Chiều 12/10, tại buổi Họp báo quý III/2022 của Bộ Công Thương, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho biết, từ cuối năm 2021 đến năm 2022, thị trường gặp nhiều khó khăn đã gây ảnh hưởng mạnh đến nguồn cung năng lượng và mặt hàng xăng dầu.
Điểm lại tình hình, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho biết quý II/2022, Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn trục trặc, giảm công suất xuống 50-55%, thậm chí có thời gian gián đoạn, không còn sản xuất. Bộ Công Thương đã ra Quyết định số 242 yêu cầu 10 doanh nghiệp đầu mối phải tăng nhập khẩu để bù cho nguồn thiếu hụt trong nước.
Nhưng thời điểm đó, doanh nghiệp mua xăng dầu với giá rất cao, sau đó giá liên tục giảm dẫn đến thua lỗ, khiến doanh nghiệp buộc phải cắt giảm chi phí, kể cả chiết khấu cho đại lý trong nước. Các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đã thua lỗ trong thời gian dài đã ảnh hưởng lớn đến hoạt động nhập khẩu.
“Hiện nguồn trong nước đang chiếm 75-80%, tức là phải nhập khẩu 20-25% nhưng nguồn cung từ nước ngoài về Việt Nam lại gặp rất nhiều khó khăn"
Chia sẻ tại cuộc họp báo, Vụ trưởng Vụ thị trường trong nước, Bộ Công Thương Trần Duy Đông cũng cho biết, tín dụng bị thắt chặt trong khi giá xăng dầu tăng, tỷ giá USD, VND tăng và khó tiếp cận nguồn ngoại tệ khiến các doanh nghiệp đầu mối cũng không có đủ nguồn tài chính để nhập hàng với khối lượng như các năm trước.
Chi phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về Việt Nam tăng cao trong khi các chi phí này chưa được tính đủ vào giá cơ sở mặt hàng xăng dầu do Nhà nước điều hành nên doanh nghiệp hạn chế lượng nhập khẩu để giảm thua lỗ.
Bên cạnh đó, nguồn cung xăng dầu trên thị trường thế giới đang rất khó khăn do nhu cầu hút hàng từ các nước Châu Âu, các doanh nghiệp đầu mối nhỏ, mới rất khó tiếp cận được nguồn hàng xăng dầu thế giới.
Một số doanh nghiệp đầu mối khu vực phía Nam bị tước Giấy phép kinh doanh xăng dầu trong 1-1,5 tháng (do vi phạm hành chính) dẫn đến thiếu nguồn cung cục bộ cho các đơn vị trước đây vẫn thường xuyên lấy hàng của các doanh nghiệp này.
Điều này đã dẫn đến hiện tượng một số doanh nghiệp kinh doanh, bán lẻ xăng dầu xin đóng cửa và tạm ngừng kinh doanh, tập trung ở các địa phương như An Giang, TP HCM, Đăk Lăk...
Trước tình hình này, Vụ trưởng Trần Duy Đông cho biết, sáng ngày 12/10, Bộ Công Thương đã họp với Bộ Tài chính, Hiệp hội xăng dầu Việt Nam bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn cho việc kinh doanh xăng dầu. Qua đó, hỗ trợ và khuyến khích doanh nghiệp duy trì hoạt động, đảm bảo nguồn cung xăng dầu trong thời gian tới.
Theo ông Đông, Bộ Công Thương đã tập trung vào 8 giải pháp chính. Cụ thể, Bộ sẽ tiếp tục rà soát chi phí trong cơ cấu tính giá, đặc biệt sau ngày 11/7 Bộ Tài chính và Bộ Công Thương đã rà soát bước đầu chi phí xăng dầu từ nước ngoài vào Việt Nam, premium từ nước ngoài.
"Bộ đã điều chỉnh premium trong nước, chi phí đưa xăng dầu từ hai nhà máy lọc dầu trong nước (nhà máy lọc dầu Dung Quất và Nghi Sơn) về đến kho nhà máy lọc dầu. Tuy nhiên, premium nước ngoài và chi phí đưa xăng dầu nước ngoài về tiếp tục tăng rất mạnh, Bộ tiếp tục phối hợp với Bộ Tài chính để rà soát sớm, điều chỉnh, đưa mức này vào trong công thức để tính đúng, tính đủ, đảm bảo các doanh nghiệp hoạt động hiệu quả, để có thể kinh doanh đủ, chi phí phù hợp”
Bộ Công Thương tiếp tục đề nghị Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ đạo các ngân hàng thương mại có chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu về hạn mức tín dụng, lãi suất ưu đãi, nguồn ngoại tệ phù hợp. Từ đó, giúp doanh nghiệp giảm chi phí tài chính, tăng nguồn lực nhập khẩu và khả năng mua xăng dầu từ nguồn sản xuất trong nước, đảm bảo cung ứng cho thị trường.
Bộ Công Thương cũng đã làm việc với hai nhà máy lọc dầu (Dung Quất và Nghi Sơn). Theo Vụ trưởng Trần Duy Đông, thời gian vừa qua, do hai nhà máy lọc dầu trong nước (Dung Quất và Nghi Sơn) cũng như các nhà máy lọc dầu trên thế giới tăng sản lượng diezen (do biên lợi nhuận sản xuất diezen rất lớn), sản lượng xăng dầu của các nhà máy giảm đi đáng kể. Trước tình hình này, Bộ yêu cầu điều chỉnh cơ cấu sản xuất của hai nhà máy lọc dầu cho phù hợp nhu cầu của thị trường, tăng sản lượng sản xuất xăng cung ứng cho thị trường trong nước.
Bộ cũng yêu cầu hai nhà máy cần có biện pháp hỗ trợ, giao hàng nhanh cho các doanh nghiệp đã đặt hàng theo các hợp đồng đã ký.
"Sử dụng nguồn hàng tại 2 nhà máy lọc dầu để hỗ trợ cung ứng đầu mối không có hợp đồng dài hạn nhưng có nhu cầu mua ngay. Bán hàng tại khu vực thiếu cục bộ, để kịp thời bổ sung nguồn hàng cho các cửa hàng bán lẻ", ông Đông nói.
Bộ yêu cầu rà soát thực hiện nhập khẩu cũng như tổng nguồn phân giao cho các thương nhân đầu mối để có phân giao tổng nguồn phù hợp, đảm bảo đủ nguồn cho quý IV/2022.
Bộ Công Thương đề nghị UBND chỉ đạo lực lượng chức năng trên địa bàn tạo điều kiện cho việc thông quan hàng hóa nhập khẩu xăng dầu, cho phép xe vận chuyển xăng dầu đi trong thành phố trong giờ cao điểm để kịp cấp hàng cho các cửa hàng bán lẻ xăng dầu.
Đối với cơ quan Nhà nước, Bộ đề nghị, bên cạnh việc theo dõi, kiểm tra, giám sát kinh doanh của các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu thì cần có các biện pháp hỗ trợ, khuyến khích, tạo điều kiện cho doanh nghiệp vượt qua khó khăn trong giai đoạn hiện nay. Tránh tình trạng xử lý vi phạm không đúng quy định hoặc gây khó dễ cho doanh nghiệp, đảm bảo cung ứng xăng dầu liên tục cho thị trường, giữ vững an ninh năng lượng quốc gia.