'Cuộc chiến đường phố' giữa Grab, Gojek và Be

GIÁ CƯỚC Việt nAM
18:26 - 19/03/2022
'Cuộc chiến đường phố' giữa Grab, Gojek và Be
0:00 / 0:00
0:00
Trước áp lực giá xăng dầu, hai ứng dụng gọi xe Grab và Gojek tăng phí để bảo vệ túi tiền của tài xế, trong khi đó Be lại có màn đáp trả cực gắt, thậm chí còn giảm thêm 10% chiết khấu nhằm chia sẻ khó khăn với người tiêu dùng.

Sau kỳ điều chỉnh giá bán lẻ mới nhất chiều 11/3, xăng E5 RON 92 tăng 2.908 đồng/lít, giá xăng RON 95 được điều chỉnh tăng 2.990 đồng/lít. Sau khi tăng, mức giá bán lẻ tối đa với xăng E5 RON 92 là 28.985 đồng/lít và xăng RON 95 là 29.824 đồng/lít. Giá xăng tăng cao kỷ lục đã khiến các hãng xe công nghệ và dịch vụ giao nhận hàng hóa đối mặt với việc điều chỉnh giá cước.

Grab, Gojek tăng cước phí

Grab là đơn vị mở màn cho đợt tăng giá cước phí để hỗ trợ đối tác tài xế bù đắp chi phí này. Ngày 6/3, Grab Việt Nam ra thông báo cho hay công ty sẽ tiến hành điều chỉnh giá cước các dịch vụ của mình, bắt đầu áp dụng từ 10/3.

Cụ thể, giá cước dịch vụ GrabCar 4 chỗ tại Hà Nội và TP HCM sẽ được điều chỉnh lên mức 29.000 đồng cho 2 km đầu tiên và 10.000 đồng mỗi km tiếp theo. Dịch vụ taxi công nghệ có giá cước cao nhất của Grab là GrabCar Protect 7 chỗ cũng tăng giá.

Không chỉ tại Hà Nội và TP HCM, Grab cũng tăng giá cước tại các địa phương khác. Riêng GrabBike được điều chỉnh tăng giá cước, ở cả Hà Nội và TP HCM. Dịch vụ giao hàng GrabExpress siêu tốc tại TP HCM, Hà Nội và 19 tỉnh thành khác, cùng với cước dịch vụ GrabFood trên toàn Việt Nam cũng được điều chỉnh tăng giá.

Chia sẻ về quyết định này, Grab cho hay việc điều chỉnh nhằm giúp bù đắp một phần chi phí vận hành của đối tác tài xế, trong bối cảnh giá xăng dầu và giá tiêu dùng có dấu hiệu tăng nóng. Theo sau Grab, Gojek Việt Nam cũng ra thông báo điều chỉnh giá cước dịch vụ từ ngày 14/3. Các dịch vụ tăng giá là GoRide (vận chuyển hành khách bằng xe 2 bánh) và GoFood (giao đồ ăn), trong khi hai dịch vụ khác là GoCar và giao hàng GoSend vẫn giữ nguyên.

Động thái ngược dòng của Be, ShopeeFood

Ngược với hai đối thủ nói trên, ứng dụng Be khẳng định sẽ không tăng giá tất cả các sản phẩm, dịch vụ nhằm bình ổn giá sau dịch và hỗ trợ khách hàng. Đồng thời, Be cũng mạnh tay giảm chiết khấu 10% cho đối tác tài xế beCar thân thiết tại TP HCM, Bình Dương và Đồng Nai từ ngày 17/3.

Nói về động thái đi ngược dòng này so với đối thủ, đại diện Be cho biết hoạt động này nhằm phần nào giúp tiếp tục đảm bảo đời sống cũng như chia sẻ khó khăn với tài xế trong giai đoạn phục hồi kinh tế, chi phí tăng cao như hiện nay.

Tương tự Be, ShopeeFood cũng cho biết công ty vừa tung ra gói ưu đãi xăng dầu dành riêng cho các shipper trong bối cảnh giá cả biến động. Chính vì vậy, nhằm giúp tài xế yên tâm vận hành và tích cực hoạt động phục vụ khách hàng trong giai đoạn này, Shopee đã triển khai gói ưu đãi xăng dầu dành riêng cho tài xế ShopeeFood tại các cửa hàng PVOil.

Những lần "cà khịa" đối thủ của Be

Nếu nhìn sâu hơn về quá khứ, có thể thấy một trong những thế mạnh của thương hiệu này chính là “cà khịa” đối thủ của mình. Năm 2018, Grab có một năm đại thắng khi vừa thâu tóm được Uber tại Đông Nam Á, độc quyền thị trường, “ngáng đường” bất cứ đối thủ nào khi có ý định xâm chiếm thị phần của mình. Đúng lúc đó Be ra đời và được cho là đã "giáng một đòn" đối với tham vọng thống trị thị trường của Grab.

Vào thời điểm đó, khi người dùng quá bất lực với những chính sách "trên giời" mà Grab dành cho người dùng Việt khi tăng phí quá cao ở giờ cao điểm, thì chiến lược marketing của Be khẳng định sẽ không tăng giá khi đi vào giờ cao điểm hay khi trời mưa lớn trong thời gian này. Dù gọi xe vào các thời điểm khác nhau trong ngày, kể cả giờ cao điểm, tan tầm (5 – 6 giờ chiều), giá các chuyến đi không hề thay đổi.

Chiến lược của Be đã đánh trúng vào tâm lý của người dùng vào thời điểm đó và kết quả là sự hiện diện của Be từ đó cũng ít nhiều làm lung lay vị trí độc tôn của Grab tại thị trường Việt Nam.

Hiện trên thị trường gọi xe công nghệ Việt Nam có ba cái tên đang cạnh tranh giành thị phần gồm: Grab, Gojek và BeGroup. Trong đó, theo báo cáo mới nhất của ABI Research, Grab dẫn đầu thị trường với 74,6% thị phần, tiếp theo là Be (12,4%) và Gojek (12,3%).

Trong khi Grab từ sớm đã theo đuổi con đường siêu ứng dụng và thực sự đã trở thành siêu ứng dụng với loạt dịch vụ từ gọi xe, tài chính, giao hàng,… thì Gojek cũng đang triển khai kế hoạch tương tự. Riêng Be - ứng dụng gọi xe duy nhất của Việt Nam, đang hoạt động trong các mảng chính gồm: gọi xe, chuyển phát và tài chính.

Tin liên quan

Đọc tiếp