Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga. |
Tiếp tục Kỳ họp thứ 7, sáng 28/5, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự thảo Luật Tổ chức Toà án nhân dân (sửa đổi). Đây là dự án luật đã được Quốc hội cho ý kiến từ Kỳ họp thứ 6, với nhiều đại biểu băn khoăn về quy định ghi âm, ghi hình tại phiên toà. Tại dự thảo Luật trình Kỳ họp thứ 7, nội dung này vẫn được thiết kế theo 2 phương án.
Trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho biết, có ý kiến đề nghị quy định hoạt động thông tin tại phiên tòa, phiên họp như luật tố tụng hiện hành. Có ý kiến đề nghị rà soát quy định để không trái với nguyên tắc tòa án xét xử công khai.
Uỷ ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) nhận thấy, việc ghi âm lời nói, ghi hình ảnh tại phiên tòa, phiên họp phải bảo đảm quyền con người, quyền công dân; hoạt động thông tin theo quy định của pháp luật; bảo đảm tôn nghiêm tại phiên tòa, tạo điều kiện cho HĐXX điều hành tốt phiên tòa, không bị phân tâm bởi các yếu tố khác.
Đa số ý kiến UBTVQH đề nghị chỉnh lý như khoản 3 và khoản 4 Điều 141 dự thảo Luật theo hướng, việc ghi âm lời nói, ghi hình ảnh của HĐXX tại phiên tòa, phiên họp phải được sự đồng ý của chủ tọa phiên tòa... Việc ghi hình ảnh tại phiên tòa, phiên họp chỉ được thực hiện trong thời gian khai mạc phiên tòa, phiên họp và tuyên án, công bố quyết định; đồng thời, bổ sung quy định tại khoản 4 về việc tòa án ghi âm, ghi hình toàn bộ diễn biến phiên tòa, phiên họp… (Phương án 1 - quy định tại khoản 3 và khoản 4 dự thảo Luật).
Một số ý kiến UBTVQH cho rằng, quy định về ghi âm, ghi hình tại phiên tòa, phiên họp trong dự thảo Luật là hẹp hơn so với quy định của các luật tố tụng. Để tạo thuận lợi cho hoạt động thông tin tại phiên tòa, phiên họp, đề nghị giữ như quy định của pháp luật hiện hành (Phương án 2 - không quy định khoản 3 và khoản 4 Điều 141 trong dự thảo Luật mà thực hiện theo quy định của luật tố tụng và pháp luật có liên quan).
Một số ý kiến khác của UBTVQH và TAND Tối cao đề nghị quy định khoản 3 Điều 141 như sau: “Việc ghi âm lời nói, ghi hình ảnh tại phiên tòa, phiên họp chỉ được thực hiện trong thời gian khai mạc phiên tòa, phiên họp và tuyên án, công bố quyết định khi có sự cho phép của chủ tọa phiên tòa, phiên họp…”; đồng thời, bổ sung quy định 4 về việc tòa án ghi âm, ghi hình toàn bộ diễn biến phiên tòa, phiên họp để phục vụ nhiệm vụ chuyên môn…