Xuất khẩu gạo của An Giang trong quý 1/2023 tăng trưởng tốt. Ảnh: Lộc Trời |
Theo báo cáo tình hình kinh tế - xã hội quý 1/2023 của UBND tỉnh An Giang, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) quý 1 của tỉnh ước tăng 6,3% so với cùng kỳ, cao hơn mức tăng của cùng kỳ năm trước (4,09%).
Trong đó, khu vực nông - lâm - thủy sản tăng 3,09%; khu vực công nghiệp - xây dựng tăng 8,8%; khu vực thương mại - dịch vụ tăng 9,50%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng 5,73%.
Đối với khu vực nông - lâm - thủy sản, đầu năm 2023, tỉnh An Giang đã phê duyệt Đề án “Cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030”, với mục tiêu phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững, tuần hoàn.
Sản lượng cả vụ Đông Xuân ước đạt khoảng 1,701 triệu tấn, tăng 15.400 tấn so với vụ Đông Xuân năm trước.
Tổng sản lượng thủy sản nuôi trồng trong quý quý 1 ước đạt 152.500 tấn, tăng 9,03% (tương đương 12.600 tấn) so với cùng kỳ. Trong đó, sản lượng cá tra thu hoạch đạt 132.600 tấn, tăng 9,61%; các loại cá khác gần 15.700 tấn, tăng 7,41%; sản xuất giống thủy sản đạt 475 triệu con, tăng 2,67% so với cùng kỳ.
Tại khu vực công nghiệp - xây dựng, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) ước đạt 9.502 tỷ đồng, tăng 9,71% so với cùng kỳ. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến tiếp tục đóng vai trò động lực dẫn dắt với mức tăng 9,86%; ngành khai khoáng tăng 5,95%; ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí tăng 5,5%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải nước thải tăng 8,55%.
Giá trị giải ngân vốn đầu tư công đến hết quý 1 ước đạt 833,7 tỷ đồng, đạt 10,9% kế hoạch (kế hoạch vốn năm 2023 là 7.648 tỷ đồng). So với cùng kỳ, tỷ lệ giải ngân tăng 0,84% so với cùng kỳ (cùng kỳ năm 2022 đạt 10,06%).
Tại khu vực thương mại - dịch vụ, doanh thu bán buôn, bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ ước đạt 49.704 tỷ đồng, tăng 15,88% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, doanh thu bán lẻ hàng hóa ước đạt 18.711 tỷ đồng, tăng 17,20% so với cùng kỳ; doanh thu các ngành dịch vụ ước đạt 8.354 tỷ đồng, tăng 17,87%.
Trong quý 1/2023, toàn tỉnh đón tổng số 4 triệu lượt khách tham quan, du lịch, tăng 60% so với cùng kỳ và đạt 50% so với kế hoạch năm 2023. Trong đó, có 6.000 lượt khách quốc tế, tăng gấp 20 lần so với cùng kỳ và đạt 50% so với kế hoạch cả năm. Tổng doanh thu từ hoạt động du lịch ước đạt 2.500 tỷ đồng, tăng 79% so với cùng kỳ và đạt 45% so với kế hoạch cả năm.
Trước nhu cầu khách du lịch tăng cao trong thời gian tới, tỉnh An Giang đã lên kế hoạch hợp tác, liên kết phát triển du lịch cụm phía Tây đồng bằng sông Cửu Long năm 2023; đẩy mạnh đào tạo, bồi dưỡng cho cán bộ quản lý ngành du lịch và các cơ sở hoạt động du lịch…
Miếu Bà Chúa Xứ là địa điểm du lịch tâm linh hút khách tại An Giang. |
Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 285 triệu USD, tăng 7,27% so với cùng kỳ. Các mặt hàng chủ lực đều tăng khá so với cùng kỳ cả về sản lượng và kim ngạch. Thị trường Trung Quốc đã mở cửa trở lại, thúc đẩy xuất khẩu nông, thủy sản, đặc biệt là sản phẩm cá tra.
Xuất khẩu gạo ước đạt 143.000 tấn, tương đương 78,5 triệu USD, tăng 9,14% về sản lượng và tăng 10,94% về kim ngạch so với cùng kỳ. Điểm sáng của xuất khẩu gạo là CTCP Lộc Trời đã nhận được đơn đặt hàng đến 400.000 tấn gạo xuất sang thị trường EU trong năm 2023.
Xuất khẩu thủy sản đông lạnh ước đạt 45.600 tấn, tương đương 75,33 triệu USD, tăng 5,84% về sản lượng và tăng 5,20% về kim ngạch so với cùng kỳ. Xuất khẩu rau quả đông lạnh ước đạt 16.000 tấn, tương đương 7,5 triệu USD, tăng 14,74% về sản lượng và tăng 10,23% về kim ngạch so với cùng kỳ. Xuất khẩu hàng may mặc (quần áo, ba lô,...) ước đạt 28,7 triệu USD, tăng 2,56%.
Kim ngạch nhập khẩu đạt 48 triệu USD, tăng 7,19% so với cùng kỳ. Các mặt hàng nhập khẩu chủ yếu là nguyên vật liệu hàng may mặc, thuốc trừ sâu và nguyên liệu.
Tổng thu ngân sách Nhà nước từ kinh tế địa bàn trong quý 1/2023 ước đạt 2.185 tỷ đồng, đạt 32,92% so với dự toán HĐND tỉnh giao và tăng 3,23% so với cùng kỳ. Trong đó, thu từ hoạt động xuất nhập khẩu là 75 tỷ đồng, bằng 65,44% so với cùng kỳ; thu nội địa là 2.110 tỷ đồng, tăng 5,4% so với cùng kỳ.
Tổng chi ngân sách địa phương ước đạt 2.861 tỷ đồng, đạt 15,11% dự toán HĐND tỉnh giao và giảm 3% so với cùng kỳ năm trước.
Về hoạt động doanh nghiệp, trong 3 tháng đầu năm, toàn tỉnh toàn tỉnh có 109 doanh nghiệp và 47 đơn vị trực thuộc tái hoạt động. 245 doanh nghiệp và 148 đơn vị trực thuộc đăng ký hoạt động mới với tổng số vốn đăng ký mới là 2.190 tỷ đồng. So với cùng kỳ, số doanh nghiệp đăng ký hoạt động tăng 11,77%, số đơn vị trực thuộc đăng ký hoạt động giảm 26%; tuy nhiên số vốn đăng ký tăng 190% (tương đương tăng 1.043 tỷ đồng).
Số doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng hoạt động là 203 doanh nghiệp, tăng 16%. Số doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể là 27 doanh nghiệp, giảm 15,62%.