Doanh nghiệp bán lẻ ‘ngấm đòn’ lạm phát, triển vọng năm 2023 sẽ ra sao?

FPT Retail Digiworld
14:31 - 03/02/2023
Sức mua giảm do lạm phát gây ảnh hưởng trực tiếp đến doanh nghiệp bán lẻ hàng không thiết yếu. Ảnh minh họa
Sức mua giảm do lạm phát gây ảnh hưởng trực tiếp đến doanh nghiệp bán lẻ hàng không thiết yếu. Ảnh minh họa
0:00 / 0:00
0:00
Do nhu cầu tiêu dùng suy giảm trong tháng cuối năm nên hầu hết các doanh nghiệp bán lẻ đều bị ảnh hưởng, đặc biệt là các doanh nghiệp bán lẻ hàng không thiết yếu như điện máy, công nghệ.

Các doanh nghiệp bán lẻ đầu ngành điện máy, công nghệ như CTCP Đầu tư Thế giới Di động (mã MWG), CTCP Bán lẻ Kỹ thuật số FPT (FPT Retail, mã FRT), CTCP Thế giới số (Digiworld, mã DGW) đều ghi nhận doanh thu đi xuống trong quý 4/2022.

Doanh thu bán hàng quý 4 của MWG đạt 30.877 tỷ đồng, giảm 15% so với cùng kỳ năm trước; lợi nhuận sau thuế đạt 619 tỷ đồng, giảm 60%. Lũy kế cả năm 2022, công ty mang về tổng doanh thu 134.722 tỷ đồng, tăng 8,5% so với 2021; lợi nhuận sau thuế đạt 4.102 tỷ đồng, giảm 16%.

Trong báo cáo kinh doanh, MWG cho biết, sau 9 tháng đầu năm 2022 tăng trưởng dương, công ty bắt đầu ghi nhận sự sụt giảm đáng kể về doanh thu và lợi nhuận trong quý 4 do sức mua các sản phẩm điện máy, điện thoại giảm mạnh hơn dự kiến. Xu hướng thắt chặt chi tiêu cũng diễn ra ngay cả đối với thực phẩm và các mặt hàng thiết yếu. Năm 2022 cũng là năm công ty ghi nhận việc tái cấu trúc, cắt bỏ những phần không hiệu quả, tập trung vào những mảng đóng góp giá trị lớn và có tiềm năng tăng trưởng rõ ràng.

FPT Retail ghi nhận doanh thu giảm nhẹ so với cùng kỳ năm trước, đạt 8.491 tỷ đồng. Khấu trừ giá vốn, công ty thu về hơn 1.330 tỷ đồng lợi nhuận gộp, tăng 5%. Tuy nhiên doanh thu tài chính sụt giảm gần một nửa trong khi các khoản chi phí đều tăng cao. Kết quả, lợi nhuận sau thuế của FRT chỉ còn 97 tỷ đồng, giảm 71% so với quý 4/2021.

Theo giải trình từ phía công ty, trong quý 4/2022, FRT đối mặt với nhiều bất lợi đến từ tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng trong đợt mở bán sản phẩm mới của Apple, sức mua mặt hàng ICT giảm mạnh do bị ảnh hưởng bởi yếu tố vĩ mô, chi phí tài chính liên tục tăng cao do lãi suất tăng và căng thẳng thị trường vốn... Những nguyên nhân đó dẫn đến kết quả kinh doanh năm của FPT Shop không đạt như kỳ vọng, bất chấp 9 tháng đầu năm rất tốt.

Lũy kế năm 2022, FRT vẫn ghi nhận tăng trưởng mạnh về doanh thu với 30.166 tỷ đồng, tăng trưởng 34% so với cùng kỳ, hoàn thành 112% kế hoạch năm. Đây cũng là mức doanh thu kỷ lục của công ty kể từ khi hoạt động. Mặc dù vậy, do các khoản chi phí tăng cao nên lợi nhuận sau thuế đạt 398 tỷ đồng, giảm 10% so với kết quả năm 2021.

Doanh thu của Digiworld trong quý 4/2022 giảm 48% so với cùng kỳ năm trước. Giá vốn hàng bán giảm mạnh khiến biên lợi nhuận gộp cải thiện từ 7,7% cùng kỳ lên 11,5% quý này. Dù các chi phí hoạt động cũng được tiết giảm nhưng lợi nhuận sau thuế của Digiworld vẫn giảm 52%, về 155,5 tỷ đồng.

Theo giải trình từ DGW, sau thời gian bùng nổ nhu cầu xu hướng học tập và làm việc tại nhà, lượng cầu mảng mảng máy tính xách tay và máy tính bảng bắt đầu suy giảm.

Tính riêng quý 4/2022, mảng điện thoại di động giảm 50% so với cùng kỳ; mảng thiết bị văn phòng giảm 15%. Ngược lại, ngành hàng thiết bị gia dụng và hàng tiêu dùng khả quan hơn, lần lượt tăng trưởng 150% và 50% so với cùng kỳ nhờ đóng góp doanh thu từ tivi Xiaomi trong mùa World Cup và sản phẩm tiêu dùng, dược phẩm.

Lũy kế cả năm 2022, doanh thu thuần của DGW đạt 22.059 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 684 tỷ đồng, đều tăng khoảng 5% so với cùng kỳ năm trước.

Ảm đạm ít nhất đến nửa đầu năm 2023

Trong báo cáo triển vọng ngành bán lẻ năm 2023, Chứng khoán SSI cho rằng tiêu dùng cho các sản phẩm không thiết yếu sẽ vẫn ảm đạm, ít nhất là cho đến nửa đầu năm 2023 do những khó khăn về kinh tế vĩ mô. Trong nửa đầu năm 2023, SSI cho rằng giá điện, chi phí y tế và học phí sẽ tăng lên; thuế GTGT tăng lên 10% (từ mức hiện tại là 8%) kể từ ngày 1/1/2023. Những yếu tố này sẽ ảnh hưởng đến sức mua của người tiêu dùng.

SSI giả định lạm phát sẽ đạt đỉnh trong 6 tháng đầu năm 2023 và sau đó sẽ giảm tốc trong 6 tháng cuối năm. Ước tính chi tiêu cho điện thoại và điện máy sẽ giảm 10% so với cùng kỳ, với mức chi tiêu thấp cho đến nửa đầu năm 2023, sau đó dần phục hồi từ nửa cuối năm 2023.

Tại buổi gặp mặt nhà đầu tư hồi tháng 11/2022, ông Nguyễn Đức Tài - Chủ tịch MWG cho rằng, khi thu nhập người lao động giảm thì sức mua sẽ có vấn đề và dĩ nhiên ngành bán lẻ cũng bị ảnh hưởng. Người tiêu dùng thắt chặt hầu bao thì những thứ không cần thiết sẽ bị loại bỏ, với những thứ cần thiết họ cũng sẽ mua hàng có giá rẻ hơn. Những ngành bị ảnh hưởng nhiều là những ngành không ảnh hưởng trực diện tới đời sống hàng ngày như điện thoại, điện máy, hàng tiêu dùng...

“Tình hình này sớm nhất phải hết quý 1 năm sau mới có thể cải thiện. Nếu tình hình thế giới vẫn bất ổn thì có thể kéo dài đến quý 3, quý 4/2023. Tuy nhiên chắc chắn một điều rằng quý 4 sẽ dễ thở hơn rất nhiều”, ông Tài nhận định.

Theo SSI, định giá của MWG ở mức hợp lý với P/E năm 2023 là 13,2 lần. FRT được định giá cao với hệ số này là 19,4 lần. Trong khi đó, P/E năm 2023 của DGW đã giảm xuống mức hấp dẫn hơn là 7 lần do tăng trưởng lợi nhuận giảm tốc so với giai đoạn 2017- 2021.

Nhiều dự báo cho rằng tăng trưởng lợi nhuận có thể âm trong 6 tháng đầu năm 2023 đối với các doanh nghiệp bán lẻ công nghệ và điện máy (ICT & CE), SSI cho rằng có thể có cơ hội cho các nhà đầu tư dài hạn tích lũy cổ phiếu trong thời kỳ giá thấp trước khi lấy lại đà tăng trưởng lợi nhuận dương trong nửa cuối năm 2023.

Tin liên quan

Đọc tiếp