Ngày 24/10, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) đã có văn bản gửi Bộ Tài chính, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhằm đề nghị thêm ngân hàng vào nhóm hàng hóa, dịch vụ được giảm 2% thuế giá trị gia tăng (GTGT) trong 6 tháng đầu năm 2024 tại báo cáo trình Quốc hội.
VNBA cho biết hoạt động của các tổ chức tín dụng (TCTD) hiện nay đang hết sức khó khăn, nợ xấu và nợ rủi ro tiềm ẩn có xu hướng tăng cao. Hiệp hội dự báo rằng kết quả hoạt động năm 2023 và năm 2024 của các TCTD sẽ sụt giảm mạnh so với các năm trước, đặc biệt là TCTD quy mô nhỏ.
Trong khi còn gặp nhiều khó khăn, các TCTD vẫn phải triển khai các chương trình hỗ trợ lãi suất, miễn giảm phí dịch vụ cho doanh nghiệp và người dân theo chỉ đạo của Chính phủ, VNBA cho biết thêm.
Do đó, nhằm tạo điều kiện cho các TCTD có thêm nguồn lực hỗ trợ doanh nghiệp và chuyển đổi số, đảm bảo an ninh an toàn trong hoạt động, VNBA đề nghị bổ sung ngân hàng vào nhóm hàng hóa, dịch vụ được giảm 2% thuế suất thuế GTGT trong Báo cáo tình hình thực hiện NSNN năm 2023, dự toán NSNN năm 2024 để trình Quốc hội ra Nghị quyết chung.
Theo thống kê của Mekong ASEAN từ báo cáo tài chính của 11 ngân hàng đã công bố tính đến ngày 25/10, lợi nhuận trước thuế 9 tháng đầu năm của 8/11 ngân hàng ghi nhận mức giảm so với cùng kỳ.
Trong đó, lợi nhuận tại VPBank đã sụt giảm quý thứ 4 liên tiếp. Lợi nhuận trước thuế trong quý III của ngân hàng đạt hơn 3.117 tỷ đồng, giảm hơn 30,7% so với cùng kỳ năm trước, chủ yếu đến từ sự sụt giảm nguồn thu chính với thu nhập lãi thuần giảm 15% so với cùng kỳ năm trước, đạt 8.837 tỷ đồng. Lũy kế 9 tháng, lợi nhuận trước thuế đạt 8.279 tỷ đồng, giảm 58% so với cùng kỳ.
BacABank cũng báo lãi giảm 23% so với cùng kỳ, lũy kế 9 tháng, lợi nhuận trước thuế chỉ đạt 551 tỷ đồng.
LPBank sụt giảm 24% lợi nhuận trước thuế so với cùng kỳ năm trước, chỉ đạt 3.678 tỷ đồng sau 9 tháng, hoàn thành 61,45% kế hoạch lợi nhuận năm.
Tương tự, TPBank giảm 16% lợi nhuận trước thuế so với cùng kỳ, xuống còn gần 5.000 tỷ đồng tại thời điểm kết thúc quý 3/2023...
Theo các chuyên gia phân tích của Chứng khoán SSI, biên lợi nhuận (NIM) suy giảm cùng gánh nặng về trích lập dự phòng do nợ xấu có xu hướng tăng là những nguyên nhân chính khiến lợi nhuận nhiều ngân hàng suy giảm.
Dù vậy, ngân hàng vẫn được đánh giá là một trong những nhóm ngành có triển vọng tăng trưởng lợi nhuận tích cực trong quý cuối năm.