Người dân Palestine đi sơ tán ngang qua một tòa nhà bị phá hủy ở Deir el-Balah, trung tâm Dải Gaza vào ngày 7/7/2024. Ảnh: AFP |
Theo hãng tin Reuters dẫn lời Bộ ngoại giao Brazil ngày 9/7, “thỏa thuận này là sự đóng góp cụ thể nhằm giúp đỡ một nhà nước Palestine có nền kinh tế vững mạnh, có thể chung sống hòa bình và hài hòa với các nước láng giềng”. Thỏa thuận này được phê chuẩn vào ngày 5/7 trước. Đây là một thỏa thuận được ký kết vào năm 2011 giữa khối thương mại Mercosur của Nam Mỹ cùng Chính quyền Palestine và đã ở trong quá trình chờ phê duyệt trong hơn một thập kỷ.
Phản ứng về hành động của chính phủ Brazil, Đại sứ Palestine tại Brasilia, ông Ibrahim Al Zeben, gọi quyết định của quốc gia này là “can đảm, hỗ trợ và kịp thời”. Ông nhấn mạnh rằng đây là “cách hiệu quả để hỗ trợ hòa bình ở Palestine”, đồng thời nói thêm rằng ông hy vọng thương mại giữa Palestine với Mercosur, hiện chỉ đạt 32 triệu USD mỗi năm, sẽ tăng lên hơn nữa trong tương lai.
Được thành lập vào năm 1991, Mercosur có tổng dân số hơn 295 triệu người và tổng sản phẩm quốc nội đạt khoảng 2.860 tỷ USD.
Brazil là quốc gia đã công nhân nhà nước Palestine và sau đó cho phép xây dựng đại sứ quán Palestine tại thủ đô Brasilia của nước này vào năm 2010. Hiện không rõ liệu các thành viên Mercosur khác có thực hiện động thái tương đồng nào với Brazil hay không.
Khi được Reuters liên hệ, Bộ Ngoại giao Uruguay và Paraguay không trả lời yêu cầu đưa ra bình luận, trong khi chính phủ của Tổng thống Argentina Javier Milei trong một tuyên bố trước đó đã từng cho biết không có kế hoạch thực hiện động thái này.
Ngoài Brazil, các quốc gia châu Âu bao gồm Na Uy, Ireland và Tây Ban Nha ngày 28/5 vừa qua đã chính thức công nhận một nhà nước Palestine. Phát biểu ngày 22/5 trước đó, Thủ tướng Na Uy Gahr Støre cho biết: “Thông qua việc công nhận một nhà nước Palestine, Na Uy ủng hộ kế hoạch hòa bình của Ả Rập” do “không thể có hòa bình ở Trung Đông nếu nhà nước Palestine không được công nhận”.
Nhà lãnh đạo Na Uy nhấn mạnh cuộc tấn công ngày 7/10 vào Palestine được thực hiện bởi “các nhóm chiến binh không ủng hộ giải pháp 2 nhà nước và nhà nước Palestine”. Theo ông, “Palestine có quyền cơ bản là có một quốc gia độc lập” và Na Uy vì vậy “sẽ coi Palestine là một quốc gia độc lập với tất cả các quyền và nghĩa vụ đi kèm”.
Vào thời điểm đó, chính phủ Na Uy cho biết động thái này diễn ra hơn 30 năm sau khi thỏa thuận Oslo đầu tiên được ký kết vào năm 1993. “Palestine đã thực hiện những bước đi quan trọng hướng tới giải pháp hai nhà nước”. Tuyên bố của chính phủ nước này cho biết Ngân hàng Thế giới từ năm 2011 đã xác định rằng Nhà nước Palestine đã đáp ứng các tiêu chí quan trọng để hoạt động như một nhà nước và các thể chế quốc gia đã được xây dựng để cung cấp cho người dân những dịch vụ quan trọng.
Tới ngày 2/7, Bộ trưởng Ngoại giao Singapore Vivian Balakrishnan cho biết quốc gia này cũng đã "chuẩn bị sẵn sàng về mặt nguyên tắc" trong việc công nhận Palestine là một quốc gia có chủ quyền và sẽ thực hiện động thái này "vào thời điểm thích hợp".