Ông Nguyễn Văn Quảng - Bí thư Thành uỷ Đà Nẵng. |
Sáng 20/6, Quốc hội thảo luận tại tổ về việc thi hành sớm Luật Đất đai năm 2024, Luật Nhà ở năm 2023 và Luật Kinh doanh bất động sản năm 2023.
Đại biểu Nguyễn Duy Minh (Đoàn Đà Nẵng) cho biết, Luật Đất đai năm 2024 có rất nhiều điểm mới có lợi cho người dân và thuận lợi cho cơ quan quản lý Nhà nước. Điển hình như chính sách mới trong giải phóng mặt bằng, hỗ trợ bồi thường tái định cư. Hiện nay nhiều dự án, công trình trọng điểm, đặc biệt là các dự án cao tốc đang triển khai. Nếu có cơ chế tốt hơn sẽ thúc đẩy tiến độ giải phóng mặt bằng - đây vốn là điểm nghẽn nhất khiến dự án chậm tiến độ.
Theo đại biểu, Luật Nhà ở năm 2023 cũng giải quyết rất nhiều bất cập cho doanh nghiệp, người dân, chính quyền. Điển hình như vấn đề thu hút đầu tư nhà ở xã hội, không chỉ ở những nơi tập trung đông dân cư mà các nơi đều có nhu cầu. Việc bỏ quy định về cư trú khi mua nhà ở xã hội, chỉ cần điều kiện về nhà ở và thu nhập giúp nhiều người có cơ hội mua nhà hơn. Điều kiện thuê nhà ở xã hội cũng đơn giản, phù hợp hơn.
Với những điểm có lợi đó và trước những khó khăn, vướng mắc thực tiễn của người dân, đại biểu Nguyễn Duy Minh nhất trí với việc thi hành sớm các luật. Tuy nhiên ông cũng đề nghị Chính phủ, các bộ ngành, địa phương sớm hoàn tất các nghị định, thông tư hướng dẫn, làm rõ những vấn đề băn khoăn mà Uỷ ban Kinh tế đã nêu.
Đại biểu Nguyễn Duy Minh (Đoàn Đà Nẵng). |
Đại biểu Hoàng Thị Thanh Thuý (Đoàn Tây Ninh) cũng ủng hộ việc ban hành sớm các luật nêu trên để giải quyết các vấn đề thực tiễn. Tuy nhiên giữa mong muốn và thực hiện, đại biểu còn trăn trở. Bà nêu thực tế Luật Đấu thầu sửa đổi và Luật Khám chữa bệnh sửa đổi có hiệu lực từ 1/1/2024, tuy nhiên quá trình cụ thể hoá bằng các nghị định lại chậm, tạo khoảng trống pháp lý. “Khi chúng tôi tiếp xúc cử tri trước kỳ họp này, tình trạng thiếu thuốc vẫn còn, điều này là do hai luật này có hiệu lực nhưng nghị định của Chính phủ đã hết hiệu lực, việc đấu thầu thuốc vẫn vướng,” bà Thuý nói.
Theo đại biểu, Luật Đất đai sửa đổi có 97 nội dung giao Chính phủ quy định chi tiết. Trong đó có rất nhiều nội dung khó, vì vậy bà băn khoăn việc ban hành sớm văn bản hướng dẫn liệu có khả thi? “Tôi đề nghị Chính phủ có báo cáo bổ sung tiến độ đã, đang và sẽ thực hiện các văn bản, để đảm bảo cam kết thi hành từ 1/8/2024. Thực tế các địa phương cũng đang rất lúng túng. Nếu chuẩn bị không kỹ thì các văn bản sẽ không đồng bộ,” bà Thuý nêu quan điểm.
Đại biểu Hoàng Thị Thanh Thuý (Đoàn Tây Ninh) |
Cũng đồng ý việc ban hành các văn bản hướng dẫn khi thi hành sớm các luật sớm là áp lực lớn nhưng Bí thư Thành uỷ Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng (Đoàn Đà Nẵng) cho rằng giữa cái băn khoăn và cái có lợi thì nên hướng đến cái có lợi.
“Tôi ủng hộ việc thông qua việc thi hành sớm các luật, như trong tờ trình Chính phủ đã lập luận rõ căn cứ. Những cái gì có lợi cho người dân thì thực hiện ngay, nếu tiếp cận theo cách này chúng ta sẽ có niềm tin để triển khai,” ông Quảng nói.
Theo đại biểu, Luật Đất đai năm 2024 có 260 điều, trong đó 97 điều giao cho Chính phủ, các bộ ngành, địa phương quy định chi tiết. Như vậy còn gần 200 điều có thể thực hiện ngay, có lợi và sẽ giải quyết các vấn đề cấp bách. Điển hình như câu chuyện bồi thường giải phóng mặt bằng, người dân khi nắm bắt được chính sách mới đều đang rất trông chờ, địa phương cũng phải áp dụng.
“Tuần trước, Ban thường vụ Thành uỷ Đà Nẵng phải ra một nghị quyết để Ban cán sự đảng, UBND Thành phố vận dụng các quy định mới của Luật Đất đai, giải phóng mặt bằng dự án đường cao tốc đi qua TP Đà Nẵng. Với dự án này hiện chỉ còn 17 hộ dân nhưng nếu không áp dụng quy định mới thì yêu cầu giải phóng mặt bằng trước ngày 30/6 là không thể thực hiện được,” Bí thư Đà Nẵng chia sẻ.
Thi hành sớm các luật: Áp lực rất lớn trong ban hành văn bản hướng dẫn
Ông cho biết thêm, Chính phủ cũng đã liệt kê những quy định có thể áp dụng ngay. Ví dụ như quy định để người dân có suất tái định cư tối thiểu trong trường hợp giải phóng mặt bằng mà không có nơi ở nào khác.
Về băn khoăn tính hiệu lực, hiệu quả khi các luật có hiệu lực sớm, ông Quảng bày tỏ thống nhất với quan điểm kết luận của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội là giao cho Chính phủ chịu trách nhiệm hoàn toàn trước Quốc hội và nhân dân về điều chỉnh thời gian hiệu lực luật.
“Cuối cùng ai là người tổ chức, chính là Chính phủ và các địa phương. Chính phủ đề xuất thì phải chịu trách nhiệm trước Quốc hội và nhân dân. Ngược lại, việc Quốc hội thông qua sẽ đặt ra nhiệm vụ cho Chính phủ. Tôi tin rằng Chính phủ đã chuẩn bị và đề xuất thì đã có phương án”, ông Quảng nêu quan điểm.