Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh. Ảnh: CTTĐT Quốc hội |
Sáng 25/10, Quốc hội tiến hành thảo luận phiên toàn thể tại hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn.
Trình bày báo cáo tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, trên cơ sở ý kiến của các đại biểu Quốc hội tại kỳ họp thứ 7, các cơ quan của Quốc hội và Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo các cơ quan liên quan nghiên cứu tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật.
Dự thảo Luật sau khi được tiếp thu, chỉnh lý và hoàn thiện gồm 6 chương và 65 điều; bỏ 2 điều và bổ sung 2 điều so với dự thảo Luật trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 7.
Về mối quan hệ giữa các quy hoạch thuộc hệ thống quy hoạch đô thị và nông thôn, dự thảo Luật được chỉnh lý theo hướng quy định rõ quy hoạch chung, quy hoạch phân khu và quy hoạch chi tiết có tính chất cụ thể hóa, chi tiết hóa dần; đồng thời, quy định rõ các nội dung tại quy hoạch chung được cụ thể hóa tại quy hoạch phân khu, các nội dung tại quy hoạch phân khu được cụ thể hóa tại quy hoạch chi tiết. Nội dung, yêu cầu và nguyên tắc cụ thể hóa phải được xác định, quy định rõ trong quy hoạch, bảo đảm rõ ràng, thuận lợi cho quá trình tổ chức thực hiện.
Mối quan hệ giữa quy hoạch thuộc hệ thống quy hoạch đô thị và nông thôn với quy hoạch thuộc hệ thống quy hoạch quốc gia đã được quy định cụ thể tại Luật Quy hoạch năm 2017; theo đó, khoản 4 Điều 6 Luật Quy hoạch quy định quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn phải phù hợp với quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh.
Liên quan đến nội dung này, ngày 24/9/2024, Chính phủ đã có Tờ trình số 513/TTr-CP về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư và Luật Đấu thầu trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 8 theo trình tự, thủ tục rút gọn.
Theo đó, Chính phủ đã đề xuất sửa Luật Quy hoạch năm 2017 theo hướng mở rộng phạm vi điều chỉnh của Luật Quy hoạch, trong đó quy định rõ quy hoạch đô thị và nông thôn là “quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành” thuộc hệ thống quy hoạch quốc gia nhưng chưa có quy định rõ ràng, cụ thể về mối quan hệ giữa các quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành và giữa quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành với các quy hoạch khác thuộc hệ thống quy hoạch quốc gia.
Đây là nội dung cần xem xét hết sức kỹ lưỡng, cẩn trọng, cần tiếp tục làm rõ sự phù hợp của dự án đầu tư với các quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh khi xem xét chủ trương đầu tư, tránh gây vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện.
Trong quá trình tiếp thu, chỉnh lý 2 dự thảo Luật, UBTVQH sẽ tiếp tục chỉ đạo các cơ quan nghiên cứu hoàn thiện, bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất giữa 2 dự thảo Luật.
Đại biểu Quốc hội tại phiên họp sáng 25/10. Ảnh: CTTĐT Quốc hội |
Về quy hoạch chung thành phố trực thuộc Trung ương, trên cơ sở ý kiến của Chính phủ và đề xuất của các thành phố trực thuộc Trung ương, trong bối cảnh các quy hoạch vừa mới được phê duyệt hoặc đang trong quá trình hoàn thiện trình phê duyệt, cần có thời gian kiểm nghiệm, tổ chức thực hiện trên thực tế, dự thảo Luật tiếp tục giữ quy định đối với thành phố trực thuộc Trung ương vẫn lập hai loại quy hoạch là quy hoạch tỉnh và quy hoạch chung thành phố trực thuộc Trung ương; trong đó, quy hoạch chung thành phố trực thuộc Trung ương là quy hoạch cụ thể hóa quy hoạch tỉnh.
Thời gian tới, đề nghị các Bộ, ngành và các thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức thực hiện các quy hoạch đã được phê duyệt bảo đảm hiệu quả; nâng cao chất lượng rà soát, kịp thời điều chỉnh các quy hoạch trong trường hợp phát hiện mâu thuẫn, tránh gây vướng mắc, khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh và đời sống của người dân.
Về trường hợp cần lập riêng quy hoạch chung xã, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, dự thảo Luật đã được chỉnh sửa theo hướng cơ bản không lập quy hoạch chung xã; quy hoạch huyện bao hàm cả các nội dung định hướng phát triển xã; chỉ lập quy hoạch chung xã trong trường hợp xã có đặc thù phải lập riêng quy hoạch chung xã.
Về thời hạn lập quy hoạch phân khu đô thị, trên cơ sở ý kiến của Chính phủ về đơn giản hóa trình tự, thủ tục để rút ngắn thời gian hoàn thành quy hoạch phân khu, dự thảo Luật đã được chỉnh sửa như sau:
Không quy định lấy ý kiến cộng đồng dân cư đối với bước nhiệm vụ quy hoạch (chỉ lấy ý kiến các cơ quan quản lý Nhà nước có liên quan).
Thời gian lấy ý kiến các cơ quan được điều chỉnh giảm từ 10 ngày xuống 7 ngày; thời gian thẩm định nhiệm vụ quy hoạch được điều chỉnh giảm từ 25 ngày xuống 15 ngày; thời gian thẩm định quy hoạch phân khu đô thị được điều chỉnh giảm từ 60 ngày xuống 30 ngày.
Bổ sung quy định trong nội dung quy hoạch chung phải xác định các khu vực dự kiến lập các quy hoạch phân khu.
Trên cơ sở đó, dự thảo Luật đã chỉnh lý quy định về thời gian tối đa hoàn thành việc lập, phê duyệt quy hoạch phân khu đô thị sau khi quy hoạch chung đô thị được phê duyệt từ 12 tháng xuống còn 6 tháng.
UBTVQH đề nghị Chính phủ tiếp tục theo dõi, chỉ đạo nội dung này trong quá trình tổ chức thi hành Luật sau khi được ban hành, tiếp tục rà soát yêu cầu nội dung để rút ngắn thời gian tại tất cả các bước trong trình tự lập và phê duyệt quy hoạch đô thị nông thôn.
Năm 2025 sẽ có cầu nối liền hai tỉnh Bắc Ninh và Hải Dương |
Động lực mới cho khơi thông nội lực, kết nối giao thương |
Cần thiết điều chỉnh Quy hoạch sử dụng đất quốc gia |