Ấn Độ thu giữ 725 triệu USD của Xiaomi do cáo buộc chuyển tiền bất hợp pháp

Xiaomi ẤN ĐỘ
22:51 - 30/04/2022
Các nhân viên tại một cửa hàng Xiaomi ở Thượng Hải, Trung Quốc. Ảnh: REUTERS
Các nhân viên tại một cửa hàng Xiaomi ở Thượng Hải, Trung Quốc. Ảnh: REUTERS
0:00 / 0:00
0:00
Ngày 30/4, Ấn Độ cho biết nước này đã thu giữ 725 triệu USD từ các tài khoản ngân hàng tại Ấn Độ của công ty Xiaomi (Trung Quốc), sau khi một cuộc điều tra phát hiện công ty công nghệ này chuyển tiền bất hợp pháp ra nước ngoài.

Theo Reuter, Cơ quan điều tra tội phạm tài chính của Ấn Độ bắt đầu điều tra Xiaomi vào tháng 2 năm nay và cho biết họ đã thu giữ số tiền 725 triệu USD từ chi nhánh địa phương của công ty này, sau khi phát hiện Xiaomi đã chuyển tiền cho 3 thực thể có trụ sở ở nước ngoài.

"Số tiền khổng lồ như vậy dưới danh nghĩa tiền bản quyền đã được gửi đi theo hướng dẫn của các thực thể liên quan công ty mẹ ở Trung Quốc", cơ quan điều tra nói trên cho biết trong một tuyên bố. Theo cơ quan này, Xiaomi "đã cung cấp thông tin sai lệch cho các ngân hàng khi chuyển tiền ra nước ngoài".

Trong một tuyên bố được đưa ra sau đó, Reuters dẫn lời Xiaomi cho biết nhà sản xuất Trung Quốc tuân thủ luật pháp Ấn Độ và tin rằng "các khoản thanh toán tiền bản quyền và báo cáo của họ cho ngân hàng đều hợp pháp và trung thực". Công ty đang hợp tác với các nhà chức trách phụ trách cuộc điều tra.

Trước đó, tháng 12/2021, lực lượng chức năng Ấn Độ đã đột kích văn phòng của Xiaomi tại Ấn Độ trong một cuộc điều tra khác về cáo buộc trốn thuế thu nhập. Lúc đó, văn phòng của một số nhà sản xuất smartphone Trung Quốc khác ở Ấn Độ như Huawei cũng bị kiểm tra.

Hiện Xiaomi là nhà cung cấp điện thoại thông minh hàng đầu của Ấn Độ trong năm 2021, với 24% thị phần, theo Counterpoint Research. Samsung của Hàn Quốc là thương hiệu số 2 với 19% thị phần.

Nhiều công ty Trung Quốc đã phải vật lộn để kinh doanh ở Ấn Độ do quan hệ giữa hai nước đã trở nên căng thẳng hơn kể từ cuộc đụng độ biên giới trên dãy Himalaya vào năm 2020. Sau đó, Bộ Nội vụ Ấn Độ cấm hàng trăm ứng dụng di động có nguồn gốc từ Trung Quốc, trong đó có ứng dụng video ngắn nổi tiếng TikTok.

Chính phủ Ấn Độ giải thích việc họ cấm các ứng dụng này là để đối phó các mối đe dọa đối với chủ quyền của Ấn Độ. Bất chấp căng thẳng, Trung Quốc tiếp tục là đối tác kinh tế quan trọng của Ấn Độ, với thương mại song phương đạt hơn 125 tỉ USD trong năm ngoái.

Tin liên quan

Đọc tiếp

Nữ phát ngôn viên AI của Bộ Ngoại giao Ukraine Victoria Shi. Ảnh: Theo Bộ Ngoại giao Ukraine.

Bộ Ngoại giao Ukraine giới thiệu phát ngôn viên AI

Nữ phát ngôn viên tên Victoria Shi được tạo ra từ trí tuệ nhân tạo (AI) sẽ thay mặt Bộ Ngoại giao Ukraine đưa ra các tuyên bố chính thức. Những tuyên bố do Victoria Shi đọc sẽ không phải do AI tạo ra mà được viết và xác minh bởi người thật.
Giám đốc điều hành TikTok Chew Shou Zi. Ảnh: Getty Images

CEO TikTok: 'Chúng tôi sẽ không đi đâu cả'

Ngày 24/4, Giám đốc điều hành TikTok Chew Shou Zi khẳng định công ty sẽ chiến thắng được thách thức pháp lý và ngăn chặn dự luật cấm ứng dụng video ngắn phổ biến này tại thị trường Mỹ - nơi TikTok đang sở hữu hơn 170 triệu người dùng.
Những người sáng tạo nội dung TikTok tập trung tại Đồi Capitol, ngày 12/3. Ảnh: Yahoo News

Mỹ tiến gần hơn tới lệnh cấm Tiktok

Thượng viện Mỹ ngày 23/4 (giờ địa phương) đã thông qua dự luật yêu cầu ứng dụng truyền thông mạng xã hội Tiktok phải thoái vốn khỏi công ty mẹ ByteDance ở Trung Quốc, hoặc sẽ bị cấm ở thị trường Mỹ.