Cà phê Việt vào Trung Quốc: Doanh nghiệp cần thay đổi khi thị trường đã khó tính hơn

đồ uống cà phê
13:15 - 12/05/2022
Cà phê Việt vào Trung Quốc: Doanh nghiệp cần thay đổi khi thị trường đã khó tính hơn
0:00 / 0:00
0:00
Nhu cầu đồ uống có nguồn gốc từ thiên nhiên của Trung Quốc đang rất lớn, mở ra cơ hội cho các doanh nghiệp cà phê Việt. Tuy nhiên, thị trường tỷ dân này giờ không còn dễ tính như trước, buộc các doanh nghiệp phải thay đổi nếu muốn chinh phục. 

Tại “Hội nghị giao thương trực tuyến đồ uống Việt Nam - Trung Quốc 2022” ngày 11/5 và 12/5, do Cục Xúc tiến thương mại phối hợp tổ chức, các doanh nghiệp đã có cơ hội tìm hiểu thêm về nhu cầu đồ uống của Trung Quốc, qua đó tiếp cận thị trường khổng lồ này đối với các mặt hàng nông sản, đặc biệt là cà phê.

Đánh giá ngành đồ uống Việt Nam, Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại Lê Hoàng Tài nhận định: “Ngành đồ uống Việt Nam đang có nhiều nỗ lực để phục hồi mạnh mẽ sau đại dịch. Việc phát triển các sản phẩm nông nghiệp và nguồn nguyên liệu thô cung ứng cho chế biến đồ uống đang tạo ra lợi thế cho ngành đồ uống Việt Nam, đáp ứng đa dạng hoá nhu cầu đồ uống cho người nước ngoài, trong đó có Trung Quốc".

Trong khi đó, theo Chủ tịch Hiệp hội ẩm thực thành phố Trùng Khánh, ông Trương Tế Đông cho biết, người Trung Quốc đặc biệt ưa chuộng các sản phẩm đồ uống có nguồn gốc từ thiên nhiên. Cùng với quy mô dân số 1,4 tỷ dân, đây vẫn luôn là thị trường tiềm năng cho các doanh nghiệp đồ uống và xuất khẩu các nguyên liệu nông sản.

Chia sẻ của các diễn giả tại “Hội nghị giao thương trực tuyến đồ uống Việt Nam – Trung Quốc 2022”.

Chia sẻ của các diễn giả tại “Hội nghị giao thương trực tuyến đồ uống Việt Nam – Trung Quốc 2022”.

Rộng mở cho cà phê Việt Nam

Hiện nay, Việt Nam là thị trường có sản lượng cà phê thuộc top đầu thế giới, từ 1,6-1,8 triệu tấn/năm, năng suất trung bình đạt 2,3 tấn/ha, có diện tích sản xuất khoảng 680.000 ha. Với vai trò là một trong hai thị trường sản xuất và xuất khẩu cà phê lớn nhất cho thế giới, cùng với sự nỗ lực của doanh nghiệp, cà phê Việt đang ngày càng có tên tuổi tại thị trường Trung Quốc.

Trong đó, theo thông tin từ phía Tập đoàn Trung Nguyên Legend, cứ 18 ly cà phê của bất cứ thương hiệu nào bán ra tại Trung Quốc thì có 1 ly cà phê thuộc Trung Nguyên. Mỗi năm thị trường Trung Quốc tiêu thụ khoảng 800 triệu ly cà phê G7. Mức độ tăng trưởng năm 2021 đạt 20%.

Tính chung từ năm 2018 đến nay, Trung Quốc luôn nằm trong top 10 - 12 thị trường nhập khẩu cà phê của Việt Nam. Cụ thể, năm 2018 Trung Quốc là thị trường nhập khẩu cà phê lớn thứ 12 của Việt Nam. Đến năm 2019, Trung Quốc đã giữ vị trí thứ 10; năm 2020 ở vị trí thứ 9; năm 2021 vị trí thứ 8.

Tính riêng 4 tháng đầu năm 2022, Trung Quốc đã nhập khẩu khoảng 14.000 tấn cà phê của Việt Nam, đạt trị giá 44 triệu USD. So với cùng kỳ năm 2021, tổng sản lượng nhập khẩu cà phê của Trung Quốc giảm, nhưng giá trị lại tăng. Lý giải về điều này, ông Đỗ Xuân Hiền, Chánh Văn phòng Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt Nam, cho rằng có 2 nguyên nhân là giá cà phê thế giới đang phục hồi và tỷ lệ cà phê chế biến tăng lên.

So với các thị trường đối thủ, cà phê Việt Nam hiện có ưu thế về địa lý khi có cùng biên giới, cửa khẩu với Trung Quốc. Giao thông thuận tiện đã tạo thuận lợi cho giao thương giữa 2 nước; chi phí cho vấn đề logistics cũng được giảm đi đáng kể, từ đó tăng lợi nhuận cho doanh nghiệp.

"Ngoài ra, tuy là một nước Á Đông, có nền văn hoá uống trà nhưng ngày nay giới trẻ Trung Quốc cũng đang dần làm quen với cà phê và có xu hướng thích thức uống này”, ông Hiền nói thêm.

Theo báo cáo của Tổ chức cà phê quốc tế (ICO), Trung Quốc là thị trường mới nổi về tiêu dùng cà phê với tốc độ tiêu dùng hàng năm luôn ở mức cao và ổn định. Trong khi đó, theo Hiệp hội Cà phê Trung Quốc (CCAB), tiêu thụ cà phê tại nước này đang tăng với tốc độ trung bình hàng năm là 15%.

Người tiêu dùng Trung Quốc ngày càng khắt khe

Đứng trước lượng tiêu thụ "khủng" của thị trường tỷ dân, doanh nghiệp Việt muốn xâm nhập vào thị trường này cần phải tìm hiểu kỹ về thị trường. Theo chia sẻ của ông Lý Thanh Hải - Giám Đốc phát triển kinh doanh thị trường Trung Quốc của Tập đoàn Trung Nguyên Legend, doanh nghiệp cần lưu ý đến 4 điểm chính.

Đầu tiên, ngoài việc đảm bảo chất lượng, doanh nghiệp cần đánh giá cụ thể về thị trường Trung Quốc. Nhiều doanh nghiệp Việt hiện vẫn mang lối tư duy cũ, cho rằng đây là thị trường dễ tính, chỉ cần mang hàng qua được thì có thể bán được hàng.

Nhưng thực tế, đó là câu chuyện của nhiều năm trước. Còn bây giờ, Trung Quốc đã trở thành thị trường khó tính từ lâu, xu hướng thay đổi cũng trở nên thường xuyên hơn. Người tiêu dùng Trung Quốc đang dần trở nên khắt khe, họ không chỉ đơn thuần yêu cầu về chất lượng sản phẩm, mà còn về mẫu mã, bao bì, về tính "bắt mắt" của sản phẩm.

Thứ hai, doanh nghiệp cần chú trọng vấn đề truyền thông cho sản phẩm. Thực tế, có rất nhiều doanh nghiệp muốn xâm nhập thị trường tỷ dân với các chiến lược marketing cụ thể. Hàng triệu sản phẩm đến từ hàng triệu doanh nghiệp có thể lấn át hoàn toàn sản phẩm Việt nếu marketing là điểm yếu của doanh nghiệp.

Ảnh tác giả

“Nếu doanh nghiệp Việt giữ tư duy buôn bán đơn thuần thì khó mà trụ được tại thị trường này”.

Ông Lý Thanh Hải, Tập đoàn Trung Nguyên Legend

Thứ ba, doanh nghiệp cần xác định rõ tham gia thị trường Trung Quốc sẽ là một hành trình dài hơi. Doanh nghiệp cần chuẩn bị kế hoạch kinh doanh, nguồn lực, nguồn vốn tối thiểu 3 - 5 năm. Thực tế, nhiều doanh nghiệp nước ngoài vào Trung Quốc đã chuẩn bị kế hoạch 10 - 15 năm đầu tiên hoàn toàn không có lợi nhuận. Nếu doanh nghiệp không “chạy” thì chỉ có thể rời đường đua.

Để có thể trụ vững tại thị trường này, doanh nghiệp cũng cần xem xét đến vấn đề nhân sự. Theo ông Hải, doanh nghiệp mới tiếp cận thị trường thì việc nắm bắt về thị trường sẽ dễ dàng hơn khi có đội ngũ nhân sự là người bản địa. Với đội ngũ nhân sự này, doanh nghiệp hoàn toàn có thể nhanh chóng bắt kịp thị hiếu thị trường, kết nối với các đối tác lớn; đồng thời nắm bắt được nhiều chính sách ưu đãi của địa phương, tiết kiệm thời gian triển khai dự án.

Về mặt pháp lý, với sự am hiểu của người bản địa, doanh nghiệp sẽ tránh được các rắc rối, vướng mắc không đáng có.

Cuối cùng, khi thâm nhập vào thị trường Trung Quốc, doanh nghiệp cần kết nối với doanh nghiệp cùng ngành, các hiệp hội doanh nghiệp, các cơ quan của Việt Nam tại Trung Quốc như đại sứ quán, lãnh sứ quán, cục xúc tiến thương mại… để có thể được hỗ trợ, giúp đỡ.

Thị trường nội địa còn nhiều tiềm năng cho ngành cà phê

Bên cạnh việc thâm nhập thị trường tỷ dân Trung Quốc, thị trường trong nước cũng là thị trường đáng được quan tâm khi có quy mô dân số hơn 100 triệu dân.

Công suất các nhà máy chế biến cà phê của Việt Nam hiện đáp ứng đủ sản lượng cà phê của Việt Nam hàng năm, đạt 1,3 – 1,6 triệu tấn. Đối với công suất của các nhà máy chế biến hoà tan, đạt khoảng 11.500 kg/giờ.

Tuy nhiên, thực tế, lượng tiêu thụ cà phê nội địa của Việt Nam chỉ chiếm 10%/năm. Trong khi đó, các nước sản xuất cà phê lớn của thế giới như Brazil, Indonesia lại lần lượt chiếm 35% và 38%/năm.

Như vậy, dư địa cho mặt hàng cà phê ngay tại thị trường nội địa còn rất lớn. Nếu doanh nghiệp có thể tận dụng thì tiềm năng tiêu thụ có thể còn vượt xa so với nhiều thị trường xuất khẩu khác. Mặt khác, người trẻ Việt cũng đang dần ưa chuộng loại thức uống này. “Giới trẻ Việt Nam hiện nay đang coi cà phê là thức uống hàng ngày của họ”. ông Hiền nhận định.

Cũng theo ông, tỷ lệ tăng trưởng tiêu dùng nội địa đối với mặt hàng cà phê của Việt Nam trong những năm qua luôn đạt từ 2 - 5%.

Tin liên quan

Đọc tiếp