The Economic Times đưa tin, Trung Quốc đang chứng kiến sự sụt giảm hàng tháng lớn nhất từ trước đến nay trong sản xuất chip vào tháng 8/2022, do các hạn chế của Covid-19 và nhu cầu người tiêu dùng thay đổi.
Số liệu thống kê từ nền tảng cơ sở dữ liệu doanh nghiệp Qichacha cho thấy, 8 tháng đầu năm nay, có tới 3.740 công ty chip điện tử Trung Quốc đã xin dừng hoạt động. Ngoài ra, sản lượng vi mạch tích hợp (IC) giảm 24,7% so với cùng kỳ năm ngoái, đánh dấu mức giảm trong tháng lớn nhất kể từ năm 1997.
Sự sụt giảm trong sản xuất chip ở Trung Quốc đang diễn ra khi Ấn Độ và Mỹ đều tăng cường nỗ lực thúc đẩy sản xuất chip theo hướng "tự cung tự cấp" tại thị trường hai nước này.
Cuộc đua công nghệ chip giữa Mỹ và Trung Quốc ngày càng nóng
Cuộc chiến tranh thương mại ngày càng căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc đã gây thiệt hại cho cả 2 quốc gia, nhưng sự tách rời giữa 2 nền kinh tế lớn nhất toàn cầu này cũng sẽ ảnh hưởng nhiều đến triển vọng tăng trưởng dài hạn của Trung Quốc.
Mới đây, theo Reuters, Mỹ đang siết chặt quy định hạn chế xuất khẩu chip sang thị trường Trung Quốc đối với công cụ chế tạo chip và các loại chất bán dẫn dùng cho lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI) vào tháng 10 tới.
Động thái này diễn ra sau thông báo của Bộ Thương mại Mỹ (DOC) hồi tháng 8 về việc cấm xuất khẩu phần mềm tự động hoá thiết kế điện tử (EDA) sang Trung Quốc, được sử dụng trong sản xuất chip thế hệ tiếp theo.
Với mục đích loại Trung Quốc khỏi hệ sinh thái công nghệ quốc tế của mình, Mỹ đã nỗ lực kêu gọi các đối tác tại khu vực là đảo Đài Loan, Hàn Quốc và Nhật Bản thành lập liên minh công nghiệp "Chip 4".
Thêm nữa, Mỹ cũng đang thúc đẩy ngành công nghiệp nội địa với việc thông qua Đạo luật Khoa học và CHIP để cung cấp 52 tỷ USD trợ cấp cho các công ty sản xuất chip trong nước. Chính phủ Mỹ đã đưa hàng chục công ty Trung Quốc vào danh sách đen hạn chế giao thương do lo ngại vấn đề an ninh quốc gia. Đồng thời, áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Tập đoàn công nghệ khổng lồ Huawei Technologies.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân phản ứng gay gắt việc Mỹ trừng phạt 59 công ty Trung Quốc. Ảnh: Theo Reuters. |
Các chuyên gia ước tính, năng suất sản xuất của Trung Quốc sẽ giảm do ngừng được chuyển giao công nghệ. Tuy nhiên, hiện Trung Quốc cũng có những tiến bộ đáng kể trong sản xuất chip điện tử. Với SMIC, nhà sản xuất chip có trụ sở tại Thượng Hải đã phát hành chip 7nm trên thị trường trong 12 tháng qua. Hiện chỉ có công ty TSMC của Đài Loan và Samsung của Hàn Quốc là thành công trong việc sản xuất chip 7nm.
Những hạn chế của Mỹ đối với xuất khẩu chất bán dẫn sang Trung Quốc đã gây ra phản ứng gay gắt từ phía Bắc Kinh (Trung Quốc). Sau những tuyên bố ngoại giao, Bắc Kinh sẽ tung ra các gói tài trợ nhằm thúc đẩy ngành sản xuất bán dẫn nội địa.
Các biện pháp kiểm soát và căng thẳng gia tăng giữa Trung Quốc và Mỹ cũng đang đè nặng lên lĩnh vực bán dẫn.
Cơ hội cho Ấn Độ?
Trong bối cảnh Mỹ và Trung Quốc diễn ra cạnh tranh thương mại gay gắt, đối với Ấn Độ thì đây là cơ hội cho quốc gia này đẩy mạnh phát triển ngành công nghiệp bán dẫn của mình.
Báo cáo “Thị trường bán dẫn Ấn Độ 2019 -2026” của Hiệp hội Điện tử & Chất bán dẫn Ấn Độ (IESA) và Counterpoint Research đánh giá, Ấn Độ sẽ trở thành thị trường lớn thứ hai trên thế giới do nhu cầu ngày càng tăng về các thành phần bán dẫn trong một số ngành công nghiệp và ứng dụng.
Chính phủ Ấn Độ cũng triển khai các chương trình ưu đãi thu hút cơ hội đầu tư từ các nhà sản xuất chip hàng đầu thế giới vào thị trường nước này.
The Economic Times đưa tin ngày 18/9, Công ty điện tử Foxconn của Đài Loan (Trung Quốc) vừa đầu tư 19 tỷ USD để sản xuất các chất bán dẫn và màn hình tại Ấn Độ. Hoạt động sản xuất có sự phối hợp với tập đoàn Vedanta và sự hỗ trợ của chính phủ Ấn Độ, nhằm tăng khả năng tự chủ công nghệ sau giai đoạn thiếu hụt vi mạch toàn cầu.
Ông Loy Hwee Chuan, Giám đốc điều hành viễn thông, truyền thông và công nghệ tại Ngân hàng DBS của Singapore cho rằng, thị trường bán dẫn tổng thể ở Ấn Độ dự kiến sẽ tăng trưởng với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) là 18,8% đạt 64 tỷ USD vào năm 2026.
Nhờ các chính sách, thúc đẩy kinh tế của chính phủ Ấn Độ như chương trình sản xuất tại Ấn Độ, 100% vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), cùng việc chi trả các khoản trợ cấp cho các doanh nghiệp, chú trọng vào doanh nghiệp nhỏ và vừa, quốc gia này đang phát triển khả năng sản xuất chất bán dẫn.