Ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội. |
Tại buổi họp báo công bố kết quả Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV diễn ra sáng 29/6, trả lời về "một Luật sửa 4 Luật" nhằm đưa Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Các tổ chức tín dụng có hiệu lực và triển khai theo mốc thời gian sớm hơn từ 1/8/2024, ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình cho rằng, đây là một chủ trương đúng đắn để sớm đưa các chính sách và luật pháp vào cuộc sống.
Theo ông Hiếu, Chính phủ đã thể hiện nỗ lực, quyết tâm trong việc sớm đưa các luật, các chính sách vào cuộc sống. Trong quá trình thảo luận dự luật này chỉ có một băn khoăn của một số đại biểu Quốc hội là nếu đẩy sớm hiệu lực của Luật thì có đảm bảo tính khả thi, tức là có đảm bảo việc ban hành đầy đủ văn bản hướng dẫn thi hành, để đảm bảo luật có hiệu lực đúng vào thời điểm có hiệu lực sớm.
"Điều này chúng ta đã thảo luận rất nhiều. Chính phủ cũng đã có báo cáo chi tiết về mặt tiến độ và thể hiện những cam kết, cũng như quyết tâm bằng những giải pháp. Thậm chí Chính phủ đã và đang hành động rất quyết liệt, đồng thời chỉ đạo các cơ quan có liên quan hoàn thiện các dự thảo Nghị định cấp trung ương và địa phương, để đảm bảo Luật được ban hành và có hiệu lực theo thời điểm mới từ 1/8/ 2024," ông Hiếu cho biết.
Về phía Quốc hội, để đảm bảo nhiệm vụ này được hoàn thành thì trong Nghị quyết của kỳ họp Quốc hội cũng đã nhấn mạnh đến việc Quốc hội cần phải đảm bảo ban hành các văn bản hướng dẫn chi tiết, để không xảy ra hiện tượng gọi là không có hoặc chậm ban hành văn bản, vốn dẫn đến tình trạng luật có hiệu lực nhưng không được thực thi trên thực tế, ông Hiếu cho hay
Theo Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, vấn đề "một luật sửa 4 luật" phải được hiểu rõ ràng rằng sửa luật không phải vì bất cập mà để các luật sớm đưa vào cuộc sống.
Tái cấp vốn hỗ trợ Vietnam Airlines là khả thi nhất hiện nay
Đối với vấn đề Chính phủ đề xuất gia hạn trả nợ khoản vay tái cấp vốn gần 4.000 tỷ đồng cho Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) tối đa đến 31/12/2027, báo chí đặt vấn đề, Ủy ban Kinh tế cơ bản nhất trí với sự cần thiết phải gia hạn trả nợ đối với khoản vay tái cấp vốn theo Nghị quyết số 135/2020/QH14 ngày 17/11/2020 của Quốc hội tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV như đã nêu trong tờ trình của Chính phủ nhằm tháo gỡ khó khăn cho Vietnam Airlines.
Ngoài giải pháp nêu ra trong tờ trình, Uỷ ban Kinh tế còn có giải pháp nào khác có thể triển khai, tháo gỡ khó khăn cho Vietnam Airlines trong thời gian tới?
Trả lời câu hỏi này, ông Phan Đức Hiếu cho biết, liên quan đến việc tái cấp vốn 3 lần cho Vietnam Airlines, Ủy ban Kinh tế là cơ quan chủ trì thẩm tra cũng như các đại biểu Quốc hội đều đã thảo luận.
"Trong bối cảnh cấp thiết, để tháo gỡ khó khăn thì việc gia hạn tái cấp vốn lần 3 là biện pháp duy nhất có thể có tính khả thi, so với các giải pháp như phát hành thêm cổ phần, phát hành trái phiếu..." ông Hiếu cho hay.
Theo ông Hiếu, trong nghị quyết của Quốc hội đều nói rằng đây là giải pháp trước mắt, còn về lâu dài Nghị quyết của Quốc hội cũng yêu cầu là ngay cả việc tái cấp vốn 3 lần thì cũng phải được thực thi một cách có hiệu quả.
Chính vì vậy, trong nghị quyết của kỳ họp cũng giao nhiệm vụ này cho Chính phủ, yêu cầu Chính phủ chỉ đạo các đơn vị có liên quan xác định rõ trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức trong việc thực hiện cam kết trước Quốc hội về hiệu quả việc triển khai các giải pháp để cho vay tái cấp vốn.
Quốc hội nhấn mạnh đến việc gia hạn cấp vốn, nhưng việc sử dụng có hiệu quả các giải pháp tái cấp vốn là điều quan trọng nhất, ông Hiếu cho biết.
Bên cạnh đó, theo ông Hiếu, Quốc hội cho rằng trong nghị quyết của kỳ họp của Quốc hội cũng đã nhấn mạnh rằng về lâu dài thì cần phải có giải pháp căn cơ toàn diện tái cấu trúc Vietnam Airlines cũng như ngành hàng không nói chung.
Vì vậy mà trong nghị quyết cũng đã giao rất rõ nhiệm vụ này cho Chính phủ, Ủy ban quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, các cơ quan có liên quan và Tổng công ty Hàng không Việt Nam xây dựng chiến lược phát triển toàn diện, khẩn trương hoàn thiện đề án tổng thể các giải pháp tháo gỡ khó khăn để sớm phục hồi và phát triển.
Cùng với tái cấp vốn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, cần đẩy nhanh việc tái cơ cấu lại toàn diện Vietnam Airlines sớm, những nội dung chi tiết này tại nghị quyết kỳ họp trước cũng đã có đề cập.