Thị trường chứng khoán Việt Nam đã có tuần giảm sâu với gần như tất cả các nhóm ngành lớn đều bị bán mạnh, như ngân hàng, chứng khoán, thép... Chỉ một vài nhóm ngành nổi lên và thu hút dòng tiền giữa cơn bão là điện và nước. Kết thúc tuần giao dịch, VN-Index giảm 66,78 điểm (-5,2%), xuống 1.217,3 điểm. HNX-Index giảm 26,38 điểm (-8,61%), xuống 280,06 điểm.
Đáng chú ý, theo đà giảm của thị trường, giá cổ phiếu HPG của CTCP Tập đoàn Hòa Phát cũng liên tục đi xuống. Cụ thể, kết phiên giao dịch ngày 17/6, cổ phiếu HPG bất ngờ giảm thêm tới 5,54 %, xuống mức 22.150 đồng/cổ phiếu. Theo đó, nếu tính từ mức đỉnh 52.500 đồng/cổ phiếu thiết lập ngày 7/3, đến nay thị giá HPG đã giảm hơn 57%.
Giá cổ phiếu HPG của Hòa Phát giảm mạnh 5,54%, xuống mức 22.150 đồng/cổ phiếu. |
Tốc độ tụt dốc của giá cổ phiếu Hòa Phát thời gian qua cũng khiến nhiều cá nhân, tổ chức lao đao. Đơn cử như quỹ Vietnam Enterprise Investment Limited (VEIL) vừa thông báo đã bán ròng hơn 34 triệu cổ phiếu HPG trong 3 tháng qua. Hiện giá trị khoản đầu tư của VEIL tại Hòa Phát đã giảm 155,7 triệu USD, tương đương hơn 3.580 tỷ đồng.
Đặc biệt, việc cổ phiếu HPG tiếp tục lao dốc trong tuần qua khiến cho tài sản của ông chủ Hòa Phát "bốc hơi" mạnh. Hiện tỷ phú Trần Đình Long đang sở hữu hơn 1,16 tỷ cổ phiếu HPG. Ở thời điểm kết thúc phiên giao dịch 17/6, khối tài sản này trị giá khoảng 1,5 tỷ USD, giảm 1,7 tỷ USD, tương đương hơn 53% so với thời điểm tháng 3 (3,2 tỷ USD). Theo đó, đại gia ngành thép là người chứng kiến giá trị khối tài sản ròng “bốc hơi” nhiều nhất so với các tỷ phú Việt khác.
Theo nhận định của các chuyên gia, HPG là một cổ phiếu chu kỳ. P/E hiện tại đang là 4,33 - ở vùng đáy của nhiều năm trở lại đây. Dẫu vậy, không thể đánh giá với mức P/E thấp như vậy thì HPG thực sự hấp dẫn được. Với 1 cổ phiếu chu kỳ như HPG. P/E thấp có thể cho thấy rằng doanh nghiệp vừa mới bước qua thời kỳ đỉnh cao nhất để đi vào suy giảm.
Thực tế, nhà đầu tư HPG đã rất thành công trong năm 2020 – 2021 khi giá cổ phiếu tăng bằng lần ấn tượng. Thời kỳ đỉnh cao đó gắn liền với kết quả kinh doanh đầy khả quan của doanh nghiệp khi doanh thu và lợi nhuận bùng nổ mạnh nhờ Nhà máy Dung Quất 1 đi vào hoạt động và sự tăng trưởng mạnh mẽ của giá thép xây dựng.
Tuy nhiên, sau giai đoạn bùng nổ mạnh mẽ cùng với siêu chu kỳ hàng hoá thì hiện tại nhóm ngành thép trong đó có HPG lại khiến nhiều nhà đầu tư thất vọng. Nguyên nhân đến từ xung đột Nga - Ukraine làm nguyên liệu tăng sốc cùng chính sách Zero Covid của Trung Quốc - thị trường chiếm 60% nhu cầu tiêu thụ thép thế giới gây nhiều khó khăn cho ngành thép.
Chia sẻ tại Đại hội đồng cổ đông tổ chức mới đây, Chủ tịch HĐQT Hòa Phát cũng thẳng thắn nhìn nhận, hoạt động kinh doanh năm 2022 của doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn và sẽ phản ánh trong 3 quý tới. "Đợi hai tháng nữa sẽ có kết quả kinh doanh quý II, cổ đông sẽ thấy tình hình thê thảm thế nào”, ông Trần Đình Long nói.
Đây sẽ là áp lực rất lớn với giá cổ phiếu của ngành thép thời gian tới.
Đánh giá về triển vọng xuất khẩu thép
Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho rằng mức xuất khẩu cao của năm 2022 sẽ khó lặp lại. Điều này là do các đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu, kết hợp với nhu cầu hàng không thiết yếu suy giảm do lạm phát kỷ lục tại châu Âu; cạnh tranh tại Mỹ gia tăng do nước này đã nới lỏng chính sách thuế quan với thép Nhật; và châu Âu và Nga đặt mục tiêu xuất khẩu nhiều hơn sang Đông Nam Á.
Về phía Chứng khoán BSC, dù nhận định trung lập nhưng công ty này cũng đánh giá biên lợi nhuận ngành thép sẽ suy giảm do giá bán thép bình quân năm 2022 giảm khi cạnh tranh trong ngành gia tăng. Công ty chứng khoán này dự phóng LNST của HPG sẽ giảm nhẹ 3,1% xuống 36.375 tỷ đồng.