Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko. Ảnh: TASS |
Trong khuôn khổ lễ khai mạc hội nghị thượng đỉnh SCO tại thủ đô Astana của Kazakhstan ngày 4/7, tài liệu liên quan tới quyết định thông qua tư cách thành viên của Belarus đã được ký kết. Tổng thống Kazakhstan Kassym-Jomart Tokayev, quốc gia đang giữ chức chủ tịch SCO năm 2024 sau đó tuyên bố: “Việc kết nạp Cộng hòa Belarus vào Tổ chức Hợp tác Thượng Hải với tư cách là thành viên chính thức hiện đã có hiệu lực”.
Hãng tin RT dẫn lời ông cho biết Belarus “đã hoàn thành mọi thủ tục cần thiết để trở thành thành viên đầy đủ của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải trong một thời gian ngắn”. Ông cũng gửi lời chúc mừng tới Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko.
Trước đó ngày 3/7, Tổng thống Belarus đã mô tả tư cách thành viên SCO là một “quan điểm chiến lược” đối với Minsk, đặc biệt là về phát triển kinh tế và cơ sở hạ tầng. Ông cũng nhấn mạnh rằng SCO “về bản chất là một tổ chức sáng tạo và không nhằm vào bất kỳ ai”.
Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov bày tỏ thái độ hoan nghênh việc Belarus gia nhập SCO. Trong tuyên bố của mình, ông mô tả Belarus là một “đồng minh rất quan trọng” đối với Moscow, đồng thời nhấn mạnh tư cách thành viên của Minsk “sẽ là một lợi ích lớn cho Tổ chức Hợp tác Thượng Hải” cũng như cho bản thân chính quốc gia này.
Ông Peskov cũng không loại trừ khả năng có thành viên mới gia nhập tổ chức, tuy nhiên nhấn mạnh rằng việc này sẽ cần thời gian. Ông nói: “Việc mở rộng SCO diễn ra dần dần và cần có thời gian do số lượng những quốc gia muốn gia nhập Tổ chức Hợp tác Thượng Hải là khá lớn”.
Tổng thư ký SCO Zhang Ming cũng báo hiệu rằng việc kết nạp thành viên mới hiện không phải là ưu tiên hàng đầu. Ông nhận định: “Chúng tôi đã nhận được đơn đăng ký từ một số quốc gia về tư cách đối tác đối thoại, cũng như đơn đăng ký nâng cấp tư cách quan sát viên từ một số đối tác đối thoại. Tất cả những vấn đề này đều được thảo luận trong bối cảnh cải thiện hoạt động của tổ chức”.
Được thành lập vào năm 2001, SCO bao gồm Ấn Độ, Iran, Kazakhstan, Trung Quốc, Kyrgyzstan, Nga, Pakistan, Tajikistan, Uzbekistan, và hiện tại là Belarus. Ngoài ra, một số quốc gia khác đang đóng vai trò quan sát viên. Mục tiêu của khối là tăng cường quan hệ giữa các quốc gia thành viên và thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực chính trị, kinh tế, khoa học, văn hóa và giáo dục.