Đà Nẵng cần phát huy vai trò đầu tàu trong phát triển logistics xuyên biên giới

logistics Đà nẵng
15:51 - 05/08/2022
0:00 / 0:00
0:00
Sau gần 25 năm hình thành, các địa phương trên tuyến hành lang kinh tế Đông - Tây (EWEC) như Đà Nẵng vẫn chưa được quan tâm đầu tư đúng mức, để trở thành một hành lang kinh tế xuyên biên giới thực sự với sự phát triển mạnh mẽ của logistics.

Phát biểu tại diễn đàn "Phát triển dịch vụ logistics trên tuyến hành lang kinh tế Đông Tây" ngày 4/8 tại Đà Nẵng, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Trần Phước Sơn cho biết, hành lang kinh tế Đông Tây (EWEC) là một chương trình phát triển kinh tế được khởi xướng tại Hội nghị Bộ trưởng GMS lần thứ 8 vào năm 1998 để tạo điều kiện phát triển kinh tế và hội nhập cho các nước EWEC.

EWEC hình thành dựa trên tuyến đường bộ dài 1.450 km đi qua 4 quốc gia nằm trong trung tâm bán đảo Đông Dương là: Lào, Myanmar, Thái Lan và Việt Nam.

"Tuy nhiên, đến nay, sau gần 25 năm hình thành, các địa phương trên hành lang vẫn chưa thực sự được các quốc gia tập trung, quan tâm đầu tư đúng mức để trở thành một hành lang kinh tế xuyên biên giới thực sự; hạ tầng giao thông kết nối cũng như hạ tầng công nghiệp, thương mại, dịch vụ còn chậm phát triển, quy mô thị trường sản xuất, tiêu dùng hàng hóa còn nhỏ dẫn đến dịch vụ logistics trên hành lang chưa thật sự phát triển", ông Trần Phước Sơn nhận định.

"Do đó, việc quan tâm chú trọng đầu tư phát triển kinh tế, thúc đẩy hoạt động thương mại xuyên biên giới tại các địa phương trên tuyến là rất cần thiết để EWEC thực sự là hành lang kinh tế với sự phát triển mạnh mẽ của dịch vụ logistics" Ông Trần Phước Sơn, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng

Nghị quyết 43 của Bộ Chính trị cũng đã đề ra mục tiêu TP Đà Nẵng trở thành một trong những trung tâm kinh tế - xã hội lớn của cả nước và Đông Nam Á, là trung tâm kinh tế biển, hình thành chuỗi cung ứng dịch vụ logistics tại miền Trung với vai trò trung tâm của Đà Nẵng.

Ông Sơn cũng cho biết, TP Đà Nẵng cũng như 5 tỉnh, thành phố trong Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung cùng với chính quyền các tỉnh của nước bạn Lào, Thái Lan, Myanmar trong thời gian vừa qua đã có những chương trình, hành động cụ thể nhằm đẩy mạnh phát triển dịch vụ logistics như xây dựng và triển khai các quy hoạch trung tâm logistics, kết cấu hạ tầng giao thông phục vụ logistics, các cơ chế, chính sách ưu đãi, hỗ trợ dịch vụ logistics.

Ngoài ra, Đà Nẵng cũng đẩy nhanh tiến trình đầu tư các dự án trọng điểm trong giai đoạn tới như khu bến Liên Chiểu, trung tâm logistics tại Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng và trung tâm logistics, cảng cạn trên địa bàn thành phố.

Tuy nhiên, theo nhận định của ông Sơn, vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế khiến dịch vụ logistics trên địa bàn Đà Nẵng nói riêng cũng như các tỉnh, thành phố trong khu vực nói chung chưa có sự phát triển mạnh mẽ.

Đà Nẵng cần phát huy vai trò đầu tàu trong phát triển logistics trên tuyến EWEC

Nêu ý kiến về phát triển dịch vụ logistics trên tuyến EWEC, ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) nhấn mạnh, Đà Nẵng cần phát huy vai trò đầu tàu, trọng điểm trong phát triển logistics trên tuyến EWEC.

"Đà Nẵng cần phát huy vai trò đầu tàu, trọng điểm trong phát triển logistics trên tuyến EWEC. Cần cụ thể hoá mục tiêu trở thành trung tâm logistics bằng những việc làm cụ thể, qua đó góp phần hiện thực hóa các mục tiêu của Hành lang Kinh tế Đông - Tây" Ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương)

Theo nhận định của ông Trần Thanh Hải, dù có lợi thế rất lớn để phát triển, nhưng ngành dịch vụ logistics của TP Đà Nẵng vẫn còn nhiều khó khăn, hạn chế cần phải khắc phục. Cơ sở hạ tầng logistics TP Đà Nẵng chưa đồng bộ và xứng tầm với vai trò trung tâm dịch vụ logistics của Vùng Kinh tế trọng điểm miền Trung, để giúp kết nối hiệu quả với Hành lang Kinh tế Đông - Tây và cả nước.

Đồng thời, TP Đà Nẵng chưa tạo được hành lang vận tải đa phương thức trong khi nhu cầu vận chuyển hàng hóa đa phương thức trong nội bộ thành phố và liên vùng, xuyên biên giới ngày càng lớn. Về hàng không, hiện sân bay Đà Nẵng chủ yếu phục vụ hành khách, chưa phát huy vai trò vận tải hàng hóa và logistics hàng hóa hàng không.

Cũng theo ông Hải, quy mô, vốn, kinh nghiệm và trình độ quản lý của đội ngũ doanh nghiệp ngành logistics trên địa bàn còn hạn chế. Phần lớn các doanh nghiệp có quy mô nhỏ, thực hiện các hoạt động logistics đơn lẻ, giá trị gia tăng ít. Ngoài ra, khó khăn trong thu hút nguồn hàng, các tỉnh khu vực miền Trung nói chung và Đà Nẵng nói riêng, lượng nguồn hàng tại chỗ còn nhiều hạn chế.

Do đó, ông Trần Thanh Hải cho rằng TP Đà Nẵng cần khẩn trương hoàn thiện và trình phê duyệt "Quy hoạch TP Đà Nẵng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050", trong đó cần tích hợp quy hoạch phát triển hệ thống logistics, dành quỹ đất để phát triển cơ sở hạ tầng và trung tâm logistics. Tập trung đẩy nhanh tiến độ triển khai các công trình kết cấu hạ tầng trọng điểm như: Quy hoạch, tái thiết các khu đô thị xung quanh cảng biển, ga hàng hóa Kim Liên và Khu công nghiệp Liên Chiểu, xây dựng mới cảng Liên Chiểu, di dời ga đường sắt, nâng cấp quốc lộ 14B, 14G...

"Bên cạnh đó, Đà Nẵng cần có chính sách ưu đãi, hỗ trợ cho doanh nghiệp dịch vụ logistics ứng dụng công nghệ cao trong hoạt động, hỗ trợ xúc tiến thương mại, kêu gọi đầu tư các trung tâm logistics công nghệ cao, trung tâm logistics thông minh, xanh, hiện đại, đóng vai trò kết nối, thúc đẩy hàng hóa trong khu vực", ông Hải nêu rõ.

Tin liên quan

Đọc tiếp