Ảnh minh họa: VGP. |
Theo đề xuất của Cục Đường sắt Việt Nam, tuyến đường sắt Hà Nội - TP HCM có 12 ga nằm trong phạm vi đầu tư của dự án, gồm: Ninh Bình, Khoa Trường, Nghi Long, Vinh, Kim Liên, Diêu Trì, Nha Trang, Vĩnh Trung, Tháp Chàm, Cà Ná, Sóng Thần.
Tuyến đường sắt Hà Nội - Đồng Đăng có 4 ga, gồm: Sen Hồ, Kép, Yên Trạch, Đồng Đăng.
Tuyến đường sắt Gia Lâm - Hải Phòng có 2 ga: Cao Xá, Vật Cách.
Tuyến đường sắt Yên Viên - Lào Cai có 4 ga: Hương Canh, Việt Trì, Xuân Giao, Lào Cai.
Tổng mức đầu tư dự kiến là gần 2.300 tỷ đồng, sử dụng nguồn vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2026-2031.
Cũng tại báo cáo này, Cục Đường sắt Việt Nam đã đề xuất các dự án cải tạo, nâng cấp nhằm khai thác hiệu quả đường sắt hiện có, nâng cao tính cạnh tranh của phương thức vận tải đường sắt.
Theo đó, tuyến đường sắt Hà Nội - TP HCM là có nhu cầu vận tải lớn được đề xuất ưu tiên đầu tư tập trung. Các tuyến đường sắt hiện có là: Hà Nội - Đồng Đăng, Yên Viên - Lào Cai và Gia Lâm - Hải Phòng chỉ đầu tư có trọng điểm để đảm bảo an toàn và ưu tiên các ga có nhu cầu vận tải lớn.
"Việc đầu tư sẽ không rải đều mà thực hiện đối với các công trình cần thiết để khai thác và đồng bộ từng khu đoạn, nhằm phát huy hiệu quả nguồn vốn đầu tư. Thứ tự dự án ưu tiên theo hướng: nâng cao an toàn công trình và an toàn giao thông đường sắt; nâng cao năng lực vận tải, đồng bộ hóa hệ thống thông tin, tín hiệu; ứng phó với biến đổi khí hậu," Cục Đường sắt Việt Nam nêu quan điểm.
Về bố trí nguồn vốn đầu tư, Cục Đường sắt Việt Nam đề xuất với các công trình có quy mô nhỏ, tính chất kỹ thuật không phức tạp thì triển khai bằng nguồn vốn bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt hằng năm. Với các công trình có quy mô lớn, kỹ thuật phức tạp bố trí nguồn vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2026-2031.
Trong một diễn biến liên quan, chiều 12/7 vừa qua, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chủ trì cuộc họp nghe kiến nghị của Bộ GTVT về việc kéo dài việc thực hiện Quyết định số 994 phê duyệt Kế hoạch lập lại trật tự hành lang an toàn đường bộ, đường sắt giai đoạn 2014 – 2020. Ghi nhận các ý kiến phát biểu tại cuộc họp, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ GTVT tải chỉ đạo Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) lập danh mục 184 đường ngang cần sửa chữa, bổ sung đầy đủ hệ thống tín hiệu, xây dựng đơn giá, định mức, dự toán và triển khai thực hiện theo đúng quy định. Theo báo cáo của Bộ GTVT, VNR đã tiến hành sửa chữa, cải tạo, nâng cấp 720/1.513 đường ngang đã trang bị hệ thống phòng vệ như có người gác, có cảnh báo tự động, có biển báo. Tuy nhiên, đến hết năm 2023, VNR mới hoàn thành việc sửa chữa, bổ sung đầy đủ hệ thống tín hiệu 382 đường ngang. Còn lại 184 đường ngang nằm ở vị trí giao cắt giữa đường sắt với quốc lộ, đường tỉnh, đường đô thị, khu vực có dân cư đông đúc, mật độ phương tiện giao thông lớn cần bổ sung đầy đủ hệ thống tín hiệu. Do đó, Bộ GTVT kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép kéo dài thời gian thực hiện Quyết định số 994 đến hết năm 2025 để hoàn thành 184 đường ngang còn lại, với tổng kinh phí dự kiến là 363 tỷ đồng. |