VNDirect chịu áp lực lớn về lãi vay khi lãi suất tăng cao. |
Ngày 20/7, CTCP Chứng khoán VNDirect (VND) công bố báo cáo tài chính riêng quý 2/2023, ghi nhận doanh thu hoạt động trong kỳ đạt 1.587 tỷ đồng, giảm 14% so với cùng kỳ năm trước.
Trong đó, lãi từ cho vay và phải thu giảm mạnh 35% so với quý 2/2022, xuống còn 274 tỷ đồng. Doanh thu hoạt động môi giới chứng khoán chỉ đạt 203 tỷ đồng, giảm 38%. Ngược lại, lãi từ các tài sản tài chính ghi nhận thông qua lãi/lỗ (FVTPL) đạt 948 tỷ đồng, tăng 9%. Doanh thu từ hoạt động lưu ký tăng 735% so với cùng kỳ, đạt gần 37 tỷ đồng.
Tổng chi phí hoạt động giảm 35% so với cùng kỳ, ở mức 567 tỷ đồng. Trong đó, lỗ tự doanh chiếm 397 tỷ đồng, giảm khoảng 33%. Chi phí hoạt động môi giới chứng khoán cũng giảm 32%, xuống mức 131 tỷ đồng. Tuy nhiên, chi phí tài chính của công ty tăng gần gấp đôi lên 424 tỷ đồng, chủ yếu là chi phí lãi vay.
Kết quả, VND mang về lợi nhuận sau thuế 421 tỷ đồng, giảm khoảng 20% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên so với 3 quý liền trước thì lợi nhuận của VND đã cải thiện rõ rệt.
Lũy kế 6 tháng đầu năm 2023, VNDirect ghi nhận doanh thu hoạt động đạt 2.878 tỷ đồng, giảm 20% so với cùng kỳ. Áp lực chi phí tài chính cao (830 tỷ đồng, hơn gấp đôi cùng kỳ) khiến lợi nhuận VNDirect nửa đầu năm sụt giảm sâu 56%, xuống còn 561 tỷ đồng.
Tại thời điểm 30/6/2023, tổng tài sản của VNDirect đạt 42.041 tỷ đồng, tăng gần 3.300 tỷ so với đầu năm. Tiền và các khoản tương đương tiền tăng gần 500 tỷ đồng lên 2.949 tỷ đồng.
Giá trị các tài sản tài chính ghi nhận thông qua lãi/lỗ (FVTPL) đạt 20.697 tỷ đồng, tăng 9% so với đầu năm. Chiếm tỷ trọng lớn nhất tại danh mục là trái phiếu doanh nghiệp (9.387 tỷ đồng, giảm nhẹ so với cuối quý 1), cổ phiếu niêm yết (1.089 tỷ đồng) và chứng chỉ tiền gửi (8.617 tỷ đồng). Ngoài ra, VNDirect còn có 4.965 tỷ đồng tài sản HTM là tiền gửi có kỳ hạn dưới 1 năm.
Dư nợ margin và ứng trước tiền bán tại thời điểm cuối quý 2 đạt 9.309 tỷ đồng, tăng gần 600 tỷ đồng so với thời điểm cuối quý 1.
Tổng nợ phải trả của công ty ở mức 26.994 tỷ đồng, tăng 11% so với thời điểm đầu năm. Trong đó, vay ngắn hạn gần 23.000 tỷ đồng, nợ trái phiếu 1.000 tỷ đồng. Với tổng số nợ lên tới 24.000 tỷ đồng, trong bối cảnh lãi suất cao như thời gian qua, chi phí lãi vay “ăn mòn” lợi nhuận của VND cũng là điều dễ hiểu.