Bước vào tháng 9, nhà đầu tư "hồ hởi" mong chờ bước ngoặt đối với thị trường thế giới và trong nước, sẽ là tháng bản lề cho thị trường trong các tháng cuối năm, khi soi chiếu với lịch sử những năm gần đây, tháng 9 luôn có diễn biến khá ổn, tuy mức độ tăng không lớn.
Phiên giao dịch cuối tháng ngày 30/9, VN-Index đã có thời điểm thủng mốc 1.100 rơi xuống 1.099 điểm, tuy nhiên dòng tiền bắt đáy nhanh chóng xuất hiện đã giúp thị trường có cú quay xe ngoạn mục khi tăng 0,54% lên 1.132 điểm. Song so với đầu tháng thì chỉ số VN-Index vẫn mất gần 150 điểm, tương đương giảm 11,5%. Nếu xét từ đầu năm đến nay, VN-Index giảm hơn 366 điểm, tương đương giảm gần 24%.
Đây cũng là mức giảm mạnh nhất trong một tháng của VN-Index trong vòng 30 tháng kể từ tháng 3/2020, thời điểm thị trường liên tục rơi sâu xuống đáy do Covid-19. Đà giảm tháng 9 đã đánh đổ tất cả thành quả phục hồi suốt tháng 8 trước đó. Giá trị vốn hóa của HoSE theo đó cũng bốc hơi nhanh chóng về sát mốc 4,5 triệu tỷ đồng, trong khi con số này vào thời điểm đầu năm ghi nhận xấp xỉ 5,8 triệu tỷ đồng.
Đáng chú ý, mức giảm 11,5% cũng đã đưa chứng khoán Việt Nam rơi vào nhóm các thị trường giảm mạnh nhất thế giới trong tháng 9/2022. Trong khi chỉ đúng một tháng trước VN-Index còn lọt top các chỉ số tăng mạnh nhất thế giới.
Thanh khoản thị trường trong tháng 9 cũng gây bất ngờ. Khi thị trường đều mong chờ việc chu kỳ thanh toán đã được rút ngắn về còn T+2 từ ngày 29/8 kích thích thanh khoản thì diễn biến hoàn toàn ngược lại. Giao dịch ảm đạm, giá trị khớp lệnh có phiên chỉ ở mức 7.500 tỷ đồng, thấp nhất kể từ tháng 11/2020.
Tính chung trong tháng 9, giá trị khớp lệnh bình quân phiên trên HoSE chỉ đạt chưa đến 11.900 tỷ đồng, giảm 16% so với tháng trước.
Giao dịch của khối ngoại đi theo chiều hướng xấu là một trong những tác nhân chính dẫn đến kết cục của VN-Index. Nếu như 8 tháng đầu năm, khối ngoại miệt mài mua ròng 50,88 triệu đơn vị với tổng giá trị mua ròng tương ứng đạt 3.806 tỷ đồng trên sàn HoSE, trong đó tính riêng tháng 8 con số này khoảng 2.500 tỷ đồng. Thì trong tháng 9, nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng hơn 3.000 tỷ đồng trên HoSE.
Việc Cục dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng tốc hút tiền gây ra áp lực rút vốn trên toàn cầu, đặc biệt là tại các thị trường mới nổi và cận biên, trong đó Việt Nam cũng không ngoại lệ.
Vẫn còn nhiều động lực cho thị trường chứng khoán những tháng cuối năm
Dự báo về thị trường chứng khoán trong thời gian tới, chuyên gia Chứng khoán Bảo Việt cho rằng, trong ngắn hạn, thị trường vẫn đang phản ánh việc mặt bằng lãi suất tăng cũng như lo ngại sự ảnh hưởng của thị trường thế giới.
Tuy nhiên, bức tranh kinh tế vĩ mô tích cực trong nước duy trì được tốc độ tăng trưởng cao, lạm phát vẫn được kiểm soát; lợi nhuận quý III/2022 của nhiều doanh nghiệp niêm yết được kỳ vọng tăng mạnh so với cùng kỳ năm 2021 sẽ là những yếu tố hỗ trợ thị trường. Dư địa giảm của thị trường không còn quá nhiều. VN-Index sau khi xuống dưới vùng đáy cũ 1.140 điểm sẽ có sự cân bằng và hồi phục dần trở lại vào nửa cuối quý IV/2022.
Trong khi đó, chuyên gia Chứng khoán VNDIRECT duy trì quan điểm thận trọng nhưng không bi quan đối với triển vọng của thị trường chứng khoán Việt Nam trong những tháng cuối năm 2022. Việc thận trọng giai đoạn này là cần thiết trong bối cảnh Fed tiếp tục duy trì chính sách tiền tệ thắt chặt, nâng lãi suất điều hành để kiềm chế lạm phát. Mặt bằng lãi suất tăng có thể khiến lợi nhuận của doanh nghiệp tăng trưởng chậm lại, đồng thời, làm gia tăng chi phí cơ hội.
Nhà đầu tư sẽ tiếp tục duy trì sự thận trọng đối với các lĩnh vực rủi ro cao như chứng khoán, bất động sản. Do đó, khó có thể kỳ vọng vào một sự bứt phá của dòng tiền trên thị trường chứng khoán trong những tháng cuối năm.
Đây là mức định giá thấp nhất trong nhiều năm và gần tương đương với đáy giai đoạn Covid-19 hoành hành. Vì vậy, dư địa giảm cũng không còn nhiều, trừ khi xuất hiện những cú sốc lớn trên thị trường tài chính toàn cầu như khủng hoảng kinh tế.
Chuyên gia VNDirect nhận định, chỉ số VN-Index dao động trong vùng 1.165-1.350 điểm trong những tháng cuối năm. Những nhịp điều chỉnh sâu của thị trường sẽ mở ra cơ hội tích lũy cổ phiếu giá rẻ cho nhà đầu tư. Hiện nay, mặt bằng giá rất thấp, có cơ sở để thấy tích lũy tài sản lúc này là thích hợp.
Từ góc độ nhà quản lý quỹ, ông Petri Deryng, nhà sáng lập và quản lý PYN Eltie Fund mới đây đã có chia sẻ rằng, chứng khoán Việt Nam vốn đã quá rẻ nhưng tất nhiên vẫn có thể giảm thêm do tâm lý toàn cầu yếu, khi định giá trên các thị trường chứng khoán lớn cố gắng điều chỉnh theo lãi suất tăng nhanh và triển vọng tăng trưởng thu nhập bị cắt giảm do suy thoái kinh tế gây ra.
Tuy nhiên, theo dự báo của PYN Elite Fund, kinh tế Việt Nam có thể đạt mức tăng trưởng 7,5% trong năm nay và lợi nhuận của các công ty niêm yết có thể tăng 25%. Nền kinh tế ổn định và triển vọng thu nhập bền vững của Việt Nam sẽ thúc đẩy thị trường chứng khoán nhanh chóng tăng trở lại, một khi bất ổn lắng xuống - Petri Deryng nhấn mạnh, "khi bão qua đi, trời sẽ lại bừng sáng".
Nhà quản lý quỹ khuyên nhà đầu tư nên lựa chọn danh mục một cách thận trọng với đầy đủ các cổ phiếu được mua ở mức định giá thấp.