'Cú tất tay' khu đô thị Long Tân Đồng Nai của DIC Corp

DIG DIC Corp
15:22 - 13/10/2022
0:00 / 0:00
0:00
Quá tam ba bận, DIC Corp cuối cùng cũng đã thông qua được phương án phát hành 100 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu sau 2 lần thay đổi kế hoạch để góp vốn vào dự án Khu đô thị Long Tân - Đồng Nai.
Tổng giám đốc Hoàng Văn Tăng, Chủ tịch HĐQT Nguyễn Thiện Tuấn và Phó Chủ tịch HĐQT Nguyễn Hùng Cường chủ trì Đại hội. Ảnh: Võ Quyền
Tổng giám đốc Hoàng Văn Tăng, Chủ tịch HĐQT Nguyễn Thiện Tuấn và Phó Chủ tịch HĐQT Nguyễn Hùng Cường chủ trì Đại hội. Ảnh: Võ Quyền

Tại Đại hội đồng cổ đông bất thường lần 2 của DIC Corp chiều 12/10 tại thành phố Vũng Tàu, các cổ đông đã thông qua kế hoạch chào bán 100 triệu cổ phiếu DIG cho cổ đông hiện hữu với giá 15.000 đồng/CP, dự kiến huy động về 1.500 tỷ đồng để đầu tư cho dự án Khu đô thị Long Tân - Đồng Nai.

Trước đó tại ĐHĐCĐ thường niên 2022 tổ chức hồi tháng 4/2022, cổ đông DIC Corp đã thông qua phương án phát hành thêm 100 triệu cổ phiếu với giá chào bán 30.000 đồng/CP. Nhưng HĐQT DIC Group sau đó thay đổi kế hoạch, dự kiến trình ra cổ đông tại ĐHĐCĐ bất thường lần 1 ngày 14/9 phương án chào bán 150 triệu cổ phiếu, giá chào bán là 20.000 đồng/CP. Kế hoạch này bị gác lại do hội nghị tổ chức bất thành.

Một quyết định quan trọng khác cũng được cổ đông DIC Corp thông qua là việc nâng tổng mức đầu tư của dự án Khu đô thị Long Tân lên gần 15.712 tỷ đồng. Ngoài ra, các cổ đông cũng thông qua tờ trình báo cáo tình hình phát hành và sử dụng vốn trái phiếu, cổ phiếu tăng vốn điều lệ. Vào cuối năm 2021, 2.500 tỷ đồng đã được DIC huy động từ 3 đợt phát hành trái phiếu để đầu tư vào dự án này.

Tất cả nghị quyết, tờ trình thông qua đều liên quan đến dự án Khu đô thị Long Tân

Tỷ lệ tán thành các tờ trình của cổ đông. Ảnh Võ Quyền

Tỷ lệ tán thành các tờ trình của cổ đông. Ảnh Võ Quyền

Khu đô thị Long Tân có diện tích khoảng 331,9 ha, thuộc địa phận xã Long Tân và Phú Trạch, huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai, được UBND tỉnh Đồng Nai và Thủ tướng Chính phủ chấp thuận phương án đầu tư vào năm 2017.

Dự án được cả cổ đông lẫn doanh nghiệp đặt kỳ vọng lớn do vị trí đắc địa. Theo lời của Chủ tịch Hội đồng Quản trị DIC Corp Nguyễn Thiện Tuấn, dự án nằm cạnh đường Vành Đai 3 đã khởi công và chỉ cách sân bay Long Thành đang chuẩn bị xây dựng vài chục phút di chuyển.

Ông Tuấn cũng chia sẻ với cổ đông về tiến độ thực hiện dự án, về công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, hiện lũy kế thực hiện đạt 156,15ha/331ha với tổng kinh phí hơn 1.324 tỷ đồng. Dự kiến đầu năm 2023 sẽ được giao đất đợt 1 khoảng 82,11ha, đủ điều kiện khởi công xây dựng.

Trong quá trình triển khai thực hiện, vì có nhiều biến động về giá đất, định hướng phát triển kinh tế xã hội tại địa phương… chi phí thực tế thực hiện dự án tăng cao hơn dự kiến ban đầu. Do đó, các cổ đông tại ĐHĐCĐ bất thường ngày 12/10 đã thông qua việc tăng tổng mức đầu tư sau thuế dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật Khu đô thị du lịch Long Tân thêm hơn 4.000 tỷ đồng.

Cụ thể, tổng mức đầu tư của dự án tăng từ 12.618 tỷ đồng lên gần 15.712 tỷ đồng. Trong đó, công ty dự kiến sử dụng 5.477 tỷ đồng vốn huy động ngân hàng, phát hành trái phiếu và 9.540 tỷ đồng vốn tự có của doanh nghiệp cũng như huy động từ nguồn hợp pháp khác.

Chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng tăng 780 tỷ đồng; tiền sử dụng đất phải nộp tăng 1.294 tỷ đồng; chi phí thực hiện Kè chống sạt lở bờ sông tăng 473 tỷ đồng; chi phí đầu tư hạ tầng kỹ thuật do điều chỉnh theo công suất đầu tư mới nhất hơn 297 tỷ đồng.

Chủ tịch DIC Corp Nguyễn Thiện Tuấn cũng cho biết việc huy động trái phiếu, cổ phiếu nhằm làm vốn đối ứng giải phóng mặt bằng dự án Long Tân. Hiện tại, DIC Corp có hơn 2.000 tỷ gửi NH, 1.500 tỷ phát hành trái phiếu nhưng không dùng được vì phải có vốn đối ứng doanh nghiệp là 44%.

“Nếu doanh nghiệp giải ngân 4 đồng, thì ngân hàng giải sẽ ngân 6 đồng. Do đó chúng ta phải có vốn đối ứng. Ví dụ, chúng ta đang gửi tại Vietinbank trên 380 tỷ, nhưng không dùng được vì DIC Corp cũng đang vay ngân hàng này để nộp tiền sử dụng đất. Ngoài ra, DIC Corp cũng có khoản vay 990 tỷ với Agribank nhưng chưa được giải ngân”, ông Tuấn nói thêm.

Từ đó, ông nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phải phát hành thành công 1.500 tỷ đồng cổ phiếu chào bán cho cổ đông hiện hữu. Ông cho biết trong trường hợp không phát hành hết, HĐQT sẽ phân phối số cổ phiếu còn lại cho những ai có nhu cầu, ưu tiên các cổ đông hiện hữu, và sau đó là các tổ chức/cá nhân bên ngoài. "Bản thân tôi thì hy vọng cổ đông sẽ mua hết", ông Tuấn chia sẻ.

Ông Tuấn khẳng định trong 3 năm tới cổ đông sẽ được thụ hưởng lợi ích từ các dự án. Đối với dự án Long Tân - Đồng Nai, Phó Chủ tịch DIC Corp Nguyễn Hùng Cường cho biết doanh nghiệp dự kiến sẽ bắt đầu mở bán vào quý 4/2023.

Nửa năm mới đạt 10% chỉ tiêu lợi nhuận, DIC Corp lấy cơ sở đâu để hoàn thành kế hoạch kinh doanh năm 2022?

Về tình hình kinh doanh, Chủ tịch Nguyễn Thiện Tuấn khẳng định sẽ hoàn thành kế hoạch lãi trước thuế cả năm 2022 là 1.900 tỷ đồng, bất chấp các doanh nghiệp nói chung và nhóm bất động sản nói riêng đang gặp nhiều khó khăn.

Tuy vậy, theo số liệu công bố, lãi trước thuế 6 tháng đầu năm 2022 của DIC Corp mới chỉ đạt vỏn vẹn 190 tỷ đồng, tương ứng hoàn thành xấp xỉ 10% kế hoạch dù tăng hơn 63% so với cùng kỳ năm ngoái. Như vậy, công ty phải đưa về hơn 1.700 tỷ đồng lợi nhuận trong quý III và quý IV/2022 mới có thể hoàn thành kế hoạch năm.

Chia sẻ tại đại hội, Tổng giám đốc DIC Corp Hà Văn Tăng cho biết, nền kinh tế Thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng đang có diễn biến phức tạp khi mà các nước đang ưu tiên siết lạm phát. Ngành bất động sản do đó gặp nhiều thách thức. Năm 2022, DIC Corp đối diện với nhiều khó khăn trong điều hành, đặc biệt về vốn đối ứng và giải ngân. Đa phần các dự án của DIG đủ điều kiện ghi nhận doanh thu trong năm 2023, vì vậy kế hoạch cho năm sau sẽ tốt hơn.

"Mấy tháng còn lại năm 2022 công ty sẽ cố gắng đạt chỉ tiêu ĐHĐCĐ thông qua. Chúng tôi tính toán chuyển nhượng một loạt tài sản kinh doanh không hiệu quả. Khoản thu về tương đối lớn, hy vọng trong mấy tháng còn lại trong quý IV sẽ cố đạt kế hoạch đề ra", ông Tăng nói.

Tổng giám đốc DIC Corp còn cho biết, hiện tại chủ trương mở bán dự án Hậu Giang đã xong, dự kiến tuần sau mở bán tổ chức lễ bán hàng và doanh thu đợt 1 là khoảng 800 tỷ đồng. Tỷ suất sinh lợi đợt 1 phần 16,5ha này là 23-25%. Ông cũng lý giải do dự án Hậu Giang này có tiền thuê sử dụng đất đã nộp từ trước nên hiệu quả sẽ tốt.

Năm 2021 là năm đầu tiên lợi nhuận của Tập đoàn DIC vượt mốc 1.000 tỷ đồng khi lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 1.282 tỷ đồng, tăng 42,4% so với thực hiện năm 2020. Điều đặc biệt là phần lớn trong số này tới từ quý 4 với 1.044 tỷ đồng.

Doanh thu trong quý 4/2021 của công ty chủ yếu đến từ hoạt động kinh doanh bất động sản như chuyển nhượng căn hộ dự án Gatewway Vũng Tàu, chuyển nhượng căn hộ dự án CSJ, chuyển nhượng quyền sử dụng đất dự án Nam Vĩnh Yên và chuyển nhượng nhà thô dự án Hiệp Phước.

Kế hoạch cho tương lai của DIC Corp

Một trong những vấn đề được cổ đông đưa ra trong phần thảo luận của đại hội ngày 12/10 là định hướng phát triển của doanh nghiệp trong tương lai.

Trả lời cổ đông, Chủ tịch Nguyễn Thiện Tuấn cho biết trong tầm nhìn 5 – 10 năm tới, DIC Corp vẫn sẽ tập trung vào hoạt động kinh doanh bất động sản nhà ở, đất ở, đất khu công nghiệp... “Các dự án của DIC có quy mô trên dưới 10.000ha, đất bồi thường trên dưới 1.000ha, làm 50 năm nữa cũng chưa hết”, ông Tuấn tuyên bố.

Công ty TNHH Du Lịch DIC tại Thành phố Vũng Tàu. Ảnh Võ Quyền

Công ty TNHH Du Lịch DIC tại Thành phố Vũng Tàu. Ảnh Võ Quyền

Lĩnh vực thứ 2 mà DIC Corp hướng tới là du lịch do đã có kinh nghiệm đầu tư ở lĩnh vực này. “Lợi nhuận từ bất động sản sẽ đổ vào lĩnh vực du lịch, DIC Corp sẽ đầu tư các khách sạn theo tiêu chuẩn 5 sao ở các tỉnh thành suốt đất nước, ở các tỉnh hẻo lánh thì chấp nhận đầu tư khách sạn 4 sao. Thậm chí, chúng tôi còn muốn đầu tư ra nước ngoài”, ông Tuấn nói thêm.

Chia sẻ thêm về định hướng kinh doanh, Thành viên HĐQT ông Hà Văn Tăng cho biết DIC Corp chủ trương đầu tư các dự án có quy mô lớn, kết nối hạ tầng thuận lợi. Công ty sẽ đóng vai trò là chủ đầu tư cấp 1, thực hiện bồi thường, xác định nghiệp vụ tài chính, đầu tư xây dựng hạ tầng cơ bản… và mời các nhà đầu tư cấp 2 cùng DIC Corp phát triển.

Ông cũng cho biết, DIC Corp chủ trương thời gian tới sẽ đẩy mạnh thực hiện M&A các dự án địa ốc. “Thời gian qua, lãi suất cho vay tăng, cơ hội triển khai các dự án khó hơn, đặc biệt quy định mới về việc dự án sẽ bị thu hồi nếu không thể triển khai, chủ đầu tư sẽ không được bồi hoàn chi phí. Nhà đầu tư không có năng lực sẽ gặp khó khăn. Do đó, DIC Corp sẽ tập trung M&A các dự án bất động sản có quy mô, dĩ nhiên là phải đảm bảo pháp lý chuẩn mực”, ông Tăng thông tin.

Bên cạnh đó, DIC sẽ tập trung nguồn thu từ các lĩnh vực để tham gia đấu giá đất ở các tỉnh kêu gọi đầu tư. Ông Tăng đánh giá đây là cơ hội tốt để có mặt bằng và điều kiện để đẩy mạnh tiến độ thực hiện dự án, mở bán hàng. Như vậy, sẽ tránh được trường hợp như nhiều dự án chỉ còn vài chục m2 đất mà vẫn không được giao đất với lý do đất không liền mạch.

Tin liên quan

Đọc tiếp

Ông Phạm Minh Tuấn - Phó tổng giám đốc FPT.

Tập đoàn FPT 'đổi ghế' phó tổng giám đốc

Tập đoàn FPT (mã chứng khoán FPT) vừa có quyết định bổ nhiệm ông Phạm Minh Tuấn giữ vị trí Phó tổng giám đốc FPT từ ngày 13/3/2024. Ông tiếp tục kiêm nhiệm vai trò Tổng giám đốc FPT Software - công ty thành viên chủ chốt của FPT trong khối công nghệ.
Chứng khoán Tân Việt thay tổng giám đốc

Chứng khoán Tân Việt thay tổng giám đốc

Hội đồng quản trị CTCP Chứng khoán Tân Việt (TVSI) vừa thông qua việc miễn nhiệm và chấm dứt hợp đồng lao động với Tổng giám đốc Nguyễn Việt Cường và Phó tổng giám đốc Tạ Minh Phương từ ngày 28/2/2024.