Nút giao Mai Dịch. Ảnh: Quách Sơn. |
Cụ thể, cầu Mai Dịch cũ được tách thành trục đường cao tốc, kết nối theo hai chiều của đường Vành đai 3 trên cao (kết nối cầu cạn phía đường Phạm Hùng, hướng đi cầu Thanh Trì) với cầu cạn phía đường Phạm Văn Đồng, hướng đi Cầu Thăng Long và ngược lại).
Đối với 2 đơn nguyên cầu mới nằm hai bên cầu Mai Dịch cũ, phần đường dẫn có mặt cắt ngang rộng 7,75 m, bố trí một làn xe cơ giới rộng 3,5 m và một làn xe máy rộng 2,75 m. Mặt cắt ngang mỗi đơn nguyên cầu rộng 7,70 m, bố trí một làn xe cơ giới rộng 3,5 m và một làn xe máy rộng 2,75 m.
Đơn nguyên cầu mới phía đường Hồ Tùng Mậu phục vụ phương tiện xe ô tô và xe máy lưu thông vượt qua nút giao Mai Dịch theo hướng Phạm Văn Đồng đi Phạm Hùng. Đơn nguyên cầu mới phía đường Xuân Thủy phục vụ phương tiện xe ô tô và xe máy lưu thông vượt qua nút giao Mai Dịch theo hướng Phạm Hùng đi Phạm Văn Đồng.
Tổ chức giao thông nút giao dưới cầu Mai Dịch được tổ chức theo hình thức đảo xuyến trung tâm kết hợp đèn tín hiệu, vạch sơn và biển báo.
Sở GTVT Hà Nội cũng đưa ra phương án tổ chức hướng dẫn cho các phương tiện tham gia giao thông từ đường Phạm Hùng thông qua nút giao Mai Dịch:
Các phương tiện từ đường Vành đai 3 trên cao (hướng cầu Thanh Trì về nút giao Mai Dịch) - đường dành riêng cho phương tiện ô tô:
- Các phương tiện ô tô đi cầu Thăng Long: đi thẳng qua cầu vượt Mai Dịch cũ (trục đường cao tốc).
- Các phương tiện ô tô đi Phạm Văn Đồng: đi qua đơn nguyên cầu mới (cầu phía Xuân Thủy) xuống đường Phạm Văn Đồng.
- Các phương tiện ô tô đi Xuân Thủy hoặc Hồ Tùng Mậu: xuống đường Phạm Hùng đi theo chỉ dẫn vạch sơn và biển báo hiệu khu vực trung tâm nút giao gầm cầu Mai Dịch.
Các phương tiện từ đường Phạm Hùng
- Các phương tiện xe ô tô đi cầu Thăng Long: đi lên cầu vượt mới (cầu phía Xuân Thủy) hoặc đi thẳng qua nút giao Mai Dịch để đi vào đường cao tốc.
- Các phương tiện đi Phạm Văn Đồng đi theo hướng: đi qua đơn nguyên cầu mới (cầu phía Xuân Thủy) hoặc đi thẳng qua nút giao theo chỉ dẫn của hệ thống đèn tín hiệu, vạch sơn và biển báo hiệu.
- Các phương tiện đi Xuân Thủy: rẽ phải vào làn rẽ phải liên tục trước nút giao.
- Các phương tiện đi Hồ Tùng Mậu: qua trung tâm nút giao gầm cầu Mai Dịch và rẽ trái vào đường Hồ Tùng Mậu theo chỉ dẫn của hệ thống đèn tín hiệu, vạch sơn và biển báo hiệu.
- Các phương tiện (có chiều cao tĩnh không dưới 3,3 m) được phép quay đầu dưới điểm mở quay đầu gầm cầu Mai Dịch.
Đối với phương tiện từ đường Phạm Văn Đồng thông qua nút giao Mai Dịch
Các phương tiện từ đường Vành đai 3 trên cao (hướng cầu Thăng Long về nút giao Mai Dịch) - đường dành riêng cho phương tiện ô tô:
- Các phương tiện ô tô đi cầu Thanh Trì: đi thẳng qua cầu vượt Mai Dịch cũ (trục đường cao tốc).
- Các phương tiện ô tô đi Phạm Hùng: đi qua đơn nguyên cầu mới (cầu phía Hồ Tùng Mậu) xuống đường Phạm Hùng.
- Các phương tiện ô tô đi Xuân Thủy hoặc Hồ Tùng Mậu: xuống đường Phạm Văn Đồng đi theo chỉ dẫn vạch sơn và biển báo hiệu khu vực trung tâm nút giao gầm cầu Mai Dịch.
Các phương tiện từ đường Phạm Văn Đồng:
- Các phương tiện xe ô tô đi cầu Thanh Trì: đi qua đơn nguyên cầu mới (cầu phía Hồ Tùng Mậu) hoặc đi thẳng qua nút giao Mai Dịch để đi vào đường cao tốc.
- Các phương tiện đi Phạm Hùng đi theo hướng: đi qua đơn nguyên cầu mới (cầu phía Hồ Tùng Mậu) hoặc đi thẳng qua nút giao theo chỉ dẫn của hệ thống đèn tín hiệu, vạch sơn và biển báo hiệu.
- Các phương tiện đi Hồ Tùng Mậu: rẽ phải vào làn rẽ phải liên tục trước nút giao.
- Các phương tiện đi Xuân Thủy: qua trung tâm nút giao gầm Cầu Mai Dịch và rẽ trái vào đường Xuân Thủy theo chỉ dẫn của hệ thống đèn tín hiệu, vạch sơn và biển báo hiệu.
- Các phương tiện (có chiều cao tĩnh không dưới 3,3 m) được phép quay đầu dưới điểm mở quay đầu gầm cầu Mai Dịch.
Các phương tiện từ đường Xuân Thủy thông qua nút giao Mai Dịch
- Các phương tiện đi Phạm Văn Đồng: rẽ phải vào làn rẽ phải liên tục trước nút giao.
- Các phương tiện đi Hồ Tùng Mậu hoặc Phạm Hùng: đi qua trung tâm nút giao gầm cầu Mai Dịch theo chỉ dẫn của hệ thống đèn tín hiệu, vạch sơn và biển báo hiệu.
- Các phương tiện quay đầu đi Nguyễn Phong Sắc: quay đầu xe tại điểm mở dải phân cách đường Xuân Thủy trước khi vào trung tâm nút.
Các phương tiện từ đường Hồ Tùng Mậu thông qua nút giao Mai Dịch
- Các phương tiện đi Phạm Hùng: rẽ phải vào làn rẽ phải liên tục trước nút giao.
- Các phương tiện đi Xuân Thủy hoặc Phạm Văn Đồng: đi qua trung tâm nút giao gầm cầu Mai Dịch theo chỉ dẫn của hệ thống đèn tín hiệu, vạch sơn và biển báo hiệu.
- Phương tiện quay đầu xe quay đầu đi Trần Vĩ: quay đầu xe tại điểm mở dải phân cách đường Hồ Tùng Mậu trước khi vào trung tâm nút.
Cấm tất cả các phương tiện (ngoại trừ các phương tiện ô tô) đi vào cầu Mai Dịch cũ - trục đường cao tốc Vành đai 3 trên cao.
Các phương tiện lưu thông qua khu vực trung tâm nút giao Mai Dịch theo sự hướng dẫn của đèn tín hiệu giao thông, vạch sơn kẻ, biển báo và người hướng dẫn giao thông.
Tốc độ lưu hành cho phép đối với các phương tiện tham gia giao thông trên cầu Mai Dịch cũ (đường cao tốc) và 2 đơn nguyên cầu mới dưới 60 km/h.
Theo Sở GTVT Hà Nội, trong quá trình tổ chức giao thông tạm thời, nếu có những vấn đề bất cập về tổ chức giao thông, sở sẽ xem xét, điều chỉnh cho phù hợp.
Mai Dịch là nút giao quan trọng ở phía Tây Thủ đô, tại đây thường xuyên ùn tắc do mật độ phương tiện ở Vành đai 3 cũng như trên đường Hồ Tùng Mậu, Xuân Thủy rất lớn.
Do đó, Bộ GTVT đã bổ sung hạng mục hai cầu vượt thép tại nút giao Mai Dịch thuộc dự án Vành đai 3 trên cao Nam Thăng Long - Mai Dịch, có tổng mức đầu tư 342 tỷ đồng nhằm hạn chế ùn tắc tại nút giao này.
Đến nay, sau hơn một năm, dự án đã hoàn thành thi công và đang tiến hành tổ chức khảo sát, nghiệm thu và tổ chức phương án đi lại. Dự kiến, hai cầu vượt thép tại nút giao Mai Dịch sẽ được thông xe vào sáng ngày 6/5.
Hai dải cầu vượt thép khi đi vào hoạt động được kỳ vọng giải quyết tình trạng tắc nghẽn ở nút giao Mai Dịch, thúc đẩy thông thương, vận tải hành khách, hàng hóa giữa trung tâm với khu vực phía Tây, phía Bắc Thủ đô và vùng lân cận.