Theo chương trình làm việc của Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khoá XV, sáng 20/6, Quốc hội thảo luận ở Hội trường về Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; đồ án điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065.
Sau đó, Quốc hội thảo luận ở tổ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai số 31/2024/QH15, Luật Nhà ở số 27/2023/QH15, Luật Kinh doanh bất động sản số 29/2023/QH15, Luật Các tổ chức tín dụng số 32/2024/QH15.
Buổi chiều, Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường, nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra dự án Luật Quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn, Tờ trình và Báo cáo thẩm tra dự án Luật Địa chất và khoáng sản.
Sau đó, Quốc hội thảo luận ở tổ về dự án Luật Địa chất và khoáng sản; dự án Luật Quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn.
Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 có mục tiêu tổng quát là đưa Hà Nội thành thành phố văn hiến - văn minh - hiện đại, là trung tâm đi đầu đối với nghiên cứu, sáng tạo, ứng dụng và chuyển giao khoa học - công nghệ mới.
Đồng thời là trung tâm, động lực thúc đẩy phát triển vùng đồng bằng sông Hồng và vùng động lực phía Bắc; trung tâm kinh tế tài chính lớn, cực tăng trưởng có vai trò dẫn dắt kinh tế của đất nước, có tầm ảnh hưởng trong khu vực, dựa trên mô hình phát triển xanh và kinh tế tuần hoàn, kinh tế số, kinh tế chia sẻ. Cùng với đó, Hà Nội thực sự là trung tâm lớn, tiêu biểu, hàng đầu cả nước về giáo dục, đào tạo chất lượng cao, ngang tầm khu vực và quốc tế.
Đến năm 2050, Thủ đô Hà Nội có mức sống và chất lượng cuộc sống cao; kinh tế, văn hóa, xã hội phát triển toàn diện, đặc sắc, hài hòa; có trình độ phát triển ngang tầm các nước phát triển trong khu vực và trên thế giới. Thủ đô Hà Nội là thành phố kết nối toàn cầu, xanh - thông minh - thanh bình - thịnh vượng; là nơi đáng đến và lưu lại, đáng sống và cống hiến.
Quy hoạch Thủ đô Hà Nội xác định cấu trúc không gian phát triển của Thủ đô Hà Nội gồm: 5 không gian phát triển, 5 hành lang và vành đai kinh tế, 5 trục động lực, 5 vùng kinh tế - xã hội, 5 vùng đô thị.
Cùng với TP HCM, Thủ đô Hà Nội đóng vai trò là cực tăng trưởng của đất nước, có vị trí trọng yếu trong tam giác động lực của vùng Đồng bằng sông Hồng (Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh) và tứ giác phát triển khu vực miền Bắc (Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh - Thanh Hóa).
Quy hoạch Thủ đô đã đặt ra các nhiệm vụ trọng tâm và đột phá phát triển. Trong đó, nhấn mạnh đến vấn đề bảo vệ môi trường, giải quyết triệt để ô nhiễm sông Tô Lịch, làm sống lại hình ảnh dòng sông xanh, sạch, gắn liền với văn hóa - lịch sử Thủ đô; xử lý ô nhiễm môi trường các sông Nhuệ, Đáy, Lừ, Sét... để bảo đảm nguồn nước tưới an toàn cho nông nghiệp, tạo không gian xanh cho phát triển đô thị.
Cùng với đó là tập trung cải tạo những khu chung cư cũ, xóa bỏ tình trạng nhà tự xây không theo quy hoạch, không đảm bảo an toàn phòng chống cháy nổ, cứu hộ, cứu nạn. Khai thác không gian ngầm trong phát triển giao thông và dịch vụ đô thị.
Quy hoạch Thủ đô cũng nêu 5 vùng kinh tế - xã hội là: vùng trung tâm, vùng phía Bắc sông hồng, vùng phía Nam Thủ đô, vùng phía Tây Nam Thủ đô, vùng phía Tây Bắc Thủ đô; 5 vùng đô thị: đô thị trung tâm; thành phố phía Tây; vùng đô thị Sơn Tây - Ba Vì; thành phố phía Bắc; đô thị phía Nam.