Theo BCTC hợp nhất quý 3/2023 vừa công bố, Ngân hàng TMCP An Bình (ABBank, mã: ABB) ghi nhận nhiều hoạt động kinh doanh ngoài lãi tăng trưởng tích cực như lãi thuần từ hoạt động dịch vụ đạt 189 tỷ đồng trong khi cùng kỳ năm ngoái lỗ hơn 106 tỷ đồng.
Lãi từ hoạt động kinh doanh ngoại hối và chứng khoán kinh doanh cũng lần lượt tăng lên 105 tỷ đồng và 5 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ quý 3/2022 lỗ 34 tỷ đồng từ ngoại hối và chỉ ghi nhận 2 tỷ đồng từ chứng khoán kinh doanh.
Ở chiều ngược lại, lãi thuần từ hoạt động khác ghi nhận giảm 87%, tương ứng đạt 11 tỷ đồng.
Trong kỳ, chi phí hoạt động tại ABBank tăng nhẹ 3% lên 554 tỷ đồng, do đó lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh đạt 265 tỷ đồng, giảm 33% so với cùng kỳ năm ngoái.
Cùng với 235 tỷ đồng rủi ro tín dụng trong quý 3/2023, kết quả ABBank báo lãi trước thuế đạt 29 tỷ đồng, giảm 66% so với cùng kỳ.
Theo giải trình của ngân hàng, nguyên nhân lợi nhuận sụt giảm 1 phần do thu nhập lãi thuần - nguồn thu chính của ngân hàng giảm 34% xuống còn 647 tỷ đồng.
Lũy kế 9 tháng đầu năm 2023, thu nhập lãi thuần của ABBank giảm 20% so với cùng kỳ, còn 2.215 tỷ đồng.
Các nguồn thu ngoài lãi đều tăng trưởng so với cùng kỳ. Trong đó lãi từ dịch vụ thu được 478 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ chỉ hơn 43 tỷ đồng. Hoạt động mua bán chứng khoán kinh doanh và mua bán chứng khoán đầu tư cũng chuyển từ lỗ cùng kỳ sang lãi.
Trong 9 tháng, ngân hàng này dành ra gần 1.051 tỷ đồng để dự phòng rủi ro tín dụng, tăng 99%. Do đó ABBank báo lãi trước thuế đạt 708 tỷ đồng, giảm 59% so với cùng kỳ. So với kế hoạch 2.826 tỷ đồng cả năm, ABBank thực hiện được 25% mục tiêu cả năm sau 9 tháng.
Tại ngày 30/9/2023, tổng tài sản tại ngân hàng này đạt 141.703 tỷ đồng, tăng 9% so với đầu năm.
Trong đó, tiền gửi tại Ngân hàng Nhà nước giảm 44%, còn 35.856 tỷ đồng; tiền gửi tại các tổ chức tín dụng khác tăng 75% lên 35.856 tỷ đồng; cho vay khách hàng tương đương mức đầu năm là 81.608 tỷ đồng. Tiền gửi khách hàng tăng 10%, lên 92.839 tỷ đồng.
Về chất lượng tài sản, tổng nợ xấu của nhà băng đến hết quý 3 là 2.861 tỷ đồng, tăng 21% so với đầu năm. Nợ xấu chủ yếu tập trung ở nhóm khách hàng doanh nghiệp - nhóm đối tượng chịu ảnh hưởng nặng và kéo dài từ dịch bệnh. Qua đó tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ cho vay tăng từ mức 2,88% đầu năm lên 3,51%.