Khách quốc tế du lịch tại Hội An. Ảnh: Thảo Ngân. |
Chính sách visa còn hạn chế
"Chính sách visa hiện tại của Việt Nam rất hạn chế và phức tạp so với các nước như Singapore, Thái Lan. Trong khi Thái Lan cấp thị thực lên đến 60 ngày, Peru miễn visa đến 90 ngày thì Việt Nam chỉ được 15 ngày", ông Martin Koerner, Trưởng tiểu ban Du lịch, Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam (VBF) nhận định.
Nêu quan điểm tại tọa đàm “Hiến kế hút khách quốc tế” do báo Đầu tư tổ chức ngày 22/3, đánh giá về chính sách visa của Việt Nam, ông Martin Koerner cũng cho biết thị thực điện tử (e-visa) của Việt Nam hiện chưa được áp dụng một cách đầy đủ, nên Việt Nam cần nhanh chóng mở rộng e-visa cho một số nước.
Đồng tình với ý kiến này, Trưởng ban thư ký Hội đồng tư vấn du lịch (TAB) Hoàng Nhân Chính cho rằng: "Việt Nam cần mở rộng danh sách quốc gia được miễn visa, kéo dài thời hạn visa lên 30 - 45 ngày và cho phép khách du lịch được phép nhập cảnh nhiều lần".
"Với các thị trường có mức chi tiêu cao như Đức, Italia, Thụy Sỹ, Na Uy, Đan Mạch, Thụy Điển,...có thể tăng số ngày lưu trú lên 3 tháng vì khách càng ở lâu thì chi tiêu càng nhiều và việc cấp visa điện tử cũng cần được mở rộng cho tất cả các quốc gia với một hệ thống đơn giản, nhanh chóng", ông Chính nêu.
Singapore miễn visa cho công dân 162 nước, các nước còn lại có thể xin e-visa với thời gian lưu trú đến 90 ngày. Theo ông Chính, nhờ chính sách thị thực này, tỷ lệ phục hồi du lịch của Singapore năm 2022 đã xấp xỉ 30%. "Các nước khác như Thái Lan nới rộng thời gian lưu trú 45 ngày cho công dân của 65 quốc gia, Philippines miễn thị thực cho 157 quốc gia... Đây đều là những nỗ lực để các quốc gia này nhanh chóng phục hồi ngành du lịch sau đại dịch Covid-19", ông Chính nhận định.
"Khơi thông điểm nghẽn visa sẽ giúp chúng ta thực hiện được mục tiêu đón 8 triệu lượt khách quốc tế trong năm 2023”
Bàn thêm về chính sách miễn thị thực, bà Nguyễn Thị Lê Hương, Phó tổng giám đốc CTCP Du lịch và Tiếp thị giao thông vận tải Việt Nam (Vietravel) lại đánh giá: "Chính sách thị thực của Việt Nam đã có tiến bộ rất nhiều nhưng chỉ có một rào cản nhỏ là với những du khách từ những nước không được miễn thị thực thì cần có người trong nước đón tiếp".
"Chúng ta đã thực hiện quy trình xét đương đơn khi xin visa vậy chúng ta nên xét những trường hợp này có cần phải có người trong nước đón tiếp hay không, bởi vẫn có những khách du lịch theo nhóm nhỏ, gia đình đến đây du lịch nhưng không quen biết người bản địa", phó tổng giám đốc Vietravel cho hay.
Theo bà Hương, nếu rào cản nhỏ này được giải quyết thì Việt Nam không có vấn đề gì về visa cả.
Trình Quốc hội ban hành Nghị quyết "mở cửa" visa trong tháng 5
Ghi nhận các ý kiến đóng góp của các chuyên gia về thị thực, ông Đặng Tuấn Việt, Phó Cục trưởng cục Quản lý xuất nhập cảnh (Bộ Công an) cho biết, ngay sau khi Việt Nam mở cửa đón khách quốc tế trở lại, chúng ta đã khôi phục chính sách thị thực như trước dịch Covid-19.
Ông Đặng Tuấn Việt, phó Cục trưởng cục Xuất nhập cảnh (Bộ Công an). |
Phó Cục trưởng cục Xuất nhập cảnh thông tin, từ ngày 14/3, Bộ Công an đã đăng tải lên cổng thông tin điện tử lấy ý kiến rộng rãi về dự án sửa đổi bổ sung Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam (dự án). Trong đó nêu lên những cởi mở trong chính sách thị thực mà trực tiếp là chính sách miễn thị thực đơn phương và thị thực điện tử.
Theo ông Việt, trong dự án đã đề xuất mở rộng diện các quốc gia được cấp thị thực điện tử từ 80 nước lên mức tối đa nhưng phải đảm bảo các yêu cầu luật định.
Bên cạnh đó, đề xuất nâng thời hạn tạm trú cho người được cấp visa điện tử từ 30 ngày lên 90 ngày, giá trị của thị thực điện tử là một lần hoặc nhiều lần căn cứ theo nhu cầu của người nước ngoài.
Thứ ba là kéo dài thời gian tạm trú đối với người nước ngoài được hưởng quy chế miễn thị thực đơn phương từ 15 ngày lên 30 ngày và có thể được gia hạn tạm trú, cấp thị thực thẻ tạm trú nếu đáp ứng được các yêu cầu khác của pháp luật.
Để không bỏ lỡ cơ hội phát triển, tranh thủ thời gian cao điểm du lịch năm 2023, trong khi dự án luật chưa được sửa đổi, ông Việt cho biết Bộ Công an đã đề xuất Chính phủ đưa các nội dung đề xuất trên vào Nghị quyết chung của Quốc hội tại kỳ họp gần nhất vào tháng 5.
"Đây là căn cứ quan trọng để Chính phủ chỉ đạo, ban hành quy định để thực hiện ngay, tranh thủ được thời gian cao điểm đón khách du lịch quốc tế trong năm 2023", phó Cục trưởng cục Xuất nhập cảnh cho hay.
Trong khi đó, dù nhấn mạnh visa là điều kiện cần nhưng chưa đủ để phát triển du lịch, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Hà Văn Siêu cho rằng, cần phải nhìn nhận lại Việt Nam là điểm đến nhiều tiềm năng nhưng vẫn còn nhiều hạn chế.
Phó Tổng cục trưởng tổng cục du lịch thông tin thêm, sắp tới đây sẽ có rất nhiều chính sách để thúc đẩy ngành du lịch, sau Hội nghị trực tuyến về du lịch của Chính phủ ngày 15/3 vừa qua sẽ có nghị quyết về phát triển du lịch hay nghị quyết chung của Quốc hội tại kỳ họp gần nhất vào tháng 5.
"Những tháo gỡ về visa, quy trình thủ tục, sự liên kết hợp tác giữa doanh nghiệp và các cơ quan quản lý sẽ là những bước tiến giúp phát triển du lịch trong thời gian tới", Phó Tổng cục trưởng Hà Văn Siêu khẳng định.