Chuyện gì xảy ra khi Mỹ vỡ nợ?

NỢ CÔNG MỸ
16:00 - 16/05/2023
Trụ sở Bộ Tài chính Mỹ tại Washington DC. Ảnh: Reuters
Trụ sở Bộ Tài chính Mỹ tại Washington DC. Ảnh: Reuters
0:00 / 0:00
0:00
Kể từ khi đạt giới hạn vay ngày 19/1, Bộ Tài chính Mỹ đã phải áp dụng nhiều biện pháp đặc biệt. Tuy nhiên, nếu việc đàm phán nâng trần nợ không thành công, chính phủ nước này có khả năng cao sẽ vỡ nợ và gây ra hậu quả kinh tế khó lường.

Trong một bức thư gửi Chủ tịch Hạ viện Mỹ Kevin McCarthy ngày 1/5, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen cho biết thời điểm chính xác mà cơ quan này cạn kiệt khả năng thanh toán nợ đúng hạn và đầy đủ, hay ngày X, vẫn chưa rõ do số tiền chính phủ liên bang thu được và chi tiêu là khác nhau.

Tuy nhiên, theo Al Jazeera trích dẫn ông Bernard Yaros, trợ lý giám đốc tại Moody's Analytics, các lo ngại bắt đầu gia tăng khi doanh thu thuế của chính phủ thấp hơn dự tính, đẩy thời điểm ngày X lên sớm nhất là 1/6 so với các dự đoán trước đó vào giữa tháng 8.

Để có thể tránh vỡ nợ gây ra tác động tiêu cực tới nền kinh tế của không chỉ nước này, Quốc hội Mỹ sẽ phải dỡ bỏ trần nợ. Tuy nhiên, việc này đang vấp phải sự phản đối từ đảng Cộng hòa do những nhà lập pháp đảng này yêu cầu điều kiện cắt giảm chi tiêu đi kèm với việc nâng trần nợ.

Tới 16/5, ngay trước cuộc họp với các lãnh đạo bao gồm lãnh đạo Đa số Thượng viện Chuck Schumer, lãnh đạo Thiểu số Thượng viện Mỹ Mitch McConell và lãnh đạo Thiểu số Hạ viện Mỹ Hakeem Jeffries, Chủ tịch Hạ viện Mỹ Kevin McCarthy vẫn cho biết ông không nhận thấy dấu hiệu tiến triển đáng kể. Trả lời các phóng viên, ông chia sẻ: “Tôi không thấy bất kỳ tiến triển nào và nó khiến tôi cảm thấy quan ngại về thời gian biểu của chúng ta”.

Chủ tịch Hạ viện Mỹ Kevin McCarthy trả lời phóng viên trước khu vực Cánh Tây của Nhà Trắng sau cuộc đàm phán nâng trần nợ với Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 9/5. Ảnh: Reuters

Chủ tịch Hạ viện Mỹ Kevin McCarthy trả lời phóng viên trước khu vực Cánh Tây của Nhà Trắng sau cuộc đàm phán nâng trần nợ với Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 9/5. Ảnh: Reuters

Kịch bản xấu nhất

Dù chính phủ Mỹ chưa thể thống nhất được điều khoản đàm phán nâng trần nợ công 31.400 tỷ USD, có một điều mà cả hai đảng Cộng hòa và Dân chủ đều đồng ý chính là việc vỡ nợ sẽ sẽ là "một kịch bản thảm khốc".

Bloomberg trích dẫn ông Beth Hammack, đồng giám đốc nhóm tài chính toàn cầu tại Goldman Sachs, nhận định nền kinh tế sẽ phải chịu tác động lan rộng nếu việc vỡ nợ xảy ra. Ông Yaros cũng đưa ra nhận định rất có khả năng việc này có thể kéo theo một cuộc suy thoái tương tự như cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008.

Trong kịch bản này, chính phủ liên bang sẽ buộc phải ngay lập tức cắt giảm chi tiêu, khiến các doanh nghiệp được chính phủ tài trợ không nhận được số tiền cần thiết. Nó cũng ảnh hưởng trực tiếp tới trợ cấp an sinh xã hội cho 60 triệu người dân cùng các thành phố thuộc khu vực công hoặc trung tâm hỗ trợ nhà ở và bệnh viện.

Al Jazeera trích dẫn ông Lawrence J White, giáo sư kinh tế tại Trường Kinh doanh Stern thuộc Đại học New York cho biết, thị trường tài chính cũng sẽ rơi vào tình trạng hỗn loạn trong khi sức mạnh của đồng USD suy giảm. Nếu tình trạng bế tắc kéo dài, ông cho biết lãi suất sẽ tăng cao, khiến mọi người không thể vay hay đầu tư. Đối với các hộ gia đình vốn đã phải đối mặt với chi phí thế chấp cao, lãi suất thậm chí có thể tăng vọt qua 8% theo dự đoán của nhà kinh tế cấp cao Jeff Tucker.

Ở một diễn biến khác, kể cả khi chính phủ Mỹ không vỡ nợ, nước này vẫn sẽ chịu một số hệ quả từ việc bị các công ty xếp hạng trái phiếu hạ cấp.

Bloomberg trích dẫn ông Jim Millstein, người từng là giám đốc tái cơ cấu tại Bộ Tài chính sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, cho biết trong những năm gần đây, đã có một làn sóng dịch chuyển vào các quỹ thị trường tiền tệ - một loại quỹ đầu tư tập trung vào việc mua bán các loại tiền tệ trên thị trường ngoại hối. Nguyên nhân là do chúng mang lại lợi tức cao hơn hầu hết các tài khoản tiết kiệm ngân hàng lớn.

Tuy nhiên nếu bị hạ cấp, “các quỹ thị trường tiền tệ có thể phải bán ra những trái phiếu không được xếp hạng như những gì họ đã nói với các nhà đầu tư của mình”. Ngoài ra, thị trường vốn trị giá 50.000 tỷ USD của Mỹ cũng có khả năng bị tổn thương do liên quan tới khoản cho vay qua đêm thông qua các ngân hàng và thị trường tài chính sử dụng trái phiếu kho bạc làm tài sản thế chấp chính.

Thêm vào đó, các công ty có xếp hạng tín dụng AAA không thể được xếp hạng an toàn hơn quốc gia mà họ đặt trụ sở. Điều này đồng nghĩa với việc các công ty này có thể phải đối mặt với việc bị hạ cấp và chịu chi phí vay cao hơn.

Nền tảng của toàn bộ vấn đề là thâm hụt ngân sách của Mỹ ngày càng tăng trong khi lãi suất tăng khiến việc vay mượn của nước này trở nên đắt đỏ hơn nhiều. Trong bối cảnh đó, ông Millstein cho biết việc vỡ nợ hoặc hạ cấp sẽ càng làm tăng lãi suất nhiều hơn, đặt chi phí hàng năm gắn liền với các khoản thanh toán lãi trở thành một trong những chi phí cao nhất đối với Mỹ, thậm chí còn vượt quá chi tiêu quốc phòng.

Tin liên quan

Đọc tiếp

Tổng thống Venezuela Nicolás Maduro. Ảnh: AP

Venezuela đóng cửa Đại sứ quán tại Ecuador

Ngày 16/4, Tổng thống Venezuela Nicolás Maduro trong cuộc họp với các nhà lãnh đạo Cộng đồng các quốc gia Mỹ Latin và Caribbean (CELAC) đã ra lệnh đóng cửa Đại sứ quán tại Ecuador nhằm thể hiện sự đoàn kết với Mexico trong cuộc đối đầu ngoại giao với Ecuador.