Hiện Algeria đã ký 58 Hiệp định thương mại song phương và có 3 FTA với Liên minh châu Âu, với Liên đoàn Arab và với các nước châu Phi. Tuy nhiên, quốc gia rộng nhất châu lục đen này hiện vẫn nhưng chưa gia nhập WTO và không có hiệp định thương mại với Việt Nam.
Tại phiên tư vấn xuất khẩu sang thị trường Algeria hôm qua, Tham tán thương mại Việt Nam tại Algeria Hoàng Đức Nhuận cho biết, thị trường nước này vẫn còn nhiều tiềm năng khai thác so với quy mô xuất nhập khẩu đang rất khiêm tốn giữa hai nước. Trong cán cân thương mại song phương, Việt Nam xuất siêu gần như tuyệt đối. Giai đoạn 2015-2017, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Algeria được đánh giá vẫn có đà tăng trưởng mạnh mẽ.
Nhưng khoảng 2 năm trở lại đây, do tác động của các chính sách giới hạn lượng hàng hóa nhập khẩu và ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, kim ngạch xuất khẩu sang thị trường này đã có sự sụt giảm xuống còn 153 triệu USD năm 2021. Ở chiều ngược lại, kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam từ Algeria không nhiều, dao động trong mức 3-5 triệu USD, với mặt hàng nhập khẩu chủ yếu là dầu mỏ.
Sang quý I/2022, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Algeria đạt gần 31 triệu USD, tăng nhẹ so với cùng kỳ năm trước. Với các sản phẩm chủ lực là nông sản như hàng thủy sản, cà phê, hạt tiêu và các sản phẩm khác như kim loại, hóa chất đều có sự tăng trưởng. Đặc biệt là các mặt hàng nông sản, thủy sản bởi Algeria hầu như không tự sản xuất được nhiều lương thực.
Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất khi đầu tư vào thị trường này đó là các loại thuế cao, theo đó, hàng nhập khẩu phải chịu ít nhất 3 loại thuế gồm thuế nhập khẩu trung bình là 30%, thuế VAT là 19%, thuế đoàn kết 2%.
Nhằm bảo hộ ngành sản xuất trong nước, đối với các mặt hàng nhập khẩu mà Algeria tự sản xuất được, thì thuế tiêu thụ được áp dụng với các mặt hàng này sẽ rất cao, từ 30-200% tùy từng loại mặt hàng. Đồng thời Algeria cũng có chính sách khuyến khích nhập khẩu hàng nguyên liệu về chế biến nên thuế áp cho hàng nguyên liệu sẽ thấp hơn thuế cho sản phẩm thành phẩm.
Việc thanh toán với đối tác tại quốc gia này cũng có nhiều điểm khác biệt. Luật pháp đất nước này không cho phép doanh nghiệp đặt cọc trước và chuyển ngoại tệ ra khỏi đất nước. Nhằm đảm bảo quyền lợi doanh nghiệp nước sở tại, Algeria quy định sau khi hàng rời cảng bên bán khảng 40-45 ngày thì bên mua phía Algeria mới được thanh toán. Điều này khiến cho nhiều doanh nghiệp Việt, đặc biệt là các doanh nghiệp mới tham gia xuất khẩu e ngại.
Tuy nhiên, ông Hoàng Đức Nhuận cho biết, các doanh nghiệp nên đàm phán với các đối tác Algeria để tìm phương thức giao dịch phù hợp và nên thanh toán theo phương thức L/C (Thư tín dụng).
Cơ hội đầu tư trực tiếp vào Algeria
Nhằm cải cách, phát triển đa dạng hóa nền kinh tế, thoát khỏi sự lệ thuộc vào dầu mỏ và khí đốt, những năm gần đây, Algeria đưa ra các chính sách nhằm hạn chế nhập khẩu, tăng cường thu hút các doanh nghiệp nước ngoài tới đầu tư. Giai đoạn 2006-2010, nhờ nền kinh tế chính trị ổn định, nước này thu hút nhiều vốn đầu tư. Tuy nhiên, thời gian gần đây, Algeria chứng kến sự sụt giảm rõ rệt từ các nhà đầu tư EU, và ngược lại là mối quan tâm ngày một tăng của các nhà đầu tư vùng Vịnh.
Theo báo cáo của UNCTAD, nguồn vốn FDI vào Algeria năm 2020 đã giảm 19%, chỉ đạt 1,1 tỷ USD. Lũy kế đến năm 2020, tổng số vốn FDI vào Algeria đạt 33,1 tỷ USD, trong khi con số này tính đến năm 2010 là 19,5 tỷ USD và cuối năm 2000 mới chỉ đạt 3,4 tỷ USD. Tốc độ tăng trưởng nguồn vốn FDI vào quốc gia này đang sụt giảm đáng kể, do giảm các khoản đầu tư trong lĩnh vực dầu khí.
Trước đây, các quốc gia đầu tư chính vào Algeria là các nước trong khối EU, dẫn đầu là Pháp. Tuy nhiên, những năm gần đây, vị trí nhà đầu tư số 1 vào Algeria của Pháp đã bị vượt qua bởi Trung Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ.
Ngoài ra, nhằm tăng cường thi hút FDI, Chính phủ Algeria đã dưa nhiều quyết định tạo điều kiện đầu tư cho các doanh nghiệp nước ngoài như các chính sách ưu đãi trong giai đoạn đầu triển khai dự án, chính sách miễn các loại thuế như thuế VAT đối với mặt hàng dịch vụ, thuế đất, thuế thu nhập doanh nghiệp…
Hiện nay, Việt Nam có một dự án thăm dò, khai thác dầu khí tại mỏ Bir Seba do Tổng Công ty thăm dò và khai thác dầu khí Việt Nam (PVEP) liên doanh cùng các đối tác là Công ty Dầu khí quốc gia Algeria (SONATRACH) và Công Ty Thăm dò Khai thác dầu khí Thái Lan (PTTEP). Liên doanh này đã đi vào hoạt động năm 2015, sau 12 năm thực hiện (từ năm 2003) với công suất 18.000 thùng dầu/ngày.
Ngoài ra, còn có 2 doanh nghiệp liên doanh với doanh nghiệp tại Algeria thành lập 2 công ty nhỏ nhập hàng thủ công và quần áo từ Việt Nam sang bán. Tuy nhiên, do người dân Algeria vẫn còn quen dùng hàng nội địa và do dịch bệnh Covid-19 nên đến nay, doanh thu không được nhiều. Mới đây, một doanh nghiệp Việt đang có kế hoạch đầu tư nhà máy chế biến thực phẩm tại Algeria.
Hiện Algeria cũng đang có chính sách thu hút đầu tư ngành công nghiệp nuôi trồng và chế biến thực phẩm do những mặt hàng này Algeria chưa sản xuất được nhiều. Quốc gia này khuyến khích các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư hoặc liên doanh xây dựng các cơ sở chế biến thực phẩm, đặc biệt là chế biến hạt tiêu, hạt điều, cà phê. Theo đó, các công ty liên doanh sẽ nhập khẩu nguyên liệu thô từ Việt Nam và chế biến thành sản phẩm tại Algeria và chia sẻ kinh nghiệp chế biến cho các doanh nghiệp bản địa.
Algeria cũng đang mở cửa cho các doanh nghiệp có vốn 100% nước ngoài đầu tư vào nước này, mà không cần thành lập liên doanh với doanh nghiệp trong nước. Đây cũng là một trong những chính sách thu hút đầu tư nước ngoài của Algeria. Bên cạnh đó, để đầu tư vào Algeria doanh nghiệp cũng cần lưu ý về tác phong làm việc của người lao động tại đây. Người lao động Algeria có khá nhiều ngày nghỉ lễ, và là quốc gia theo đạo Hồi nên mỗi ngày, người dân sẽ có 5 lần cầu nguyện.