Chủ tịch Hoa Sen và kế hoạch xuất gia, chuyển tài sản cho quỹ phi lợi nhuận

Hoa Sen lê phước vũ
09:52 - 11/03/2023
Chủ tịch Hoa Sen quan niệm, sống và làm việc không phải cho mình mà là cho tất cả mọi người.
Chủ tịch Hoa Sen quan niệm, sống và làm việc không phải cho mình mà là cho tất cả mọi người.
0:00 / 0:00
0:00
"4 năm nữa, tôi sẽ là một ông sư. Tôi phải giữ đúng giới luật của Phật là vô sở hữu. Bởi vậy 3 năm qua, tôi trăn trở giải quyết vấn đề thừa kế và chọn người lãnh đạo HSG trong tương lai", ông Lê Phước Vũ chia sẻ tại ĐHĐCĐ Hoa Sen sáng 10/3.

Chia sẻ với cổ đông tại đại hội, ông Lê Phước Vũ nhắc lại tuyên bố rút khỏi Tập đoàn Hoa Sen để xuất gia vào năm 2026, được chia sẻ lần đầu cách đây hai năm. Ông từng cho biết đây là ước mong từ năm 30 tuổi, không gì có thể lay chuyển và đã mua đất, xây chùa ở Lâm Đồng để chuẩn bị cho kế hoạch này.

Đối với vấn đề nhân sự kế thừa, ông Vũ tự tin đội ngũ hiện tại đã chín muồi và dư sức thực hiện ý đồ chiến lược, tầm nhìn của mình là chuyển đổi tập đoàn này từ một nhà sản xuất tôn thép, ống nhựa thành một nhà phân phối vật liệu xây dựng, trang trí nội thất.

Chủ tịch HSG nói đến một phó tổng giám đốc tại công ty bắt đầu làm việc khi còn là một sinh viên giỏi, sau vài chục năm tại Hoa Sen đến nay đã có vị trí của mình. Hay ông Trần Quốc Trí, từ mức lương ban đầu 1,4 triệu/tháng thì nay đã trở thành thành viên HĐQT.

Ông Lê Phước Vũ chia sẻ, hơn 4 năm qua ông ở trên núi nhưng với bộ máy hiện nay, HSG vẫn có lãi nghìn tỷ. “Tôi thích lấy hạt bỏ xuống đất trồng lên, muốn cây tốt mạnh khoẻ phải chịu khó bón phân. Cực một chút, lâu một chút nhưng chắc chắn trái sẽ lớn, sẽ ngon. Cây tốt rồi, trái tốt rồi thì sẽ ăn hoài cũng không hết”, ông nêu quan điểm về xây dựng đội ngũ.

Cho giai đoạn mới, Chủ tịch Lê Phước Vũ cho biết Hoa Sen vẫn đi theo bài cũ, ưu tiên tuyển các sinh viên khá giỏi, xuất sắc và có xuất phát điểm thấp, vì họ có động lực, mục tiêu cao. Bên cạnh đó, công ty cũng cần nhân sự giỏi có trình độ quốc tế, tức tăng cường tuyển từ các trường đại học hàng đầu thế giới như Harvard, IMT…

Tại đại hội, Chủ tịch Hoa Sen cũng khiến cổ đông bất ngờ khi tuyên bố chuyển toàn bộ cổ phiếu đứng tên mình vào một quỹ phi lợi nhuận mang tên Đại Tùng Lâm Hoa Sen.

Theo số liệu cập nhật mới nhất vào ngày 31/1, ông là cổ đông lớn nhất của Hoa Sen khi nắm gần 102 triệu cổ phiếu, tương đương 17,02% vốn. Khối cổ phiếu này theo giá thị trường khoảng 1.600 tỷ đồng.

Ông chia sẻ lý không để lại tài sản cho con cháu bởi muốn họ hiểu việc kiếm được đồng tiền phải đổ mồ hôi nước mắt thế nào mà biết quý trọng, biết đồng cảm với người nghèo kẻ khổ. Tuy nhiên, những con cháu, người thân nếu ông đánh giá "là người có đạo đức, chính trực, tâm thiện lương, biết phụng sự, khiêm nhường" sẽ được bổ nhiệm vào hội đồng điều hành quỹ và trả thù lao xứng đáng.

Giác ngộ triết lý nhà Phật

Ông Lê Phước Vũ sinh năm 1963, trong một gia đình nghèo ở Bình Định. Ông từng theo học tại trường trung cấp giao thông và bắt đầu sự nghiệp với công việc lái xe ở miền Nam.

Ông bắt đầu sự nghiệp kinh doanh từ một cơ sở bán lẻ tôn vào năm 1994. Khi cửa hàng gặp khó khăn do cạnh tranh gay gắt trên thị trường, ông nảy sinh ý tưởng “mua tận gốc, bán tận ngọn” và dự định tự sản xuất tôn. Tuy nhiên một chiếc máy cán tôn khi đó quá đắt, vượt quá khả năng tài chính, vì vậy ông đã tự mày mò tài liệu, mua các linh kiện và tự chế tạo máy cán tôn. Năm 1997, ông chính thức mở xưởng cán tôn đầu tiên của riêng mình.

Năm 2001, ông Vũ thành lập CTCP Hoa Sen với vốn điều lệ 30 tỷ đồng, 3 chi nhánh, 22 nhân viên. Năm 2003, Hoa Sen đưa vào hoạt động nhà máy cán tôn mạ màu, công suất 45.000 tấn/năm. Đến năm 2007, công ty nâng công suất dây chuyền tôn mạ kẽm lên 100.000 tấn/năm, khánh thành nhà máy thép cán nguội công suất 180.000 tấn/năm.

Cũng trong năm 2007, CTCP Hoa Sen được đổi tên thành CTCP Tập đoàn Hoa Sen. Tháng 11/2008, cổ phiếu của công ty được niêm yết tại Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM (HoSE) với mã chứng khoán HSG.

Ông Lê Phước Vũ quy y Tam Bảo từ năm 2020.

Ông Lê Phước Vũ quy y Tam Bảo từ năm 2020.

Trải qua gần 30 năm xây dựng và phát triển, Tập đoàn Hoa Sen hiện đã trở thành doanh nghiệp hàng đầu trên thị trường tôn thép ở Việt Nam, với hơn 30% thị phần tôn, hơn 20% thị phần ống thép cả nước; đồng thời là nhà xuất khẩu tôn thép hàng đầu khu vực Đông Nam Á. Hiện vốn điều lệ của tập đoàn là gần 6.000 tỷ đồng.

Khi Hoa Sen đã bước vào giai đoạn phát triển ổn định, ông Lê Phước Vũ bắt đầu dành thời gian cho Phật pháp. Theo chia sẻ, hồi nhỏ, ông thường xuyên lên chùa nhưng khi đó chưa có đức tin. Sau nhiền biến cố của cuộc sống, ông đã giác ngộ, đưa triết lý nhà Phật vào cuộc sống với suy nghĩ: "Sống và làm việc không phải cho mình mà là cho tất cả mọi người".

Chủ tịch Hoa Sen chính thức quy y Tam Bảo vào tháng 7/2020. Sau đó, ông tuyên bố “lên núi ở ẩn” và gần như không xuất hiện trên truyền thông. Hiện cứ mỗi 1-2 tháng ông mới từ trên núi xuống thành phố họp một lần, còn lại trao đổi công việc qua điện thoại.

Sự vắng mặt ngắt quãng hiện tại, theo ông, là để tập cho đội ngũ bên dưới cách tự vận hành. Ông cho biết sau khi xuất gia sẽ không can dự vào hoạt động kinh doanh mà chỉ là lãnh đạo tinh thần của tập đoàn.

Tin liên quan

Đọc tiếp