Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Chi: Dự kiến Bộ Tài chính sẽ trình Chính phủ dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số nội dung của Nghị định 65 trong đầu tuần tới - Ảnh: VGP |
Trả lời câu hỏi của phóng viên tại cuộc họp báo về lộ trình xây dựng, ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 65 quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho biết, Bộ đã tổng hợp và đã xin ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp theo quy trình, quy định và đến hiện nay đang trong quá trình hoàn chỉnh bộ hồ sơ dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số nội dung của Nghị định 65.
"Đến hiện nay, chúng tôi đang trong quá trình hoàn chỉnh hồ sơ dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 65 để trình Chính phủ. Dự kiến Bộ Tài chính sẽ trình Chính phủ trong đầu tuần tới", Thứ trưởng Chi thông tin.
Thứ trưởng Bộ Tài chính cho biết, với tiến độ này, Bộ Tài chính kỳ vọng Nghị định sẽ được Chính phủ sớm thông qua để các quy định thích ứng với tình hình thực tế cũng như củng cố niềm tin của thị trường, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp phát hành cũng như bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các nhà đầu tư.
Trước đó, trong phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 1/2023 sáng cùng ngày, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh yêu cầu tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, xác định đây là nút thắt cần giải quyết để tháo gỡ khó khăn cho nhiều lĩnh vực liên quan, như trái phiếu doanh nghiệp. Tổ chức cuộc họp về tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản trong tháng 2.
Thủ tướng yêu cầu khẩn trương hoàn thiện, ban hành nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 65 về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế.
Số liệu tổng hợp từ Hiệp hội Thị trường Trái phiếu Việt Nam (VBMA), trong năm 2023, sẽ có khoảng 289.819 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn. Trong đó, số lượng trái phiếu bất động sản đáo hạn rơi vào khoảng hơn 119.000 tỷ đồng.
Tính riêng tháng 1/2023, tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn là gần 17.458 tỷ đồng, tập trung chủ yếu ở nhóm bất động sản và xây dựng.
Cụ thể, tháng đầu năm 2023, doanh nghiệp bất động sản phải thanh toán 10.500 tỷ đồng trái phiếu đáo hạn, chiếm 60% giá trị trái phiếu doanh nghiệp đến hạn. Còn doanh nghiệp xây dựng phải thanh toán 5.900 tỷ đồng trái phiếu đến hạn, chiếm 34% giá trị trái phiếu đến hạn. Nếu tính cả số lượng trái phiếu mua lại trước hạn, áp lực thanh toán của doanh nghiệp lớn hơn nhiều.
Trong khi đó, theo báo cáo thị trường trái phiếu doanh nghiệp mới đây của tổ chức xếp hạng tín nhiệm FiinRatings, thì áp lực đáo hạn trái phiếu của các doanh nghiệp bất động sản vẫn duy trì ở mức đáng kể trong năm 2023 với hơn 119.000 tỷ và năm 2024 gần 112.000 tỷ đồng.