Covid-19 là ‘cái may trong cái rủi’ với doanh nghiệp vừa và nhỏ ASEAN

số hóa asean
11:41 - 26/02/2022
0:00 / 0:00
0:00
Đại dịch đang ảnh hưởng tiêu cực tới các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSME) - lực lượng chính đóng góp cho GDP của các nền kinh tế Đông Nam Á. Tuy nhiên, chính Covid-19 cũng đem tới "một cái may trong những cái rủi" là trở thành động lực thúc đẩy số hóa.

Tại hội thảo trực tuyến “Đổi mới và nâng cao tính cạnh tranh của các doanh nghiệp MSME Châu Á” do Viện Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADBI), Đại học Tokyo và Quỹ Quốc tế Toshiba tổ chức, nhiều chuyên gia phân tích rõ những trở ngại mà các nước ASEAN như Việt Nam và Indonesia, cùng các quốc gia Châu Á khác gặp phải trong quá trình số hóa các doanh nghiệp MSME.

Trong khi đó, các doanh nghiệp MSME lại đang đóng vai trò quan trọng đối với các nền kinh tế trên thế giới và đặc biệt là tại các quốc gia ASEAN. Theo Bộ trưởng Truyền thông và Tin học Indonesia Johnny G.Plate, doanh nghiệp MSME đóng góp 56% vào GDP quốc gia này trong năm 2010 và hiện tỷ lệ đã được nâng lên lên 61%. Các doanh nghiệp này cũng sử dụng tới 75% lực lượng lao động toàn quốc và là nguồn lực trọng yếu đối với việc phục hồi kinh tế hậu Covid-19.

Còn theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam, các doanh nghiệp vừa và nhỏ chiếm tới 98% tổng số doanh nghiệp trên cả nước Việt Nam, đóng góp 45% vào GDP quốc gia và 31% vào tổng thu ngân sách hàng năm.

Tuy nhiên do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, các doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Việt Nam đang phải chịu ảnh hưởng nặng nề. Báo cáo của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Ngân hàng Thế giới (WB) chỉ ra trong 4 tháng đầu năm 2021, Việt Nam ghi nhận 25.919 doanh nghiệp MSME đã phải tạm đóng cửa hoặc ngừng kinh doanh hoàn toàn vì đại dịch.

Trong khi đó tại Indonesia, ông Plate cho biết đã có 87,5% các doanh nghiệp MSME tại Indonesia chịu ảnh hưởng một phần hoặc phải ngừng kinh doanh do đại dịch kéo dài.

Tuy nhiên, Covid-19 không chỉ đem tới những tác động tiêu cực mà còn đem lại cả những mặt tích cực. Theo nhận định của ông Ibrahim Kholilul Rohman, chuyên gia kinh tế cấp cao tại Indonesia Financial Group, đại dịch thực ra là một “cái may trong cái rủi” khi nó đẩy mạnh quá trình ứng dụng số của các doanh nghiệp MSME tại Indonesia.

Ngoài các doanh nghiệp chịu thiệt hại như đã nêu, ông Plate cũng cho biết có khoảng 12,5% MSME trên thực tế không chịu ảnh hưởng bởi Covid-19 và có tới 20,6% chứng kiến sự tăng trưởng trong doanh thu bán hàng nhờ sử dụng công nghệ và đặc biệt là các nền tảng thương mại điện tử trong thời gian đại dịch hoành hành.

Ông Nguyễn Ánh Dương, Trưởng Ban Kinh tế Tổng hợp, Viện Nghiên cứu quản lý Kinh tế Trung ương Việt Nam. Ảnh: NDH

Ông Nguyễn Ánh Dương, Trưởng Ban Kinh tế Tổng hợp, Viện Nghiên cứu quản lý Kinh tế Trung ương Việt Nam. Ảnh: NDH

Ông Nguyễn Ánh Dương, Trưởng Ban Kinh tế Tổng hợp thuộc Viện Nghiên cứu quản lý Kinh tế Trung ương Việt Nam (CIEM) cũng có chung ý kiến này về tình hình tại Việt Nam. Ông chia sẻ: “Chỉ tới năm 2020 khi đại dịch xảy ra tại Việt Nam thì các doanh nghiệp và cả chính phủ mới bị buộc phải nỗ lực hiện thực hóa việc chuyển đổi số”.

Trong những tháng đầu năm 2020, công tác chuyển đổi số vẫn diễn ra vô cùng chậm chạp, do các doanh nghiệp vẫn cho rằng đại dịch Covid-19 chỉ là tạm thời và mọi việc sẽ trở lại bình thường nếu mọi người cố chịu đựng sự gián đoạn trong một khoảng thời gian ngắn.

Tuy nhiên, tới cuối năm 2020, các doanh nghiệp dần nhận ra rằng điều này sẽ không thành sự thật và do đó cụm từ “hệ sinh thái số” ngày càng trở nên phổ biến. Vai trò của chuyển đổi số và số hóa cũng dần được nhấn mạnh.

Theo đó, ông Dương cho biết: “Các chính sách nhằm phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật số và hệ sinh thái kỹ thuật số đã được xây dựng một cách cụ thể hơn”. So với năm 2017 khi Hội nghị cấp cao Apec được tổ chức tại Việt Nam và nền kinh tế Internet mới dừng lại ở ngưỡng “nhận thức được tầm quan trọng”, hiện nay Việt Nam đã đạt được nhiều tiến bộ.

Cụ thể, Việt Nam đã thiết lập nhiều quan hệ đối tác trong lĩnh vực kinh tế Internet với các nước trong cùng khu vực như Singapore và ngoài khu vực như New Zealand và Chile. Chính phủ cũng theo dõi sát các xu hướng chuyển đổi số trên toàn thế giới, nỗ lực ứng dụng công nghệ trong việc xây dựng các hệ thống thanh toán điện tử cũng như thúc đẩy sự chuyển giao của luồng dữ liệu xuyên biên giới.

Dù vẫn còn nhiều hạn chế trong cơ sở vật chất, trong tốc độ Internet tại Việt Nam cũng như trong công tác phổ cập Internet và thiết lập mức giá cả thân thiện tại Indonesia, chính phủ các nước ASEAN vẫn đang nỗ lực cải thiện tình hình. Song song với việc khuyến khích đầu tư từ khu vực tư nhân cho các doanh nghiệp MSME, việc xây dựng khung pháp lý nhằm tối đa hóa sự ủng hộ từ chính phủ cũng như bảo vệ dữ liệu và quyền riêng tư của người dùng cũng đóng vai trò thiết yếu.

Đặc biệt, theo các chuyên gia tại hội thảo trên, điều quan trọng hiện nay là việc thay đổi nhận thức của chủ các doanh nghiệp vừa và nhỏ về tầm quan trọng của số hóa, cũng như các ích lợi của chuyển đổi công nghệ thông tin trong việc cải thiện doanh thu cần được đẩy mạnh hơn nữa và coi như trọng tâm trong bối cảnh đại dịch còn kéo dài.

Đọc tiếp

Giám đốc điều hành TikTok Chew Shou Zi. Ảnh: Getty Images

CEO TikTok: 'Chúng tôi sẽ không đi đâu cả'

Ngày 24/4, Giám đốc điều hành TikTok Chew Shou Zi khẳng định công ty sẽ chiến thắng được thách thức pháp lý và ngăn chặn dự luật cấm ứng dụng video ngắn phổ biến này tại thị trường Mỹ - nơi TikTok đang sở hữu hơn 170 triệu người dùng.
Những người sáng tạo nội dung TikTok tập trung tại Đồi Capitol, ngày 12/3. Ảnh: Yahoo News

Mỹ tiến gần hơn tới lệnh cấm Tiktok

Thượng viện Mỹ ngày 23/4 (giờ địa phương) đã thông qua dự luật yêu cầu ứng dụng truyền thông mạng xã hội Tiktok phải thoái vốn khỏi công ty mẹ ByteDance ở Trung Quốc, hoặc sẽ bị cấm ở thị trường Mỹ.