Nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi của BAF tại Tây Ninh. |
Hôm nay (10/5), BaF Việt Nam tổ chức ĐHĐCĐ thường niên 2023. Ngay trước thềm đại hội, công ty đã công bố bổ sung tài liệu họp với nội dung đáng chú ý là chào bán cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu.
Cụ thể, BAF muốn phát hành hơn 68,4 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, tương ứng với tỷ lệ 47,677% vốn điều lệ. Giá phát hành là 10.000 đồng/cp, thấp hơn 54% so với giá cổ phiếu BAF chốt phiên 9/5. Thời gian thực hiện chào bán dự kiến từ quý 2 đến quý 4/2023.
Về mức giá đề xuất chào bán, BAF cho biết căn cứ vào giá trị sổ sách của cổ phiếu BAF tại ngày 31/12/2022 là 12.029 đồng/cp. Đối tượng chào bán là toàn bộ cổ đông hiện hữu tại thời điểm chốt danh sách.
Với tổng giá trị huy động vốn 684 tỷ đồng, BAF dự kiến chi 400 tỷ đồng để bổ sung vốn phục vụ hoạt động kinh doanh nông sản; hơn 165 tỷ đồng bổ sung vốn phục vụ hoạt động chăn nuôi heo và 119 tỷ đồng tăng vốn điều lệ tại các công ty con để thực hiện đầu tư xây dựng dự án trang trại chăn nuôi heo và bổ sung vốn cho hoạt động kinh doanh.
Theo tài liệu bổ sung, HĐQT BAF còn trình cổ đông phương án trả cổ tức bằng cổ phiếu với tỷ lệ 17% cho năm 2023, tương ứng phát hành thêm gần 24,4 cổ phiếu, nguồn vốn lấy từ lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tại báo cáo tài chính riêng kiểm toán năm 2022.
Bên cạnh đó, công ty bổ sung tờ trình về kế hoạch phát hành hơn 7,1 triệu cổ phiếu theo chương trình lựa chọn cho người lao động (ESOP), tương ứng 5% vốn điều lệ với giá phát hành là 10.000 đồng/cp.
Ngoài ra, HĐQT cũng sẽ trình cổ đông việc miễn nhiệm chức danh thành viên HĐQT của ông Phan Ngọc Ấn theo đơn xin từ nhiệm từ ngày 11/4. Đồng thời, nhóm cổ đông lớn là CTCP Siba Holdings, đại diện 40,48% vốn điều lệ đề cử ông Nguyễn Duy Tân vào HĐQT nhiệm kỳ 2023 - 2028.
Năm 2023, BaF Việt Nam đặt kế hoạch doanh thu 7.526 tỷ đồng, tăng 6% so với 2022 và lợi nhuận sau thuế dự kiến 301 tỷ đồng, tăng 5% so với cùng kỳ.
Trong quý 1, công ty ghi nhận doanh thu đạt 816 tỷ đồng, giảm 47% so với cùng kỳ năm ngoái; lợi nhuận sau thuế ghi nhận gần 4 tỷ đồng, giảm 95,5%. Đây là mức lợi nhuận quý thấp kỷ lục của BAF từ khi niêm yết tới nay.
Đáng chú ý, lợi nhuận gộp tạo ra của BAF không đủ trả chi phí tài chính, chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp. Công ty chỉ thoát lỗ nhờ lợi nhuận khác.
Tính đến ngày 31/3/2023, tổng nguồn vốn của BaF Việt Nam tăng 27% so với đầu năm, tương ứng tăng thêm 1.260 tỷ đồng lên gần 5.990 tỷ đồng. Trong đó, nợ phải trả gần 4.090 tỷ, gấp 2,1 lần vốn chủ sở hữu. Công ty đang đi vay tổng cộng 1.470 tỷ đồng, tăng 54% so với đầu năm, chủ yếu là các khoản vay với các ngân hàng và trái phiếu.