Theo dự báo của DigiTimes, Ấn Độ có thể sẽ sản xuất tối đa 25% iPhone trên toàn cầu vào cuối năm 2023, và khoảng 40% vào năm 2025. Con số này có thể tăng ở mức 50% trong năm 2027. Do đó, tốc độ chuyển dịch chuỗi cung ứng sang Ấn Độ sẽ được đẩy nhanh trong thời gian tới để giảm thiểu rủi ro.
South China Morning Post đánh giá dự đoán của DigiTimes táo bạo hơn so với dự đoán trước đó của JPMorgan, hãng ước tính Ấn Độ sẽ lắp ráp 25% iPhone vào năm 2025.
Trung Quốc đang phụ trách sản xuất 85% sản lượng iPhone trên thế giới. Tuy nhiên, quốc gia này đang đứng trước nguy cơ đánh mất vị thế "công xưởng" của Apple do căng thẳng Mỹ - Trung. Chuyên gia phân tích Luke Lin bày tỏ niềm lạc quan đối với Ấn Độ và Việt Nam sẽ được hưởng lợi lớn nhất từ nỗ lực chuyển dịch chuỗi cung ứng sản xuất ra khỏi Trung Quốc.
Một trong các đối tác sản xuất iPhone lớn nhất là Foxconn đang tích cực gia tăng công suất tại Ấn Độ. Tháng 12 vừa qua, Foxconn đã đầu tư 500 triệu USD vào Ấn Độ để đa dạng hoá chuỗi cung ứng.
Ấn Độ đang dần trở thành thị trường quan trọng với các nhà sản xuất sau khi Apple công bố muốn mở rộng địa điểm sản xuất các thiết bị của mình. Việc các nhà máy tại Trung Quốc đình trệ sau ảnh hưởng của dịch bệnh khiến chuỗi sản xuất toàn cầu đứt gãy, phụ thuộc chủ yếu vào Trung Quốc sẽ khiến doanh thu các hãng ảnh hưởng nặng nề.
Các thương hiệu smartphone lớn khác cũng tăng cường chuyển sản xuất ra khỏi Trung Quốc. Chẳng hạn, Samsung chuyển phần lớn hoạt động sản xuất smartphone sang Việt Nam từ năm 2019. DigiTimes dự đoán công ty Hàn Quốc này sẽ dừng lắp ráp điện thoại ở Trung Quốc trong vòng 5 năm tới. Trong khi đó, tỷ lệ lắp ráp tại Việt Nam và Ấn Độ sẽ tăng lên tương ứng với mức 40% và 45% vào năm 2027.
Với chính sách mở và gói hỗ trợ 10 tỷ USD từ Chính phủ Ấn Độ, rất nhiều doanh nghiệp đang nhắm tới thị trường này. Ngay cả những công ty chưa từng sản xuất thiết bị bán dẫn như tập đoàn Tata cũng muốn được hưởng lợi từ chính sách mới. Phát ngôn viên của Tata, tập đoàn sản xuất ô tô lớn nhất Ấn Độ chia sẻ: "Chúng tôi đã thành lập công ty điện tử Tata Electronics, mục tiêu để phát triển dây chuyền nghiên cứu, lắp ráp, sản xuất thiết bị bán dẫn trong tương lai".