Doanh nghiệp thép đi qua 'vùng nhiễu động'

HPG HSG
10:01 - 12/02/2024
Sản xuất thép tại Tập đoàn Hoà Phát. Ảnh: HPG
Sản xuất thép tại Tập đoàn Hoà Phát. Ảnh: HPG
0:00 / 0:00
0:00
Quý cuối năm 2023, kết quả kinh doanh của hầu hết các doanh nghiệp thép niêm yết đều đã có sự phục hồi, cho thấy sự khởi sắc của ngành sau giai đoạn chồng chất khó khăn.

Tổng lợi nhuận của các doanh nghiệp thép trên sàn chứng khoán có quý thứ 2 liên tiếp tăng trưởng so với quý trước. Ước tính trong quý 4/2023, tổng lợi nhuận ngành đạt khoảng 2.500 tỷ đồng, so với quý 3 tăng 22% và khả quan hơn nhiều so với mức âm hơn 5.000 tỷ đồng cùng kỳ năm 2022.

Đó cũng là mức cao nhất trong 6 quý trở lại đây. Sự cải thiện mạnh mẽ này đến từ việc biên lợi nhuận gộp tăng khi chi phí đầu vào giảm, quản lý hàng tồn kho tốt hơn và sản lượng tiêu thụ cải thiện.

Đóng góp lớn nhất cho mức tăng trưởng của ngành quý 4 chính là Tập đoàn Hoà Phát (mã HPG). Doanh nghiệp ghi nhận doanh thu hơn 34.900 tỷ đồng, tăng 33% so với cùng kỳ năm 2022 và tăng 21% so với quý 3/2023. Qua đó, lãi ròng đạt hơn 2.900 tỷ đồng, phục hồi mạnh so với mức lỗ gần 2.000 tỷ đồng của cùng kỳ năm 2022 và tăng 48% so với quý 3/2023.

Đáng chú ý, biên lợi nhuận gộp của Hoà Phát tiếp tục được cải thiện lên mức 12,8%, so với mức 12,5% của quý 3/2023, nhờ giá thép trong nước hồi phục và giá than cốc giảm, mặc dù giá quặng sắt có tăng nhẹ. Ngoài ra, tập đoàn còn nỗ lực quản lý các khoản chi phí và ghi nhận dòng tiền hoạt động kinh doanh dương quý thứ 3 liên tiếp.

Lũy kế cả năm 2023, Hòa Phát đạt 120.355 tỷ đồng doanh thu, giảm 16% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận sau thuế là 6.800 tỷ đồng, giảm 19%.

Tập đoàn Hoa Sen (mã HSG) ghi nhận doanh thu quý 1 niên độ tài chính 2023-2024 (từ 10/2023 đến 12/2023) gần 9.100 tỷ đồng, tăng 15% so với cùng kỳ niên độ trước. Lợi nhuận gộp tăng vọt 494%, đạt 950 tỷ đồng. Biên lợi nhuận gộp cũng được cải thiện mạnh từ mức 2% lên 10%.

Lợi nhuận sau thuế đạt 103 tỷ đồng, cải thiện mạnh so với mức lỗ ròng 680 tỷ đồng của cùng kỳ niên độ 2022-2023, qua đó tiếp tục nối dài đà phục hồi của tập đoàn này kể từ đầu năm 2023. Trước đó, trong quý 4 niên độ tài chính 2022-2023, Hoa Sen lãi 440 tỷ đồng. Còn tính trong 4 quý vừa qua, doanh nghiệp lãi ròng 800 tỷ đồng.

Thép Nam Kim (mã NKG) ghi nhận doanh thu thuần 4.459 tỷ đồng trong quý 4, tăng 3% so với cùng kỳ năm 2022. Giá vốn giảm 7% giúp lợi nhuận gộp của doanh nghiệp đạt hơn 273 tỷ đồng, so với mức lỗ 210 tỷ đồng của quý 4/2022. Lợi nhuận sau thuế đạt hơn 22 tỷ đồng, cải thiện mạnh so với mức lỗ 414 tỷ đồng của cùng kỳ năm 2022.

Lũy kế cả năm 2023, Thép Nam Kim ghi nhận doanh thu thuần 18.595 tỷ đồng, giảm 19% so với năm 2022. Nhờ tiết giảm đáng kể các khoản chi phí tài chính, bán hàng, quản lý doanh nghiệp nên công ty lãi ròng 117 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lỗ gần 125 tỷ đồng.

Ở top sau, nhiều doanh nghiệp thép vẫn ghi nhận thua lỗ trong năm 2023, tuy nhiên bóc tách theo quý thì tình hình đã khả quan hơn trong quý 4 qua việc chuyển lỗ thành lãi, hoặc giảm lỗ.

Gang thép Thái Nguyên (Tisco, mã TIS) vừa báo lãi trở lại sau 5 quý thua lỗ. Cụ thể, công ty mang về 2.741 tỷ đồng doanh thu, tăng 26% so với cùng kỳ năm 2022; lợi nhuận ròng đạt 15,6 tỷ đồng, so với cùng kỳ lỗ 16,8 tỷ đồng.

Mức tăng trưởng lợi nhuận chủ yếu nhờ sự đóng góp của việc cắt giảm chi phí quản lý doanh nghiệp. Nếu cùng kỳ năm trước, Tisco cần đến 114 tỷ đồng cho chi phí này thì đến quý cuối năm 2023 vừa qua, hạng mục này chỉ chiếm 47 tỷ đồng.

Dù kết quả tích cực hơn ở quý 4 nhưng việc thua lỗ nặng nề trong 3 quý đầu năm đã khiến Tisco ghi lỗ ròng 179 tỷ đồng trong năm 2023. Mức lỗ này cao hơn nhiều lần khoản lỗ 9 tỷ đồng của năm trước.

Tổng CTCP Thép Việt Nam - VNSteel (mã TVN) báo lỗ ròng gần 30 tỷ đồng trong quý 4, cải thiện so với khoản lỗ 353 tỷ đồng cùng kỳ năm 2022. Điều tích cực là mức lỗ trong 3 quý gần nhất đã liên tục giảm dần.

Luỹ kế năm 2023, doanh thu của công ty giảm 19% so với năm trước, còn 31.152 tỷ đồng. Việc giảm mạnh giá vốn bán hàng khiến lợi nhuận gộp tăng lên 982 tỷ đồng. Tuy nhiên, gánh nặng chi phí và khoản lỗ công ty liên doanh liên kết lớn khiến công ty vẫn lỗ sau thuế 465 tỷ đồng, giảm 40% so với con số lỗ của năm 2022.

CTCP Đầu tư Thương mại SMC (mã SMC) đạt hơn 3.212 tỷ đồng doanh thu thuần trong quý 4. Giá vốn chiếm tới 98% khiến lợi nhuận gộp chỉ còn vỏn vẹn 48 tỷ đồng. Tuy nhiên, kết quả này đã khả quan hơn so với mức lỗ gộp 368 tỷ đồng của năm 2022.

Dù tiết giảm các khoản chi phí nhưng chi phí quản lý doanh nghiệp gần 330 tỷ đồng (chủ yếu là do trích lập dự phòng nợ xấu 300 tỷ đồng) khiến công ty vẫn lỗ ròng 330 tỷ đồng. Luỹ kế cả năm 2023, SMC ghi nhận doanh thu thuần gần 13.800 tỷ đồng, giảm 41% so với cùng kỳ. Lỗ sau thuế hơn 919 tỷ đồng, so với cùng kỳ lỗ 652 tỷ đồng.

Thép Tiến Lên (mã TLH) ghi nhận doanh thu thuần đạt 2.168 tỷ đồng, tăng hơn 30% so với cùng kỳ năm ngoái. Với việc không còn kinh doanh dưới giá vốn, công ty lãi gộp 33 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lỗ gộp 51 tỷ đồng. Tuy vậy, mức lãi gộp này cũng không đủ để bù những khoản chi phí khác khiến công ty lỗ sau thuế hơn 12 tỷ đồng, so với cùng kỳ lỗ 114 tỷ đồng.

Cả năm 2023, Thép Tiến Lên ghi nhận doanh thu đạt 6.157 tỷ đồng, tăng 16% so với cùng kỳ, lợi nhuận sau thuế ở mức 4 tỷ đồng, giảm 47% so với mức thực hiện năm 2022.

Thua lỗ nặng nhất ngành thép năm 2023 là Thép Pomina (mã POM). Công ty ghi nhận doanh thu thuần 3.281 tỷ đồng, chỉ bằng 25% con số của năm 2022. Công ty lỗ sau thuế gần 961 tỷ đồng, giảm được 28% so với mức lỗ 1.168 tỷ đồng của năm 2022.

Riêng quý 4, doanh nghiệp đạt 333 tỷ đồng doanh thu, chỉ bằng 18% cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên giá vốn hàng bán cũng giảm chỉ còn bằng 15% giúp lợi nhuận gộp đạt 22 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lỗ gần 242 tỷ đồng. Do chi phí lãi vay tăng mạnh nên công ty lỗ ròng gần 314 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lỗ 461 tỷ đồng.

Trong báo cáo gần đây, Chứng khoán MBS kỳ vọng yếu tố tích cực từ giá thép thế giới và thị trường bất động sản phục hồi từ giữa năm 2024 thúc đẩy giá thép nội địa. Biên lợi nhuận gộp các doanh nghiệp thép sẽ cải thiện từ mức trung bình 8% trong năm 2023 lên 13% năm 2024. Giá thép được dự báo sẽ hồi phục khoảng 8% và giá nguyên vật liệu giảm nhẹ 6%, từ đó biên lợi nhuận gộp của các doanh nghiệp sẽ hồi phục lên mức hai chữ số.

Tổng lợi nhuận các doanh nghiệp ngành thép theo đó được MBS dự phóng sẽ tăng trưởng đến 40% so với cùng kỳ trong năm 2024, nhờ doanh thu dự kiến hồi phục 25% trong bối cảnh sản lượng và giá bán tăng trưởng, biên lợi nhuận gộp phục hồi lên mức 13% (so với khoảng 8% của năm 2023), và chi phí tài chính giảm 30% khi áp lực tỷ giá và chi phí lãi vay hạ nhiệt.

Tin liên quan

Đọc tiếp

Vinhomes báo lãi 884 tỷ đồng trong quý 1/2024

Vinhomes báo lãi 884 tỷ đồng trong quý 1/2024

Quý đầu năm 2024, Vinhomes báo lãi 884 tỷ đồng, giảm 92% so với mức 11.917 tỷ đồng của quý cùng kỳ năm ngoái. Lý giải nguyên nhân, doanh nghiệp này cho biết do chưa đến kỳ ghi nhận doanh thu và lợi nhuận cho các sản phẩm đang xây dựng dở dang.
ĐHĐCĐ thường niên 2024 của PV OIL. Nguồn: Petrovietnam.

PV OIL: Theo đuổi mục tiêu niêm yết trên HoSE

Ban lãnh đạo PV OIL thông tin, dự kiến cuối năm 2024 công ty đặt mục tiêu xoá sạch lỗ luỹ kế và trong năm nay hoặc năm tới sẽ bỏ bớt điểm ngoại trừ của kiểm toán trên báo cáo tài chính, đưa cổ phiếu ra khỏi diện cảnh báo.