Nhìn vào bức tranh cải cách hành chính 10 năm (giai đoạn 2012 - 2022) cho thấy, Chỉ số hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS) và Chỉ số cải cách hành chính của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (PAR INDEX) đều được cải thiện qua từng năm.
Riêng năm 2022, Chỉ số PAR INDEX của các Bộ, cơ quan ngang Bộ và các địa phương đạt trên 80%.
Tại phiên họp thứ 4 Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, xác định, đầu tư cho cải cách hành chính là đầu tư cho phát triển.
Thời gian qua, với sự cố gắng, nỗ lực của các Bộ/ngành, địa phương, của các thành viên Ban Chỉ đạo, công tác cải cách hành chính đã được triển khai quyết liệt, đồng bộ trên cả 6 nội dung: Công tác xây dựng pháp luật; cải cách thủ tục hành chính; cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước; cải cách chế độ công vụ; cải cách tài chính công; chuyển đổi số, xây dựng, phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số.
Tuy nhiên, Thủ tướng cũng nhấn mạnh, việc ban hành quy trình nội bộ trong giải quyết thủ tục hành chính và hoàn thiện hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính tại một số bộ, ngành, địa phương còn chậm. Tỷ lệ sử dụng dịch vụ công trực tuyến còn thấp (chiếm 57,8%), tỷ lệ hồ sơ xử lý quá hạn còn cao (gần 34%).
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại phiên họp thứ 4 Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ. Ảnh: VGP. |
Do đó, Thủ tướng yêu cầu các Bộ/ngành, địa phương quyết tâm cao hơn, nỗ lực hơn nữa, hành động quyết liệt, mạnh mẽ, có trọng tâm, trọng điểm hơn nữa, phấn đấu nâng cao mức độ hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của chính quyền các cấp trong thực hiện thủ tục hành chính, năm 2025 đạt trên 90%, năm 2023 đạt trên 85%.
Tỷ lệ giải quyết đúng hạn tại các trung tâm phục vụ hành chính công phải đạt trên 90%; cuối năm 2023, tỉ lệ người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến toàn trình phải đạt 50%.
"Các thành phố lớn như Hà Nội, TP HCM, Hải Phòng, Cần Thơ, Đà Nẵng cần phải đi đầu về chuyển đổi số trong cải cách thủ tục hành chính", Thủ tướng nhấn mạnh.
Nhờ có nỗ lực cải cách hành chính của các Bộ/ngành và 63 tỉnh/thành trên cả nước, thể chế môi trường đầu tư kinh doanh đã được hoàn thiện và bước đầu tiệm cận với thông lệ quốc tế tốt.
Môi trường đầu tư kinh doanh ở Việt Nam có chuyển biến rõ nét. Mới đây nhất, Cơ quan nghiên cứu và phân tích EIU thuộc Tập đoàn tư vấn Economist Group (Anh) vừa công bố bảng xếp hạng môi trường kinh doanh toàn cầu quý 2/2023, trong đó ghi nhận Việt Nam có mức thăng hạng nhiều nhất trong số các nền kinh tế được xếp hạng. Việt Nam ghi nhận tăng 12 bậc trong bảng xếp hạng, trong khi Thái Lan tăng 10 bậc và Ấn Độ tăng 6 bậc.
Theo Nikkei Asia, Việt Nam dẫn đầu khu vực Đông Nam Á về đà phục hồi sau đại dịch Covid-19 (đứng thứ 8 thế giới). Việt Nam lọt top 20 nền kinh tế thu hút FDI hàng đầu thế giới (theo UNCTAD) và top 20 nền kinh tế hàng đầu về thương mại quốc tế (theo WTO).
Khảo sát JETRO năm 2022 cũng khẳng định, Việt Nam là địa điểm hấp dẫn đầu tư đứng thứ 3 trên thế giới và đứng thứ 2 khu vực Châu Á. Mới đây nhất, khảo sát EuroCham công bố tháng 1/2023 đã chỉ ra Việt Nam lọt top 5 điểm đến đầu tư toàn cầu.