Bộ trưởng Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung - Ảnh: quochoi.vn |
Tiếp tục chương trình phiên họp 25, sáng 17/8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến vào dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi). Bộ trưởng Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung đại diện Chính phủ trình bày Tờ trình về dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi),
Giảm độ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội từ 80 tuổi xuống 75 tuổi
Một trong những chính sách được Chính phủ đề xuất là bổ sung trợ cấp hưu trí xã hội, trong đó quy định công dân Việt Nam từ đủ 75 tuổi trở lên mà không có lương hưu, trợ cấp BHXH hàng tháng khác sẽ được hưởng trợ cấp hưu trí xã hội do ngân sách Nhà nước đảm bảo.
Dự thảo Luật cũng giao Chính phủ báo cáo Quốc hội quyết định điều chỉnh giảm dần độ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội phù hợp với khả năng của NSNN từng thời kỳ.
Chính phủ cho biết, việc giảm độ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội từ 80 tuổi xuống còn 75 tuổi sẽ giúp mở rộng đối tượng thụ hưởng trợ cấp hưu trí xã hội và bảo hiểm y tế thêm khoảng 800.000 đến 1 triệu người.
Thẩm tra sơ bộ nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh cho biết, còn 2 luồng ý kiến khác nhau. Ý kiến tán thành cho rằng, quy định trên là phù hợp, nhằm hướng tới bảo đảm an sinh xã hội trên diện rộng. Ý kiến ở chiều ngược lại đánh giá, quy định này chưa thực sự phù hợp với nguyên lý của bảo hiểm là đóng - hưởng và bù đắp thu nhập.
Đa số ý kiến Thường trực Ủy ban Xã hội và một số ý kiến của các cơ quan của Quốc hội, các cơ quan của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tham gia thẩm tra, góp ý đối với dự án Luật, nhất trí việc bổ sung tầng trợ cấp hưu trí xã hội như đề xuất của Chính phủ. Các cơ quan cho rằng, đây là một trong những giải pháp góp phần hướng tới mục tiêu bao phủ bảo hiểm xã hội toàn dân, phù hợp với thông lệ và kinh nghiệm quốc tế.
Tuy nhiên, cơ quan thẩm tra đề nghị Chính phủ đánh giá kỹ hơn tác động của chính sách này, nêu rõ phương thức chuyển kinh phí và việc thanh toán, quyết toán. Chính phủ nghiên cứu để bổ sung quy định theo hướng linh hoạt hơn việc huy động các nguồn lực xã hội đóng thêm, phương thức đóng linh hoạt để các đối tượng này có mức hưởng cao hơn.
Đề xuất mở rộng BHXH bắt buộc đến chủ hộ kinh doanh có đăng ký
Một điểm quan trọng khác, dự thảo quy định mở rộng đối tượng tham gia BHXH bắt buộc đối với: Chủ hộ kinh doanh (có đăng ký kinh doanh); Người quản lý doanh nghiệp, kiểm soát viên, người đại diện phần vốn Nhà nước…; Người lao động làm việc không trọn thời gian (người lao động làm việc theo chế độ linh hoạt); Người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố tương tự như đối với người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã…
"Việc bổ sung các đối tượng trên đảm bảo phù hợp với những quy định mới của Bộ luật Lao động, gia tăng quyền lợi khi các nhóm đối tượng này tham gia BHXH bắt buộc; thể hiện định hướng từng bước mở rộng diện bao phủ đối tượng tham gia BHXH bắt buộc", tờ trình nhấn mạnh
Thẩm tra nội dung này, Thường trực Ủy ban Xã hội cho rằng việc này không phải "chìa khóa" duy nhất để đạt được mục tiêu về tăng tỷ lệ tham gia BHXH, mà phải thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp.
Các cơ quan tham gia thẩm tra, góp ý kiến cũng đề nghị Chính phủ giải trình rõ vì sao không mở rộng đối tượng tham là chủ hộ kinh doanh của hộ kinh doanh không thuộc diện phải đăng ký kinh doanh (khoảng 3 triệu người).
Toàn cảnh Phiên họp về nội dung Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi). |
Đóng BHXH 15 năm sẽ được hưởng lương hưu
Dự thảo luật sửa đổi lần này giảm điều kiện về số năm đóng BHXH tối thiểu để được hưởng lương hưu hàng tháng từ 20 năm xuống 15 năm. Chính phủ cho rằng, việc này nhằm tạo cơ hội cho những người tham gia muộn hoặc quá trình tham gia không liên tục có thời gian đóng BHXH ngắn được hưởng lương hưu thay vì phải nhận BHXH một lần.
"Việc quy định thời gian đóng BHXH tối thiểu để được hưởng lương hưu là phải đủ 20 năm như hiện hành đã gây khó khăn, giảm cơ hội được hưởng lương hưu của một số đối tượng do không đóng đủ 20 năm", Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nói và cho biết Điều 71 dự thảo quy định người lao động khi đủ tuổi nghỉ hưu mà có thời gian đóng BHXH từ đủ 15 năm trở lên được hưởng lương hưu hàng tháng.
Thẩm tra nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh cho biết, có 2 loại ý kiến. Bên cạnh ý kiến tán thành với đề xuất của Chính phủ thì có ý kiến đề nghị giữ nguyên quy định 20 năm như hiện hành để đảm bảo tiền lương hưu được nhận không quá thấp và cũng tạo sự hấp dẫn cho chế độ hưu trí về mức hưởng, bảo đảm mức sàn an sinh xã hội nhất định.
Đa số ý kiến Thường trực Ủy ban Xã hội cho rằng, quy định về việc giảm số năm tối thiểu đóng bảo hiểm xã hội xuống còn 15 năm là phù hợp, tạo điều kiện, thu hút nhóm người lao động cao tuổi (từ 45 đến 55 tuổi), thậm chí kể cả đối với một số nhóm đối tượng đã hưởng chế độ BHXH một lần, có thể tham gia hoặc quay lại tham gia để được hưởng lương hưu.
Quy định này cũng cần thiết để khuyến khích người lao động bảo lưu thời gian, chờ nhận lương hưu khi đến tuổi quy định, tạo cơ hội giữ người lao động ở lại trong hệ thống BHXH, góp phần thúc đẩy tính liên kết đa tầng, linh hoạt của hệ thống.
Tuy nhiên, để có cơ sở vững chắc khi lựa chọn phương án báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định, cơ quan thẩm tra đề nghị Chính phủ cần giải trình kỹ lưỡng, thuyết phục về việc thay đổi này.
Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh. |
Hai phương án hưởng bảo hiểm xã hội một lần
Về vấn đề hưởng BHXH một lần, Bộ trưởng cho biết, để giảm tình trạng này, giúp người lao động được thụ hưởng tối đa các quyền lợi dài hạn khi họ đến tuổi nghỉ hưu, dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) đã có nhiều sửa đổi, bổ sung theo hướng gia tăng quyền lợi, tăng tính hấp dẫn khuyến khích người lao động bảo lưu thời gian đóng để hưởng lương hưu thay vì nhận BHXH một lần.
Về quy định hưởng BHXH một lần, dự thảo đề xuất 2 phương án:
Phương án 1, quy định việc hưởng BHXH một lần đối với hai nhóm người lao động khác nhau.
Trong đó nhóm 1 là đối với người lao động đã tham gia BHXH trước khi Luật BHXH (sửa đổi) có hiệu lực, sau 12 tháng nghỉ việc, có nhu cầu thì được nhận BHXH một lần.
Còn nhóm 2, đối với người lao động bắt đầu tham gia BHXH từ ngày Luật BHXH (sửa đổi) có hiệu lực trở đi (dự kiến 1/7/2025) thì không được nhận BHXH một lần.
Phương án này có ưu điểm là từng bước khắc phục được tình trạng hưởng BHXH một lần của thời gian qua. Theo dữ liệu thống kê thời gian qua thì với phương án này, trong những năm đầu số người hưởng BHXH một lần có thể không giảm nhiều nhưng càng những năm sau giảm càng nhiều, từ năm thứ 5 trở đi sẽ giảm nhanh.
Còn nhược điểm là do chỉ áp dụng đối với người lao động bắt đầu tham gia BHXH từ ngày Luật này có hiệu lực, cho nên hơn 17,5 triệu người lao động đang tham gia BHXH vẫn có quyền lựa chọn hưởng BHXH một lần. Do vậy, số người hưởng BHXH một lần không giảm nhiều, đặc biệt trong những năm đầu sau khi Luật mới có hiệu lực.
Phương án 2, sau 12 tháng không thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc, không tham gia BHXH tự nguyện và có thời gian đóng BHXH chưa đủ 20 năm mà người lao động có yêu cầu thì được giải quyết một phần nhưng tối đa không quá 50% tổng thời gian đã đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất. Thời gian đóng BHXH còn lại được bảo lưu để người lao động tiếp tục tham gia và hưởng các chế độ BHXH.
Ưu điểm phương án này là hài hòa quyền lợi người lao động và chính sách an sinh xã hội lâu dài. Mặc dù, số lượt người hưởng BHXH một lần có thể không giảm nhiều so với hiện hành nhưng khi người lao động hưởng BHXH một lần thì người lao động cũng không hoàn toàn ra khỏi hệ thống do vẫn bảo lưu một phần thời gian đóng còn lại (không ảnh hưởng tới số người tham gia).
Ngược lại, nhược điểm là chưa giải quyết triệt để việc rút BHXH một lần theo Luật BHXH và thông lệ quốc tế. Người lao động không được giải quyết hưởng BHXH một lần trên toàn bộ thời gian đóng nên có cảm giác giảm quyền lợi. Bên cạnh đó, theo phương án này thì tình trạng hưởng BHXH một lần khi còn trẻ (chưa đến tuổi nghỉ hưu) sẽ tiếp tục tiếp diễn trong tương lai.
"Đây là vấn đề lớn, hết sức nhạy cảm, phức tạp, Chính phủ báo cáo xin ý kiến Quốc hội đối với 2 phương án nêu trên", Bộ trưởng nhấn mạnh.
Dự kiến, Luật BHXH sửa đổi sẽ được trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XV vào tháng 10 tới.