Chuyến tàu liên vận quốc tế đầu năm đưa hàng nông sản từ Bình Dương đến Hà Nam, Trung Quốc. Ảnh: TTXVN |
Chuyến tàu này gồm 21 toa xe, trong đó có 9 container lạnh chở hoa quả và thực phẩm. Thời gian từ Sóng Thần đến Trịnh Châu dự kiến từ 9 - 10 ngày và theo kế hoạch sẽ tổ chức chạy 1 chuyến/tuần.
Theo Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, việc lựa chọn Bình Dương để tổ chức Lễ khởi hành chuyến tàu liên vận quốc tế chở hàng nông sản xuất khẩu sang Trung Quốc có nhiều ý nghĩa do Bình Dương là tỉnh thuộc vùng Đông Nam Bộ, nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và là một trong những địa phương phát triển năng động nhất của khu vực phía Nam.
Tỉnh Bình Dương có ga liên vận quốc tế Sóng Thần và là ga hàng hóa lớn nhất phía Nam. Hàng hóa từ Bình Dương và các tỉnh lân cận được tập kết về Ga Sóng Thần đi ga Giáp Bát, Yên Viên (Hà Nội), sau đó chuyển tiếp sang các đoàn tàu liên vận quốc tế đi Trung Quốc qua các cửa khẩu Đồng Đăng và Lào Cai.
Bộ Giao thông Vận tải đang triển khai các dự án nâng cấp, cải tạo ga Sóng Thần, dự kiến giai đoạn 2025 - 2030, năng lực ga Sóng Thần sẽ đạt 3,5 triệu tấn/năm và trở thành ga hàng hóa đầu mối lớn trong nhất hệ thống các ga đường sắt Việt Nam.
Sau khi cơ sở hạ tầng phục vụ hoạt động logistics được hoàn thiện và đáp ứng đủ yêu cầu, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam lập kế hoạch khai thác ga liên vận quốc tế Sóng Thần để tổ chức các đoàn tàu chuyên tuyến chạy thẳng từ ga Sóng Thần đi Trung Quốc, quá cảnh sang nước thứ ba và ngược lại.
Đại diện Công ty xuất nhập khẩu VTO Hà Nam (Trung Quốc) cho hay, từ tháng 6/2023, doanh nghiệp đã hợp tác với Tổng CTCP vận tải và thương mại đường sắt (Ratraco) chở các mặt hàng từ Trịnh Châu (Trung Quốc) đến Việt Nam và ngược lại.
Doanh nghiệp này hy vọng Tổng công ty Đường sắt Việt Nam sẽ có giải pháp hiệu quả để rút ngắn thời gian chạy tàu từ Sóng Thần đến ga Đồng Đăng còn 60 giờ, qua đó giúp hàng hóa vận chuyển bằng đường sắt sẽ đủ sức cạnh tranh với các loại hình vận tải khác, mang lại ưu thế cho tàu liên vận quốc tế.
Tại Việt Nam, chi phí logistics trong ngành nông sản chiếm đến 20 - 25% giá thành sản phẩm, trong khi các nước chỉ chiếm khoảng 12 - 14%. Tuyến đường sắt chở hàng từ Bình Dương đi Trung Quốc giúp doanh nghiệp giảm một nửa chi phí so với trước đây, từ đó thêm cơ hội cạnh tranh về giá thành.
Trung bình container 40 feet lạnh, nếu đi tàu thủy thì cước phí chiếm khoảng 10% tổng giá trị sản phẩm, còn đi đường hàng không thì chi phí sẽ tăng gấp hai lần. Mặt khác, vận tải đường biển phục vụ xuất khẩu phụ thuộc vào các hãng tàu nước ngoài, việc hàng hóa đi thẳng qua Trung Quốc là đòn bẩy cho xuất khẩu nông sản.