảnh báo bà con những trường hợp sức khỏe gặp vấn đề nguy hiểm cần đến bệnh viện để điều trị. Đồng thời, đoàn cũng tuyên truyền tới bà con vùng cao cách chăm sóc sức khỏe, chế độ ăn uống, sinh hoạt phù hợp để phát triển thể chất, hạn chế mầm bệnh…
Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 tổ chức đoàn công tác tới khám bệnh, cấp thuốc miễn phí, tặng quà và giao lưu văn nghệ với bà con huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai. Ảnh: Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 |
Việc cải thiện chất lượng sống, điều kiện y tế của bà con dân tộc thiểu số ở vùng cao là một trong những mục tiêu được quan tâm tại Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, do Thủ tướng Chính phủ ban hành.
Đây là một chương trình dành riêng cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số với nguồn lực lớn nhất từ trước đến nay, bao gồm 10 dự án, 14 tiểu dự án và 36 nội dung thành phần. Chương trình nhằm phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Trong đó, chương trình có dự án 7 nhằm cải thiện sức khoẻ của người dân tộc thiểu số về thể chất và tinh thần, tầm vóc, tuổi thọ; tăng cường công tác y tế cơ sở để đồng bào dân tộc thiểu số được tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe hiện đại; tiếp tục khống chế, tiến tới loại bỏ dịch bệnh ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Mục tiêu của chương trình đến năm 2025 là 90% phụ nữ mang thai được khám thai định kỳ, sinh con ở cơ sở y tế/có sự trợ giúp của cán bộ y tế, giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em dưới 5 tuổi thể gầy còm dưới 5%; giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em dưới 5 tuổi thể nhẹ cân dưới 15%; giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em dưới 5 tuổi thể thấp còi dưới 27%; giảm tỷ số tử vong mẹ tại khu vực miền núi xuống còn 50 ca trên 100.000 trẻ đẻ sống; giảm tỷ suất chết trẻ em dưới 1 tuổi khu vực miền núi xuống còn 17‰.
Lào Cai là tỉnh có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, chiếm 66,2% dân số. Giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh Lào Cai có 138 xã, phường, thị trấn thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, trong đó có 66 xã, phường, thị trấn đặc biệt khó khăn thuộc khu vực III, 4 xã khu vực II và 68 xã khu vực I, có 605 thôn đặc biệt khó khăn. Đồng bào các dân tộc thiểu số sinh sống tập trung chủ yếu ở vùng nông thôn.
Thời gian qua, việc thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia của tỉnh đã đạt được những kết quả quan trọng. Tính đến hết năm 2022, toàn tỉnh còn 34.585/178.586 hộ nghèo, chiếm 19,37%, giảm 5%/năm. Trong đó có 32.907 hộ nghèo trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, chiếm 31,8%, giảm trên 6%/năm.
Năm 2023, Lào Cai được phân bổ là hơn 1.067 tỷ đồng, vốn chuyển nguồn từ năm 2022 sang năm 2023 là gần 115,9 tỷ đồng. Từ đầu năm 2023 đến 21/11/2023, tỉnh thực hiện giải ngân hơn 370,6 tỷ đồng, đạt 31,3% kế hoạch đề ra.
Lào Cai đã tiến hành triển khai nhiều dự án an sinh, tổ chức tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân nhằm thực hiện hiệu quả nội dung Chương trình mục tiêu quốc gia và từng bước làm thay đổi diện mạo vùng dân tộc thiểu số.
Mục tiêu của chương trình đến năm 2025 là 90% phụ nữ mang thai được khám thai định kỳ, sinh con ở cơ sở y tế/có sự trợ giúp của cán bộ y tế. Ảnh: Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 |
Nhờ nguồn lực của Chương trình mục tiêu quốc gia và các chương trình đầu tư khác cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, tới nay cơ sở hạ tầng vùng đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Lào Cai có 100% xã có đường ô tô đến trung tâm xã được rải nhựa hoặc bê tông. Tỷ lệ hộ dân người dân tộc thiểu số được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh đạt 95%. Tỷ lệ hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia và các nguồn điện khác phù hợp đạt 95,7%;
Về văn hoá, tỷ lệ thôn có nhà sinh hoạt cộng đồng đạt 100%. Tỷ lệ thôn có đội văn hóa, văn nghệ truyền thống hoạt động thường xuyên, có chất lượng đạt 65,6%.
Về giáo dục, tỷ lệ phòng học được xây dựng kiên cố đạt 74,9%. Tỷ lệ học sinh học mẫu giáo 4 tuổi, 5 tuổi đến trường đạt 99 %. Tỷ lệ người từ 15 đến 60 tuổi đọc thông, viết thạo tiếng phổ thông đạt 84%.
Về y tế, tỷ lệ trạm y tế được xây dựng kiên cố đạt 100%; tỷ lệ che phủ BHYT bình quân đạt 85,3%. Tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng thể thấp còi (chiều cao/tuổi) còn 28,6%. Tỷ lệ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân (cân nặng/tuổi) còn 16,7%.