Ảnh: Getty Images

Điểm danh các startup công nghệ Đông Nam Á IPO tại Mỹ

IPO asean
10:10 - 04/02/2022
Lĩnh vực công nghệ tại Đông Nam Á vẫn đang ở giai đoạn non trẻ, nhưng không ít các startup trong lĩnh vực này vẫn quyết chọn bước đi táo bạo tiến ra biển lớn bằng cách IPO ngay tại Mỹ, thị trường chứng khoán lớn nhất thế giới.

Dù niêm yết tại các sàn giao dịch lớn như NYSE và Nasdaq đòi hỏi các yêu cầu nghiêm ngặt vào loại nhất thế giới, nhưng đổi lại, lợi ích mà nó mang đến cho các công ty rất hấp dẫn. Lợi ích đầu tiên là giúp các startup có thể nắm quyền kiểm soát công ty của mình tốt hơn. Các sàn giao dịch như NYSE và các sàn giao dịch khác tại Mỹ nói chung đều sử dụng một loại cấu trúc cổ phiếu cho phép các doanh nghiệp có thể kêu gọi vốn mà không bị mất đi phần lớn quyền lực vào tay các cổ đông mới.

Ngoài ra, việc niêm yết tại các sàn giao dịch tại Mỹ cũng giúp đơn giản hóa bất kì thương vụ M&A nào trong tương lai, nếu các startup này muốn mua lại bất kì doanh nghiệp nào đang niêm yết tại Mỹ. Các công ty cũng có thể đạt được nhiều danh tiếng hơn khi lựa chọn niêm yết tại đây.

Tuy nhiên, việc nằm dưới sự giám sát của Ủy ban Chứng khoán và Sàn giao dịch Mỹ (SEC) có thể đem lại nhiều công việc giấy tờ và nhiều quy trình phức tạp hơn, đặc biệt là với các doanh nghiệp quốc tế. Nhưng về mặt lâu dài điều này sẽ đem lại lợi ích, khi các nhà đầu tư thường sẽ đánh giá cao tính minh bạch được cung cấp bởi SEC.

Do đó, trong số các công ty và kỳ lân công nghệ mọc như nấm sau mưa tại khu vực Đông Nam Á mỗi năm, có nhiều startup đã lựa chọn con đường niêm yết tại Mỹ. Có những công ty thành công, nhưng có những công ty thì ngược lại. Tuy nhiên, điều này không trở thành bước cản đối với những công ty công nghệ khác tiếp tục "Mỹ tiến".

Ảnh: Techinasia

Ảnh: Techinasia

MOL Global - Malaysia

MOL Global đã làm nên lịch sử khi trở thành công ty công nghệ đầu tiên của Malaysia chính thức niêm yết tại sàn giao dịch Nasdaq của Mỹ. Startup chuyên về lĩnh vực thanh toán online này cũng là công ty đi tiên phong Đông Nam Á về IPO tại Mỹ vào năm 2014.

Được thành lập vào năm 2000, theo Frost and Sullivan, startup này là công ty thanh toán điện tử lớn nhất Đông Nam Á về khối lượng giao dịch tính đến năm 2016. Ngoài nền tảng thanh toán trực tuyến MOLPay và một nền tảng khác là MOLPoints, công ty còn cho ra mắt một hệ thống chuyển tiền và thanh toán trên điện thoại khá tương đồng với Alipay của Alibaba với cái tên là MOLWallet.

Tuy nhiên, doanh nghiệp này đã có một khởi đầu không mấy thuận lợi khi chỉ kêu gọi được 169 triệu USD cho đợt IPO của mình – một con số kém xa so với mục tiêu 300 triệu USD ban đầu. MOL Global cũng định giá cổ phiếu của mình ở mức 12,50 USD nhưng mở đầu với mức giá 10,75 USD và kết thúc phiên giao dịch ở mức 8,14 USD.

Sau đó, giá cổ phiếu của công ty vẫn không có dấu hiệu phục hồi. Vào ngày 13/6/2016, doanh nghiệp này đã tuyên bố hủy niêm yết tại sàn giao dịch Nasdaq, sau khoảng 18 tháng kể từ lúc chính thức ra mắt trên đây.

Giám đốc điều hành Sea Group cùng Chủ tịch NYSE Tom Farley. Ảnh: NYSE
Giám đốc điều hành Sea Group cùng Chủ tịch NYSE Tom Farley. Ảnh: NYSE

Sea Group - Singapore

Được thành lập vào năm 2009 với khởi đầu là một công ty game, Sea Group đã dần phát triển thành một đế chế như ngày nay. Sau sự thành công vang dội của mảng kinh doanh game với Garena, tập đoàn này dần nắm bắt được xu hướng sử dụng điện thoại thông minh đang gia tăng trong khu vực và đầu tư vào mảng thương mại điện tử với sự ra đời của Shoppe vào năm 2015.

Đến năm 2017, tập đoàn chính thức đổi tên thành Sea Group, phần nào thể hiện tham vọng của mình tại khu vực Đông Nam Á. Đến ngày 20/10/2017, Sea Group chính thức được ra mắt trên sàn giao dịch chứng khoán New York tại Mỹ dưới mã SE do SEA đã được dùng bởi một công ty khác mang tên Guggenheim Shipping.

Do nhu cầu cao, tập đoàn được hậu thuẫn bởi gã khổng lồ công nghệ Tencent của Trung Quốc đã tăng quy mô chào bán lên 59 triệu cổ phiếu thay vì 49,69 triệu cổ phiếu ban đầu. Thương vụ IPO của công ty lên tới mức 884 triệu USD, tuy nhiên nó hoàn toàn có thể đạt tới 1 tỷ USD nếu như tất cả cổ phần phân bổ được mua bởi các nhà bảo lãnh phát hành.

Trong ngày đầu giao dịch, cổ phiếu của hãng được chào bán ở mức 15 USD, cao hơn mức dự đoán từ 12 USD đến 14 USD. Mở màn với mức giá 16,25 USD, cổ phiếu của Sea tụt xuống 14,10 USD rồi kết thúc phiên giao dịch ở mức hơn 16 USD. Việc này cũng đánh dấu đợt niêm yết lớn đầu tiên của một công ty công nghệ Đông Nam Á, sau đợt ra mắt không mấy suôn sẻ của MOL Global khi cổ phiếu của hãng giảm hơn 30% sau ngày đầu ra mắt.

Việc Sea Group niêm yết trên NYSE là một phép thử của thị trường chung đối với các thị trường mới nổi như Đông Nam Á và tập đoàn đã chứng tỏ được sự thành công của mình. Vượt qua ngưỡng kỳ lân công nghệ, hiện giá trị vốn hóa thị trường của Sea đã lên tới 137 tỷ USD, lớn hơn cả ngân hàng số một tại Singapore hiện tại là DBS. Trong 10 tháng gần đây nhất, cổ phiếu của hãng đã tăng tới 5 lần. Tính riêng tại thị trường bản địa Singapore, tập đoàn đang có hơn 3.000 nhân viên đang làm việc và thêm nhiều nhân viên khác tại các nước như Việt Nam, Thái Lan hay Nhật Bản và khu vực Nam Mỹ.

Hiện tại, phần lớn sự tăng trưởng của tập đoàn vẫn tới từ mảng kinh doanh game, mở đầu là sự thành công của tựa game Free Fire và sau đó là giải đấu thể thao điện tử (e-sport) năm 2019 thu hút tới 130 triệu lượt khán giả. Trong khi đó, doanh thu mảng thương mại điện tử của tập đoàn vẫn không có sự tăng trưởng đáng kể do biên lợi nhuận vốn thấp của ngành này và tính cạnh tranh cao trong khu vực.

Tuy nhiên, Sea hoàn toàn có cơ hội thống trị ngành thương mại điện tử Đông Nam Á khi một ông lớn khác của Trung Quốc là Alibaba được đánh giá là có những hạn chế về văn hóa và tổ chức khiến tập đoàn này không thể vận hành tốt ở thị trường quốc tế ngoài Trung Quốc.

Với việc đạt được giấy phép kinh doanh ngân hàng số tại Singapore và thành công trong thương vụ mua lại Ngân hàng Kesejahteraan Ekonomi của Indonesia, Sea Group tiếp tục mở rộng sang mảng thanh toán số. Với SeaMoney, tập đoàn này hy vọng sẽ nối tiếp thành công trên mặt trận mới.

Ảnh: Reuters

Ảnh: Reuters

Grab - Singapore

Singapore tiếp tục dẫn đầu khu vực với vị thế là trung tâm kinh tế và tài chính của khu vực khi Grab – hãng gọi xe và giao hàng lớn nhất tại Đông Nam Á là công ty tiếp theo có màn ra mắt thành công trên thị trường chứng khoán Mỹ. Ngày 2/12/2021, Grab chính thức niêm yết trên sàn giao dịch Nasdaq sau khi sáp nhập thành công với một công ty SPAC mang tên Altimeter Growth. Thương vụ này đã giúp tập đoàn được định giá ở mức 40 tỷ USD và biến việc niêm yết của Grab thành thương vụ niêm yết tại Mỹ lớn nhất trong lịch sử của một công ty Đông Nam Á.

Tham dự vào sự kiện ngày hôm đó ngoài các giám đốc điều hành của Grab và Nasdaq còn có hơn 250 người khác gồm các nhà đầu tư, tài xế và nhân viên của hãng. Sau màn ra mắt, cổ phiếu của hãng đã có lúc tăng tới 21% trước khi kết thúc phiên giao dịch ở mức thấp hơn giá chào bán hơn 20% là 8,75 USD.

Cho đến nay, Grab vẫn chưa có lãi. Tuy nhiên, vụ chào sàn thông qua SPAC của công ty đã giúp thu hút sự ủng hộ mạnh mẽ của các nhà đầu tư với 4,5 tỷ USD tiền vốn được rót. Thời điểm ra mắt của Grab cũng được cho là không thuận lợi khi tình hình đại dịch, nhất là sự xuất hiện của biến chủng Omicron khiến tình hình ngày càng tồi tệ hơn. Dù Grab đã trải qua quý III/2021 đầy khó khăn khi các nước Đông Nam Á, nhất là thị trường quan trọng Việt Nam bị phong tỏa vì dịch bệnh, giám đốc tài chính của Grab là Peter Oey vẫn tin vào tiềm năng phục hồi của hãng.

Theo ông Oey, Grab vẫn còn tiềm năng phát triển rộng mở tại thị trường quê nhà của mình. Nguyên nhân do các dịch vụ giao hàng vẫn còn đang ở thời kì non trẻ. Thêm vào đó, các dịch vụ gọi xe cũng chưa được phát triển như ở Trung Quốc. Thị trường Đông Nam Á mới chỉ là khởi đầu của hãng, và nhà sáng lập Anthony Tan cũng đã nhấn mạnh rất rõ điều này. Ông cho biết: “Chúng tôi đã thể hiện được với thế giới rằng các công ty công nghệ địa phương cũng có thể tạo ra công nghệ cạnh tranh được trên toàn cầu, kể cả khi các tập đoàn quốc tế cùng tham gia vào cuộc đua”.

Việc niêm yết của Grab mang lại nhiều lợi nhuận ngắn hạn cho các nhà đầu tư lớn từ giai đoạn sơ khai của tập đoàn như Softbank của Nhật Bản và gã khổng lồ gọi xe của Trung Quốc là Didi Chuxing. Số lượng các nhà đầu tư lớn sau đó được mở rộng tới Toyota Motor, Microsoft và siêu ngân hàng của Nhật Bản là MUFG. Uber cũng chính thức trở thành một cổ đông của Grab sau khi bán mảng kinh doanh tại khu vực Đông Nam Á của mình cho tập đoàn này vào năm 2018.

Được thành lập vào năm 2012 bởi hai nhà đồng sáng lập Anthony Tan và Tan Hooi Ling, Grab nhanh chóng phát triển nên siêu ứng dụng của mình và tiến gần hơn trên con đường trở thành công ty tư nhân có giá trị nhất Đông Nam Á. Từ dịch vụ gọi xe ban đầu, hãng đã dần mở rộng sang các dịch vụ khác như giao thức ăn, thanh toán số và dịch vụ tài chính. Hiện có hơn 25 triệu người sử dụng ứng dụng của Grab để giao dịch mỗi ngày, trải rộng trên 465 thành phố tại 8 quốc gia khác nhau.

Đọc tiếp