Đại biểu Phạm Văn Hòa - Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp. Ảnh: quochoi.vn |
Tại phiên chất vấn lĩnh vực ngoại giao chiều 18/3, đại biểu Tạ Thị Yên - Đoàn ĐBQH tỉnh Điện Biên cho biết, trong nhiều năm trở lại đây, Việt Nam là điểm đến ưa thích của khách du lịch, đã kí kết các thỏa thuận miễn thị thực (visa) đối với một số nước nhằm thu hút du lịch. Tuy nhiên hiện mới chỉ có một số ít nước miễn thị thực cho công dân Việt Nam và việc xin thị thực cho công dân Việt Nam còn khó khăn.
Đại biểu Tạ Thị Yên đề nghị Bộ trưởng Bộ Ngoại giao cho biết vai trò của Bộ Ngoại giao trong vấn đề này và giải pháp để cải thiện tình hình, tạo điều kiện cho công dân Việt Nam khi đi ra nước ngoài và ngược lại.
Đại biểu Tạ Thị Yên - Đoàn ĐBQH tỉnh Điện Biên. |
Trả lời chất vấn đại biểu, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cho biết, các nước trên thế giới rất quan tâm và coi Việt Nam là điểm đến an toàn với nhiều danh lam, thắng cảnh văn hóa, lịch sử. Trong xu thế mở cửa, hội nhập sâu rộng, không chỉ các nước đến Việt Nam mà công dân Việt Nam cũng có nhu cầu đi du lịch, tìm kiếm cơ hội phát triển sản xuất kinh doanh.
Bộ Ngoại giao đã có nhiều biện pháp để thúc đẩy giao lưu quốc tế, theo đó đã phối hợp với cơ quan chức năng đơn giản hóa thủ tục xuất nhập cảnh cho công dân Việt Nam ở nước ngoài và kiều bào ta. Gần đây nhất Quốc hội đã thông qua Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh, trong đó mở rộng thời gian lưu ý, tăng cường cấp visa du lịch.
"Trong chuyến thăm Australia vừa rồi, người dân ở đây đánh giá rất cao Việt Nam đang triển khai visa du lịch rất thuận tiện cho nước ngoài. Hiện có 13 nước được chúng ta miễn thị thực đơn phương vào du lịch, đây là những địa bàn du lịch trọng điểm. Vừa rồi khi sửa Luật Xuất cảnh nhập cảnh, Bộ cũng kiến nghị với Chính phủ tiếp tục gia hạn việc miễn thị thực này," Bộ trưởng Bộ Ngoại giao chia sẻ.
Bộ Ngoại giao cũng đàm phán với 15 nước thực hiện miễn thị thực song phương. Như vậy, công dân Việt Nam có 28 nước có thể đi lại tự do không cần xin visa.
Đây là hướng chính sẽ triển khai trong thời gian tới để công dân Việt ra nước ngoài cũng như đảm bảo công dân nước bạn vào Việt Nam. Trong điều kiện chưa làm được hộ chiếu phổ thông, Bộ Ngoại giao đang triển khai đàm phán với 80 nước về miễn thị thực song phương, tức là có đi có lại về hộ chiếu ngoại giao và công vụ.
"Chúng tôi sẽ tiếp tục đàm phán, ký kết các hiệp định miễn thị thực song phương, vừa tạo ưu thế cho công dân Việt Nam ra nước ngoài và ngược lại khi công dân nước ngoài vào Việt Nam," Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn cho biết.
Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn trả lời chất vấn. Ảnh: quochoi.vn |
Cũng nêu câu hỏi chất vấn, đại biểu Phạm Văn Hòa - Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp nêu tình trạng có trường hợp du học sinh, giảng viên các trường đại học cử tu nghiệp đi nước ngoài không về nước, làm ảnh hưởng đến các đối tượng khác đi học khó khăn.
"Vậy trách nhiệm của Đại sứ quán, Tổng lãnh sự có biện pháp gì can thiệp để trục xuất các đối tượng này về nước, để lập lại kỷ cương," đại biểu Hòa nêu.
Trả lời đại biểu, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn cho biết, sau đại dịch Covid-19, giao lưu nhân dân giữa Việt Nam và quốc tế triển khai mạnh mẽ. Năm 2022 chỉ có khoảng 3,8 triệu lượt công dân ra nước ngoài nhưng năm 2023 lên đến hơn 10 triệu công dân ra nước ngoài.
"Số lượng lao động, du học quay trở lại các nước tăng rất nhanh. Thậm chí, vừa qua có tình trạng trốn ở lại, kể cả lao động và du học sinh, làm ảnh hưởng đến hợp tác giữa Việt Nam với các đối tác," Bộ trưởng nêu.
Thủ tướng đã chỉ đạo các bộ ngành phải xây dựng quy trình, quy chế để đào tạo đội ngũ lao động vừa chấp hành tốt nội quy, quy định của nước sở tại, đồng thời đóng góp vào kinh tế xã hội nước sở tại và quan hệ hai nước.
Ông Sơn cũng chia sẻ, du học sinh ra nước ngoài rất đông. Qua các cuộc gặp với lãnh đạo chủ chốt, đa số các em muốn về nước cống hiến phục vụ, nhưng cũng băn khoăn khi điều kiện ở nước ngoài tốt hơn.
Lãnh đạo cấp cao cũng đã trả lời với bà con cử tri khi tiếp xúc với kiều bào cũng nói rõ là nếu học sinh thấy rằng nếu có thể phát huy được vai trò công việc của mình sau khi học xong ở nước sở tại cũng chính là góp phần đóng góp và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, nhưng quan trọng hơn là làm cầu nối hữu nghị giữa hai nước.
"Tri thức của các bạn được trau dồi thì sau này về đóng góp cho đất nước cũng tốt hơn. Một số trường hợp trốn ở lại, Bộ sẽ phối hợp với bộ ngành để thông tin, làm việc với đối tác để các bạn hiểu bối cảnh hiện nay," Bộ trưởng Sơn cho biết.