Bảo hiểm Petrolimex (Pjico). Ảnh: Anh Thư |
Quý 1/2023, Pjico ghi nhận doanh thu thuần đạt gần 817 tỷ đồng, tăng nhẹ 3% so với cùng kỳ. Trong đó, doanh thu phí bảo hiểm đạt 1.041 tỷ đồng, tăng trưởng 8%. Tổng chi phí hoạt động kinh doanh bảo hiểm đạt 630 tỷ đồng, tăng 7%. Như vậy, lợi nhuận gộp hoạt động kinh doanh bảo hiểm của Pjico đạt 187 tỷ đồng, giảm hơn 6% so với quý 1/2022.
Về mảng kinh doanh tài chính, công ty ghi nhận doanh thu hoạt động tài chính đạt 22 tỷ đồng, tăng 30% so với cùng kỳ, chi phí hoạt động tài chính tăng gấp 3 lần cùng kỳ, lên 3,6 tỷ đồng. Chi phí quản lý doanh nghiệp tăng 8% lên gần 139 tỷ đồng.
Như vậy, đến hết quý 1, Pjico ghi nhận lợi nhuận trước thuế và sau thuế lần lượt đạt 68 tỷ đồng và 55 tỷ đồng cho quý đầu tiên của năm 2023, giảm 23% so với cùng kỳ. Do chi phí bồi thường tăng nhanh hơn doanh thu và mức tăng của các loại chi phí khác, khiến lợi nhuận quý 1/2023 sụt giảm so với quý 1/2022.
Tại ĐHĐCĐ diễn ra ngày 21/4 vừa qua, cổ đông của Pjico đã thông qua kế hoạch kinh doanh cho năm 2023 với tổng doanh thu đạt 4.838 tỷ đồng, trong đó doanh thu bảo hiểm gốc đạt gần 4.151 tỷ đồng, tăng trưởng 10% so với thực hiện năm 2022. Lợi nhuận trước thuế gần 256 tỷ đồng, tăng nhẹ 3 tỷ đồng. Như vậy, quý 1/2023, công ty đã hoàn thành 21,5% kế hoạch doanh thu và 26,6% kế hoạch lợi nhuận.
Trên bảng cân đối kế toán, tổng tài sản của Pjico đã tăng nhẹ 2% lên hơn 6.876 tỷ đồng so với con số đầu năm. Trong đó, khoản tiền và các khoản tương đương tiền giảm tới 41% xuống còn 64 tỷ đồng, đều là khoản tiền mặt, bao gồm 46 tỷ đồng tiền Việt và gần 9 tỷ đồng ngoại tệ.
Khoản đầu tư tài chính ngắn hạn tăng 5% lên gần 3.244 tỷ đồng, chủ yếu là khoản tiền gửi có kỳ hạn từ 3 - 12 tháng, đạt 3.191 tỷ đồng. Đầu tư tài chính dài hạn tăng nhẹ 3 tỷ đồng lên 535 tỷ đồng, chủ yếu là khoản đầu tư trái phiếu 380 tỷ đồng.
Các khoản phải thu ngắn hạn đạt 555 tỷ đồng, tăng 20%, khoản tài sản tái bảo hiểm giảm 7% còn 1.629 tỷ đồng, tài sản ngắn hạn khác đạt 175 tỷ đồng, tăng 11%... Công ty đã không còn khoản đầu tư bất động sản nào, cũng không ghi nhận doanh thu từ hoạt động bất động sản.
Nợ phải trả của công ty tăng 59 tỷ đồng lên 6.876 tỷ đồng. Trong đó, chủ yếu là khoản dự phòng nghiệp vụ 4.055 tỷ đồng, giảm nhẹ 50 tỷ đồng so với đầu kỳ, khoản phải trả người bán tăng gấp 1,6 lần, lên 552 tỷ đồng...
Cũng tại ĐHĐCĐ, lãnh đạo Pjico đã đánh giá thị trường bảo hiểm 2023 vẫn còn nhiều khó khăn. Trong đó, xu hướng bảo hiểm số (Insurtech) trong năm 2023 và dài hạn được dự báo sẽ làm thay đổi toàn diện ngành bảo hiểm, đem lại nhiều lợi thế cho các công ty bảo hiểm. Bên cạnh đó, tình hình cạnh tranh trên thị trường vẫn tiếp tục diễn biến gay gắt.
Để hoàn thành được mục tiêu năm, công ty hướng tới tiếp tục duy trì các chỉ tiêu tăng trưởng ổn định, gắn liền với hiệu quả và an toàn tài chính, đảm bảo sự phát triển bền vững trong dài hạn. Pjico cũng sẽ tập trung vào các nghiệp vụ và kênh khai thác mới, củng cổ quan hệ với khách hàng lớn, triển khai bảo hiểm cho doanh nghiệp FDI và SMEs, nghiên cứu, khai thác sản phẩm bảo hiểm mới, đẩy mạnh chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin.
Về tình hình nhân sự, đại hội cũng đã thông qua việc miễn nhiệm chức vụ thành viên Hội đồng Quản trị đối với ông Trần Ngọc Năm theo đề nghị của công ty mẹ là Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam. Đồng thời, Hội đồng Quản trị đã bầu ông Phạm Thanh Hải, hiện là Ủy viên HĐQT, Phó Tổng giám đốc Pjico đảm nhận chức vụ chủ tịch HĐQT nhiệm kỳ 2019 – 2024, thay thế ông Năm.