Ảnh minh họa: Habeco. |
Ngày 29/7, Tổng CTCP Bia - Rượu - Nước Giải khát Hà Nội (Habeco, HoSE: BHN) công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý 2/2024 với doanh thu đạt 2.305,6 tỷ đồng, tăng 11% so với cùng kỳ năm trước (YoY). Tốc độ tăng chi phí giá vốn thay đổi không đáng kể giúp công ty thu về 643,5 tỷ đồng lợi nhuận gộp. Biên lãi gộp ghi nhận ở mức 27,9%.
Trong kỳ, doanh thu tài chính của công ty giảm 32% xuống 40 tỷ đồng, chủ yếu do giảm lãi tiền gửi, tiền cho vay. Trong khi đó, chi phí tài chính lại tăng 31%, lên mức 2,1 tỷ đồng, trong đó chi phí lãi vay chiếm gần 1 tỷ đồng.
Đáng chú ý, trong quý 2/2024, Habeco đã dành 165 tỷ đồng cho chi phí quảng cáo, khuyến mại, hỗ trợ; tăng gấp 2,6 lần YoY, đẩy chi phí bán hàng của công ty lên 339 tỷ đồng, tăng 43% so với cùng kỳ năm trước.
Kết quả, sau khi khấu trừ các chi phí, Bia Hà Nội ghi nhận lãi sau thuế đạt 172 tỷ đồng, giảm 9% YoY. Tuy nhiên, con số này vẫn khả quan so với khoản lỗ gần 21 tỷ đồng ghi nhận vào quý 1/2024 trước đó, đồng thời con số này cũng giúp doanh nghiệp chấm dứt chuỗi sụt giảm doanh thu 3 quý liên tiếp kể từ quý 3/2023.
Lũy kế 6 tháng đầu năm 2024, Habeco ghi nhận hơn 3.600 tỷ đồng doanh thu và gần 151 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tương ứng lần lượt tăng 11,2% và giảm 18% so với cùng kỳ. Đây là mức lợi nhuận bán niên thấp nhất của doanh nghiệp này tính từ năm 2021 trở lại đây.
Chi phí bán hàng tăng mạnh đã bào mòn đáng kể phần lợi nhuận của Habeco, với hơn 570 tỷ đồng cho chi phí bán hàng trong 6 tháng đầu năm, tăng 29% so với cùng kỳ. Trong số này, chi phí quảng cáo, khuyến mãi tăng hơn 100 tỷ đồng lên mức 270 tỷ. Trung bình, công ty phải chi 1,48 tỷ đồng cho khoản mục này mỗi ngày.
Năm 2024, Habeco đặt mục tiêu doanh thu đạt 6.543 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 202 tỷ đồng. Như vậy, kết thúc nửa đầu năm, công ty đã thực hiện được 44% kế hoạch doanh thu và 75% kế hoạch lợi nhuận năm.
Tại thời điểm ngày 30/6/2024, tổng tài sản hợp nhất của Habeco ghi nhận 7.275 tỷ đồng, tăng 125 tỷ so với con số hồi đầu năm. Trong đó, lượng tiền và các khoản tương đương tiền giảm mạnh 42% so với đầu năm, xuống 671 tỷ đồng. Hàng tồn kho cũng giảm 4% xuống còn 695 tỷ đồng.
Ở bên kia bảng cân đối, tổng nợ phải trả của Habeco tính tới cuối quý 2 tăng 19% so với đầu năm, lên mức 2.188 tỷ đồng. Trong đó, nợ vay và thuê tài chính ở mức chỉ 58 tỷ đồng, phần lớn nợ nằm ở khoản phải trả khác như cổ tức phải trả cho cổ đông (420 tỷ đồng), nhận ký quỹ ký cược ngắn - dài hạn (152 - 112 tỷ đồng). Vốn chủ sở hữu tính tới cuối kỳ đạt 5.088 tỷ đồng, trong đó lợi nhuận sau thuế chưa phân phối còn hơn 556 tỷ đồng.