Doanh nghiệp trẻ muốn có chính sách phát triển cụm công nghiệp nông nghiệp

NÔNG NGHIỆP Công nghiệp
18:10 - 25/04/2023
Phiên thảo luận “Cụm công nghiệp hướng tới chuyển đổi hệ thống lương thực thực phẩm bền vững”, chiều 25/4.
Phiên thảo luận “Cụm công nghiệp hướng tới chuyển đổi hệ thống lương thực thực phẩm bền vững”, chiều 25/4.
0:00 / 0:00
0:00
Bà Nguyễn Thị Lan Hương, Chủ tịch Câu lạc bộ Nông nghiệp Công nghệ cao (DAA) của Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam kiến nghị Chính phủ có thêm nhiều chính sách khuyến khích các doanh nghiệp nhỏ và vừa cùng liên kết đầu tư vào các cụm công nghiệp nông nghiệp.

Tại phiên thảo luận “Cụm công nghiệp hướng tới chuyển đổi hệ thống lương thực thực phẩm bền vững” chiều 25/4, ông Nguyễn Anh Phong, Giám đốc Trung tâm thông tin nông nghiệp nông thôn, Bộ NN&PTNT cho biết, là một quốc gia xuất khẩu nông sản lớn, Việt Nam hiện có nhiều chính sách thay đổi cơ cấu ngành nông nghiệp, với một trong những trọng điểm là khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

Việc xây dựng cụm công nghiệp nông nghiệp đã được Việt Nam đề cập tới, trong đó có các nội dung như tiếp cận hậu cần, chuyển giao công nghệ, giảm chi phí giao dịch, tối ưu hóa chuỗi cung ứng.

Kế hoạch xây dựng cụm công nghiệp nông nghiệp nhận được sự hỗ trợ của các đối tác quốc tế và sự đồng thuận của các địa phương. Năm 2022, Quốc hội Việt Nam đã thí điểm xây dựng trung tâm nông nghiệp tại Cần Thơ với nhiều ưu đãi thuế và các chính sách bổ trợ. Cùng với đó là hình thành trung tâm đổi mới sáng tạo về lương thực, thực phẩm.

“Chúng tôi đã xây dựng trung tâm đổi mới sáng tạo lương thực, thực phẩm Việt Nam với sự tham gia của các bên liên quan, trong khuôn khổ đối tác công tư PPP. Trung tâm có 8 tổ công tác kỹ thuật cho từng nhóm ngành: lúa gạo, cà phê, gia vị, trái cây, rau quả… Đối với mỗi tổ công tác sẽ mời các đồng chủ tọa tham gia với các doanh nghiệp và các nhà khoa học”, ông Phong cho biết.

Với việc thành lập cụm công nghiệp nông nghiệp, bà Nguyễn Thị Lan Hương, Chủ tịch Câu lạc bộ Nông nghiệp Công nghệ cao (DAA) của Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam cho biết, các doanh nghiệp nông nghiệp rất tán thành chủ trương này.

Theo bà Hương, chuỗi giá trị nông nghiệp có sự hiện diện của nhiều bên liên quan, từ trồng trọt, chăn nuôi, logistics, kiểm định, chế biến. Việt Nam có nhiều vùng sản xuất nông nghiệp lớn như Đồng bằng sông Cửu Long, Đông Nam Bộ, Tây Nguyên.

"Nếu tại các vùng sản xuất nông nghiệp rộng lớn đó có thể xây dựng các cụm công nghiệp nông nghiệp sẽ giải quyết được nhiều vấn đề của ngành", bà Hương nói.

Hiện Hội DAA đang hình thành thí điểm xây dựng trung tâm liên kết các doanh nghiệp nông nghiệp tại Gia Lai. Dự án đã được tỉnh phê duyệt có khu trưng bày giới thiệu sản phẩm, dịch vụ thu mua nguyên liệu, chế biến, sản xuất, hình thành chuỗi giá trị nông nghiệp tại Gia Lai.

Đại diện cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ làm nông nghiệp, bà Hương kiến nghị Chính phủ sớm có các chính sách hỗ trợ, khuyến khích nhiều doanh nghiệp, người trẻ tham gia đầu tư vào nông nghiệp, nhất là về lực lượng lao động.

"Câu lạc bộ DAA kiến nghị Chính phủ quan tâm hơn nữa về việc đưa ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chế biến sau thu hoạch và đặc biệt là khâu chọn tạo giống, nhất là giống có khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu. Một trong các dịch vụ cần có khác tại các cụm công nghiệp nông nghiệp là khâu tư vấn về các kỹ thuật tiên tiến, xúc tiến thương mại và liên kết sản xuất".

Bà Nguyễn Thị Lan Hương, Chủ tịch Câu lạc bộ DAA

Theo bà Nguyễn Thị Lan Hương, Chính phủ đã có nhiều chính sách thúc đẩy chủ trương này, như Quyết định 98 hỗ trợ nông dân tham gia vào chuỗi cung ứng.

“Việc đầu tư theo chuỗi rất quan trọng nhất là khi khu vực tư nhân dẫn dắt với sự hỗ trợ của khu vực công. Cùng với đó là sự hỗ trợ, chia sẻ kinh nghiệm, kỹ thuật, tài chính từ các tổ chức quốc tế”, bà Hương nhấn mạnh.

Tham vấn cho lộ trình xây dựng phát triển các cụm công nghiệp nông nghiệp của Việt Nam, ông David Butler, Giám đốc Tổ chức lương thực bền vững của Ireland (SFSI) cho rằng, cần có các sáng kiến lôi kéo đông đảo các bên liên quan vào các trung tâm nông nghiệp.

Đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ, cần tạo ra các trung tâm như “chợ đầu mối” để giải quyết vấn đề trong từng khâu và thu hẹp chi phí sản xuất, chi phí vốn và chi phí kinh doanh.

Trong tiến trình đó, ông David Butler khuyến nghị Việt Nam cần xác định nguồn lực tài chính đến từ đâu cho việc xây dựng các cụm công nghiệp nông nghiệp. Tiếp đến là quyền sở hữu trí tuệ, công nghệ và chia sẻ dữ liệu. Xác định nguyên tắc theo hình thức cộng sinh hỗ trợ lẫn nhau đưa ngành nông nghiệp tiến về phía trước.

“Chúng tôi nhìn thấy nhiều thách thức và cơ hội từ các cụm công nghiệp nông nghiệp Tuy nhiên, đi cùng với đó là yêu cầu thay đổi phương pháp tiếp cận, thí điểm với sự phối hợp của nhiều bên liên quan”, Giám đốc SFSI cho biết.

Tin liên quan

Đọc tiếp