Chủ tịch Viforest gửi gắm 3 đề xuất cứu nguy ngành gỗ

Gỗ XUẤT KHẨU
21:14 - 22/05/2023
0:00 / 0:00
0:00
Tối 22/5, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (Viforest) đề xuất với các thương vụ Việt Nam ở nước ngoài tăng cường quảng bá, kịp thời cập nhật thông tin thị trường và hỗ trợ doanh nghiệp trong các tranh chấp thương mại.

Tại cuộc họp giao ban tháng 5/2023 của Ban chỉ đạo Ngoại giao kinh tế (Bộ Ngoại giao), tối 22/5, ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (Viforest) chia sẻ, thị trường ngành gỗ đang gặp nhiều khó khăn, kế hoạch kinh doanh có thể phải sụt giảm với phần lớn doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nội địa.

Doanh nghiệp ngành gỗ sụt giảm mạnh đơn hàng. Ảnh: VGP.

Doanh nghiệp ngành gỗ sụt giảm mạnh đơn hàng. Ảnh: VGP.

Số liệu từ Tổng cục Hải quan cho thấy, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ 4 tháng đầu năm 2023 chỉ đạt 3,9 tỷ USD, tức là giảm tới 30,6% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu nhóm đồ gỗ chỉ đạt 2,6 tỷ USD, giảm 38% so với cùng kỳ.

Ở chiều ngược lại giá trị nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ cũng giảm mạnh chỉ đạt 633,69 triệu USD giảm 33,6% so với cùng kỳ năm trước.

Từ bối cảnh thị trường khó khăn, ông Lập cũng chỉ ra nhiều hạn chế trong xây dựng thị trường của doanh nghiệp Việt.

Đối diện các diễn biến bất lợi của thị trường, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam đề xuất phải có các giải pháp tháo gỡ khó khăn, mở rộng thị trường và tìm kiếm cơ hội cho các doanh nghiệp gỗ, trước mắt tập trung vào các thị trường chính như Bắc Mỹ, Anh, EU và Đông Bắc Á.

Cụ thể, ông Đỗ Xuân Lập đề xuất, phải tìm mọi cách quảng bá gỗ Việt ra thị trường thế giới. Viforest đã chủ động tổ chức các hội chợ đồ gỗ quốc tế tại Việt Nam, tham gia các hội chợ đồ gỗ thế giới. Hiện nay, Việt Nam đang tổ chức 2-3 hội chợ lớn thường kỳ, mời các tổ chức quốc tế, các doanh nghiệp nước ngoài tham gia, tạo cầu nối giao thương.

Đánh giá cao vai trò của các cơ quan ngoại giao, ông Lập đề nghị Thương vụ Việt Nam đóng tại các thị trường, đặc biệt tại Mỹ, EU và Đông Bắc Á, giúp doanh nghiệp tìm hiểu về tình hình thực tế và kịp thời thông tin. Đề nghị hỗ trợ về mặt truyền thông cho các doanh nghiệp gỗ.

"Chúng tôi đề nghị Tham tán thương mại các thị trường hỗ trợ doanh nghiệp mở gian hàng, quảng bá, tạo cánh tay nối dài cho doanh nghiệp. Thực tế thấy rõ doanh nghiệp nào có hệ thống phân phối ở các thị trường lớn tốt đều duy trì được đơn hàng trong bối cảnh khó khăn".

Ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam

Bên cạnh đó, lãnh đạo Hiệp hội cũng nêu lên một khó khăn của ngành gỗ là phải đối diện với nhiều vụ tranh chấp thương mại ở Hàn Quốc, Mỹ kéo dài. Do đó, Hiệp hội đề nghị cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài đặc biệt là tại Mỹ đề xuất với Bộ Thương mại Mỹ, giải quyết các vụ kiện theo đúng lịch đã đặt ra, không kéo dài và đảm bảo nguyên tắc công bằng.

Dẫn chứng về hệ quả, ông Đỗ Xuân Lập cho biết, vụ việc điều tra mặt hàng gỗ dán đã gia hạn ra quyết định tới lần thứ 7, kéo dài 3 năm, tác động nghiêm trọng tới các doanh nghiệp gỗ dán Việt. Doanh nghiệp sản xuất ra không bán được hàng, các nhà mua hàng Mỹ cũng bởi lo ngại mà chuyển dịch sang các thị trường khác.

“Nếu xảy ra sự bất bình đằng trong các vụ giải quyết tranh chấp thương mại, Hiệp hội đề nghị các cơ quan đại diện của Việt Nam ở Mỹ tham gia bảo vệ quyền lợi cho doanh nghiệp Việt. Bài học xương máu trước đây xảy ra trong tranh chấp ở Anh, sự bất bình đẳng đã khiến một vài doanh nghiệp gỗ phải phá sản”, ông Lập nói.

Ngoài ra, Chủ tịch Viforest cũng kiến nghị các Thương vụ có thông tin cảnh báo sớm từ các thị trường, giúp định hướng cho doanh nghiệp giảm thiểu các tranh chấp thương mại xảy ra.

Đối với ngành gỗ, tranh chấp thương mại xảy ra chủ yếu liên quan đến lẩn tránh xuất xứ - chuyển khẩu. Doanh nghiệp ngành gỗ mong muốn khi có sự dịch chuyển của chuỗi cung về Việt Nam đối với các sản phẩm đã bị áp thuế chống trợ cấp, chống bán phá giá, đề nghị Chính phủ, Bộ Ngoại giao có giải pháp cụ thể để ngăn chặn xu thế sẽ bị khởi kiện.

Đánh giá tình hình thị trường khó khăn trong khi công tác marketing của doanh nghiệp ngành gỗ còn yếu, Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh đồng tình với việc cần tăng cường cập nhật yêu cầu mới từ các thị trường xuất khẩu về thuế carbon, quy định môi trường, xu hướng tiêu dùng mới.

Ông Vũ cho biết, Thủ tướng Chính phủ cũng đã giao nhiệm vụ cho Bộ Ngoại giao cung cấp thông tin nhiều hơn cho các doanh nghiệp hiệp hội gỗ và tăng cường công tác quảng bá trên thị trường nước ngoài.

“Ngành gỗ có vai trò quan trọng, sử dụng nhiều lao động, với mục tiêu xuất khẩu lớn, độ mở thương mại cao, do đó, ngoại giao thương mại có vai trò đặc biệt quan trọng trong mở cửa thị trường của ngành”, Thứ trưởng Nguyễn Minh Vũ khẳng định.

Tin liên quan

Đọc tiếp