Toàn cảnh buổi tọa đàm. Nguồn: VGP. |
Thời điểm "chín muồi" để đầu tư
Chia sẻ tại tọa đàm, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) Nguyễn Danh Huy cho hay, đối với tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, Bộ đã nghiên cứu trong vòng 18 năm.
Theo Thứ trưởng, thực tế vào năm 2011, dự án đã được trình lên cấp có thẩm quyền, nhưng tại thời điểm ấy có một số băn khoăn như: nhu cầu nguồn vốn đầu tư lớn trong khi quy mô nền kinh tế còn rất khiêm tốn; nợ công của tại thời điểm đó còn rất cao; những vấn đề kiến giải về tốc độ, về công năng dự án,...
Tuy nhiên đến thời điểm hiện tại, trong quá trình nghiên cứu, lập 5 quy hoạch chuyên ngành, Bộ Giao thông vận tải đã dự báo lại trên nhu cầu thực tiễn là trên hành lang Bắc - Nam, nhu cầu vận tải cả hàng hoá và hành khách lớn nhất.
"Chúng tôi cũng đã dự báo nhu cầu vận tải và thấy rằng thời điểm này thích hợp, cần thiết để xây dựng tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam nhằm tái cơ cấu lại thị phần vận tải một cách thích hợp. Qua nghiên cứu, xét về ưu thế thì cự ly trên 1.000 km thích hợp và là ưu thế của hàng không, còn cự ly dưới 1.000 km phải là phương thức vận tải đường sắt," Thứ trưởng Nguyễn Danh Huy nói.
Một điểm nữa được Thứ trưởng Huy chỉ ra đó là tại thời điểm này, quy mô nền kinh tế của Việt Nam đã đạt 430 tỷ USD, nợ công cũng ở mức rất hợp lý khoảng 37% (số liệu năm 2023). Các điều kiện về nguồn lực cơ bản không phải là thách thức lớn.
Đối với những trăn trở về mặt kỹ thuật trước đây, qua 10 năm nghiên cứu với sự tham gia của nhiều chuyên gia các nước trên thế giới cũng như các đoàn công tác liên ngành tham quan, học tập tại 6 nước có đường sắt tốc độ cao phát triển, đến nay, những vấn đề này đã được kiến giải một cách rõ ràng.
"Như vậy, đây là thời điểm thích hợp để Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị quyết định trình Quốc hội xem xét, quyết định đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam. Đây cũng là tiền đề, động lực để chúng ta bước vào kỷ nguyên vươn mình, như Tổng Bí thư Tô Lâm nói". |
Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Danh Huy |
Đồng tình với ý kiến của Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Danh Huy, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương bổ sung thêm, để khẳng định cho việc xây dựng tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam vào thời điểm này, ở góc độ phát triển kinh tế xã hội, Việt Nam đã có đầy đủ cơ sở để triển khai.
"Dự án là mong muốn của người dân cũng như sự quyết tâm của hệ thống chính trị. Chúng ta đã có tuyến đường sắt cũ rồi nhưng tuyến đường sắt tốc độ cao sẽ đáp ứng tiêu chuẩn cao hơn và khả năng kết nối tốt hơn so với đường sắt mà chúng ta đang sử dụng," Thứ trưởng Trần Quốc Phương nêu.
Góp phần phát triển kinh tế xã hội
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng cho rằng, hiện Việt Nam cũng có đầy đủ cơ sở chính trị và thực tiễn để triển khai dự án. Về cơ sở chính trị, Trung ương và Bộ Chính trị đã có các nghị quyết, kết luận về việc xây dựng tuyến đường sắt tốc độ cao từ nay đến năm 2035.
Về cơ sở thực tiễn, trong bảng quy hoạch tổng thể quốc gia cũng đã đặt vấn đề hoàn thiện kết cấu hạ tầng, trong đó có tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam. Đây là sự cần thiết để có bước đột phá về hạ tầng, tạo tác động tích cực và lan tỏa đến tăng trưởng kinh tế cũng như bảo đảm an sinh xã hội.
"Hiện nay, chúng ta đang ở giai đoạn đánh giá tiền khả thi dự án. Chúng tôi mới có dữ liệu sơ bộ để đánh giá hiệu quả của dự án đối với phát triển kinh tế - xã hội. Dự án được chia làm hai giai đoạn: giai đoạn thứ nhất là đang trong quá trình xây dựng; giai đoạn thứ hai là đưa vào vận hành. Cả hai giai đoạn đều tác động đến tăng trưởng kinh tế.
Chi tiêu cho đầu tư cũng là một động lực tác động đến tăng trưởng kinh tế. Trong lịch sử đầu tư công của đất nước ta, đây là dự án có quy mô lớn nhất từ trước đến nay, dự kiến tổng chi xấp xỉ 70 tỷ USD. Đây là con số khái toán ở mức tiền khả thi, rất lớn," Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư thông tin.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương chia sẻ tại tọa đàm. Nguồn: VGP. |
Cũng theo Thứ trưởng Trần Quốc Phương, mức chi đầu tư này sẽ tác động đến tăng trưởng kinh tế trong suốt thời gian dự án thi công. Nếu như số tiền này được đưa vào triển khai từ nay đến năm 2035 thì tác động của đầu tư đường sắt cao tốc độ cao này làm tăng khoảng 0,97 điểm % GDP. Đây là con số hết sức đáng kể, góp phần vào tăng trưởng chung của nền kinh tế nước nhà.
Phân tích sâu hơn, dự án này có tác động trực tiếp đến khoảng 7 - 8 ngành, lĩnh vực như: ngành xây dựng, công nghiệp phụ trợ, ngành dịch vụ tài chính - ngân hàng, lĩnh vực phát triển đô thị, ngành khai thác, nguồn nhân lực, ngành vận tải,...
Giai đoạn 2, khi dự án đi vào hoạt động sẽ tác động đến tăng trưởng kinh tế - xã hội, làm gia tăng năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, đặc biệt là giảm chi phí logistics, góp phần đáng kể cho phát triển các ngành công nghiệp, ngành sản xuất kinh doanh có sử dụng đến tuyến đường sắt này.
Với vai trò là doanh nghiệp có nhiều kinh nghiệp trong vận hành đường sắt cao tốc, Tổng giám đốc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam Hoàng Gia Khánh cho rằng, vận tải đường sắt vẫn luôn đóng vai trò là phương thức giao thông quan trọng. So với hình thức khác, đường sắt có lợi thế vận tải hàng hóa lớn, hiệu suất cao, đặc biệt là độ an toàn, chi phí trung bình.
"Dự báo nhu cầu vận tải hàng hóa đến 2050 tuyến Bắc - Nam là hơn 18,2 triệu tấn/năm, với 122,7 triệu lượt khách. Do vậy việc đáp ứng vận tải hàng hóa, hành khách thì ngoài đầu tư đường sắt tốc độ cao, ta vẫn tiếp tục nâng cấp đường sắt hiện hữu phục vụ vận tải hàng hóa chuyên ngành như hàng nặng, khí hóa lỏng, xăng dầu, khí LNG… Còn đường sắt tốc độ cao tập trung cho vận tải hành khách và vận tải hàng hóa khi có nhu cầu". |
Tổng giám đốc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam Hoàng Gia Khánh |
Ông Khánh cũng cho rằng, vận tải đường sắt tốc độ cao khi hình thành sẽ đóng vai trò quan trọng, đồng bộ kết nối 5 phương thức chính: đường bộ, đường sắt, hàng hải, hàng không, đường thủy nội địa, theo trục Bắc - Nam. Điều này không chỉ tận dụng thế mạnh từng phương thức mà còn tối ưu hóa hệ thống vận chuyển, giảm chi phí logistics, nâng cao khả năng cạnh tranh của nền kinh tế.
Ba giải pháp, bốn phương án huy động nguồn lực thực hiện dự án
Về phần vốn đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, Thứ trưởng Bộ Tài chính Bùi Văn Khắng khẳng định, đây là một dự án trọng điểm quốc gia với tổng mức đầu tư rất lớn, cần nhiều năm để chuẩn bị cho công tác đầu tư.
Do đó, thời gian qua, các Bộ, ngành đã phối hợp rất chặt chẽ và thống nhất đưa ra ba nhóm giải pháp điều hành tổng thể và bốn phương pháp huy động nguồn lực.
Ba nhóm giải pháp điều hành tổng thể gồm: đổi mới mô hình tăng trưởng, điều hành kinh tế xã hội linh hoạt, hiệu quả để góp phần tăng thu ngân sách hằng năm với tinh thần năm sau phải cao hơn năm trước; điều hành chính sách tài khóa linh hoạt, hiệu quả theo hướng triệt để tiết kiệm và chống lãng phí để tập trung nguồn lực cho đầu tư phát triển; sửa đổi thể chế, tháo gỡ nút thắt, điểm nghẽn trong thu hút nguồn lực trong lĩnh vực tài chính, đầu tư.
"Các giải pháp này Chính phủ đã có tờ trình trình Quốc hội thảo luận, thông qua trong kỳ họp này," Thứ trưởng Bùi Văn Khắng thông tin.
Thứ trưởng Bộ Tài chính Bùi Văn Khắng bày tỏ tin tưởng công tác chuẩn bị tài chính cho dự án đường sắt tốc độ cao đã sẵn sàng để đảm bảo được nguồn lực về tài chính ở mức cao nhất. Nguồn: VGP. |
Về 4 phương án huy động nguồn lực. Đầu tiên là xây dựng kế hoạch tài chính quốc gia 5 năm cho 3 giai đoạn đến năm 2035 trên tinh thần chủ động, cân đối nguồn lực để đảm bảo đầy đủ các nhiệm vụ chi của ngân sách Nhà nước theo quy định của Luật Ngân sách.
Trong đó, tập trung ưu tiên chi cho đầu tư phát triển, nhất là các dự án quốc gia và trọng điểm ngành giao thông vận tải, trong đó có dự án đường sắt tốc độ cao, với tinh thần kết hợp cả ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương, lấy ngân sách Trung ương giữ vai trò chủ đạo.
Phương án thứ hai là thu hút nguồn lực, huy động trái phiếu Chính phủ với kỳ hạn lãi suất phù hợp, với điều kiện thị trường và tiến độ thực hiện của các dự án. Phương án ba, thu hút nguồn lực đầu tư trong nước bao gồm cả hình thức hợp tác công tư. Phương án thứ tư là huy động nguồn lực ngoài nước có ưu đãi cao, điều kiện đàm phán hợp lý và ít ràng buộc.
"Với ba giải pháp và bốn phương án huy động nguồn lực như thế, chúng ta tin tưởng rằng công tác chuẩn bị tài chính cho dự án đường sắt tốc độ cao đã sẵn sàng để đảm bảo được nguồn lực về tài chính ở mức cao nhất theo lộ trình đã được phê duyệt," Thứ trưởng Bộ Tài chính Bùi Văn Khắng nói.