Cẩm nang Công nghệ sản xuất điện và Lưu trữ điện năng Việt Nam 2023 là phiên bản cập nhật lần thứ 3 được bổ sung một số nội dung như: công nghệ sản xuất điện hạt nhân (lò quy mô lớn, lò quy mô nhỏ dạng module), dữ liệu một số công nghệ phát điện (đồng đốt trực tiếp sinh khối trong nhà máy nhiệt điện than, đồng đốt amoniac trong nhà máy nhiệt điện than, đồng đốt hydro trong nhà máy tuabin khí, kéo dài tuổi thọ nhiệt điện than).
Bổ sung và cập nhật các công nghệ lưu trữ điện năng như pin dòng oxi hóa khử Vanadium, lưu trữ hydrogen, lưu trữ năng lượng khí nén, bánh đà...
Bên cạnh đó, các ấn phẩm cũng cập nhật phần lưu trữ carbon trong thu hồi và lưu trữ carbon CCS, cập nhật khái niệm điện gió gần bờ/ xa bờ, các chi phí đầu tư thủy điện nhỏ và điện mặt trời mặt đất...
Tài liệu cung cấp dữ liệu mới nhất, có độ tin cậy cao về các công nghệ phát điện và lưu trữ điện năng nhằm phục vụ công tác mô hình hóa dài hạn và phân tích hệ thống điện, năng lượng, tạo cơ sở xây dựng hiệu quả các chính sách năng lượng cho Việt Nam. Các phiên bản được giới thiệu trước đó vào năm 2019 và 2021 đã nhận được sự đánh giá cao.
Lễ công bố các ấn phẩm cẩm nang được tổ chức trực tuyến với sự điều phối của Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) và Cục Năng lượng Đan Mạch. Ảnh: DEPP3 |
Đây là kết quả của Chương trình Hợp tác Đối tác tăng lượng Việt Nam - Đan Mạch giai đoạn 2020 - 2025 (Chương trình DEPP3), hỗ trợ cung cấp dữ liệu đầu vào quan trọng phục vụ xây dựng Báo cáo Triển vọng Năng lượng Việt Nam 2023, dự kiến công bố vào Quý I năm 2024.
Các ấn phẩm này cũng được kỳ vọng trở thành công cụ đắc lực trong việc lập, triển khai thực hiện các quy hoạch năng lượng và quy hoạch điện như Quy hoạch điện VIII, Quy hoạch tổng thể phát triển năng lượng quốc gia, các quy hoạch có liên quan khác nhằm đảm bảo an ninh năng lượng và phát triển bền vững.
Ông Phạm Nguyên Hùng - Phó Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, Bộ Công Thương phát biểu tại sự kiện. Ảnh: DEPP3 |
Ông Phạm Nguyên Hùng, Phó Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) cho biết, Việt Nam đã đưa ra cam kết đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 thể hiện quyết tâm của Chính phủ trong việc chuyển dịch từ nguồn năng lượng hóa thạch truyền thống sang các nguồn năng lượng xanh, sạch, giảm phát thải khí nhà kính và chống biến đổi khí hậu.
Theo đại diện của Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, dự báo nhu cầu năng lượng và nhu cầu điện trong những năm tới sẽ tiếp tục tăng nhanh. Trong bối cảnh đó, sự hỗ trợ của Chính phủ Đan Mạch, Cục Năng lượng Đan Mạch và Đại sứ quán Đan Mạch thông qua Chương trình DEPP3 là rất cần thiết.
Chương trình Hợp tác đối tác Năng lượng Việt Nam - Đan Mạch giai đoạn 2020-2025 (DEPP3) là dự án hỗ trợ kỹ thuật do Chính phủ Đan Mạch tài trợ. Bộ Công Thương là cơ quan chủ quản.
Mục tiêu của chương trình nhằm hỗ trợ Việt Nam xây dựng lộ trình phát triển carbon thấp cho ngành năng lượng phù hợp với cam kết NDC (Đóng góp do quốc gia tự quyết định), nâng cao mục tiêu NDC và tăng cường các giải pháp liên quan vào năm 2025.
Hoạt động này thuộc Hợp phần 1 - Nâng cao năng lực về quy hoạch dài hạn ngành năng lượng, do Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo - Bộ Công Thương chủ trì thực hiện.