Bệnh nhân sốt xuất huyết được điều trị tại Bệnh viện Đại học Y Shaheed Suhrawardy ở Dhaka, Bangladesh ngày 2/10. Ảnh: AFP |
Theo CNN trích dẫn số liệu từ Tổng cục Dịch vụ Y tế Bangladesh ngày 2/10, kể từ tháng 1 đầu năm, nước này đã ghi nhận hơn 208.000 ca nhiễm sốt xuất huyết, với 1.017 nạn nhân tử vong, trong đó có hơn 100 trẻ em. Tỷ lệ tử vong do đợt bùng dịch này cao gần gấp 4 lần so với năm ngoái khi số nạn nhân thiệt mạng là 281 người.
Cơ quan này cho biết chỉ trong tháng 9 vừa qua, Bangladesh đã ghi nhận hơn 79.600 trường hợp nhiễm bệnh và 396 trường hợp tử vong. Làn sóng bệnh nhân đổ tới các cơ sở y tế đã gây áp lực lên hệ thống chăm sóc sức khỏe của quốc gia Nam Á này và đẩy các bệnh viện vào tình trạng thiếu giường bệnh và nhân viên y tế.
Trong khi sốt xuất huyết là bệnh đặc hữu ở quốc gia Nam Á này với số ca nhiễm thường đạt đỉnh vào mùa gió mùa từ tháng 7 đến tháng 9, nhưng số ca bệnh bắt đầu gia tăng từ tháng 4 năm nay - sớm hơn nhiều so với thông thường. Ngoài ra, các quan chức đang lo ngại về việc dịch bệnh bùng phát cả vào những tháng lạnh hơn và bùng phát ở những khu vực ít đông đúc.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) các đợt bùng dịch trước đây tại Bangladesh thường chỉ xảy ra tại các đô thị đông dân như thủ đô Dhaka - nơi sinh sống của hơn 20 triệu người. Tuy nhiên trong năm 2023, dịch sốt xuất huyết đã lây lan tới nhiều khu vực trên cả nước, bao gồm cả khu vực nông thôn.
Trong bối cảnh đó, Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus trong một cuộc họp báo hồi tháng 9 kêu gọi chính phủ Bangladesh “tăng cường giám sát, đẩy mạnh năng lực phòng thí nghiệm, quản lý lâm sàng, truyền thông rủi ro cũng như sự tham gia của cộng đồng” trong thời gian dịch bệnh bùng phát.
Các chuyên gia y tế công cộng trong nước cũng kêu gọi chính phủ và các cơ quan bộ ngành tập trung vào các biện pháp phòng ngừa, bao gồm phát hiện sớm và giúp nạn nhân tiếp cận các dịch vụ y tế, đặc biệt là trong bối cảnh bệnh có thể tái nhiễm nghiêm trọng hơn và thậm chí gây tử vong.
Những lời kêu gọi không chỉ có tác động cảnh báo với Bangladesh mà còn với nhiều quốc gia khác trên thế giới. Nguyên nhân là do một khi hành tinh nóng lên nhanh chóng do con người đốt nhiên liệu hóa thạch, các đợt bùng phát sốt xuất huyết sẽ trở nên ngày càng phổ biến hơn.
Trên thực tế, số liệu của WHO cho thấy số ca mắc bệnh này đã tăng 8 lần trong 2 thập kỷ qua. Trong năm 2023, dịch bệnh này đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới Nam Mỹ trong khi đẩy Peru vào đợt bùng dịch tồi tệ nhất trong lịch sử. Tại bang Florida, Mỹ, các ca nhiễm sốt xuất huyết khiến chính quyền phải đặt một số quận trong tình trạng báo động trong khi tại khu vực châu Á, số ca nhiễm sốt xuất huyết gia tăng tại Sri Lanka, Thái Lan, Malaysia cùng các quốc gia khác. Một số quốc gia ở châu Phi cận Sahara, ví dụ như Chad, cũng đã báo cáo dịch sốt xuất huyết bùng phát.